Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Anh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Về việc Bí thư Thành ủy Đà Nẵng có biểu hiện gian dối, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, theo tìm hiểu, từ tháng 2.1995 đến tháng 9.1998, ông Nguyễn Xuân Anh học cử nhân quản trị kinh doanh tại Trường Humber College, Canada.
Ông Nguyễn Xuân Anh (Ảnh: IT)
Sau đó, từ tháng 3.2001 đến tháng 9.2002, ông học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường California Southern University (Mỹ). Cũng từ trường California Southern University, từ tháng 3.2005 đến tháng 12.2006, ông Nguyễn Xuân Anh lấy bằng tiến sĩ hệ chính quy, chuyên ngành quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, ngôi trường cấp bằng tiến sĩ cho Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh - đào tạo theo hình thức trực tuyến và ai cũng có thể đăng ký học. Trong khi đó, ở Việt Nam, Bộ GDĐT chưa công nhận bằng cấp cấp từ các trường nước ngoài theo hình thức đào tạo trực tuyến.
Theo số liệu được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) công bố tại Hội thảo Công nhận văn bằng giáo dục ĐH được tổ chức mới đây tại Hà Nội, hiện số lượng hồ sơ công nhận văn bằng của nước ngoài tại Việt Nam tăng gần 44 lần so với năm 2008. Cụ thể, số lượng hồ sơ cần công nhận lên tới 3.861 hồ sơ (năm 2008 chỉ có 88 hồ sơ).
Trong đó, có đề nghị công nhận văn bằng giáo dục đại học và nhiều công văn của các cơ quan, tổ chức hỏi về công nhận văn bằng của nước ngoài. Theo số liệu thống kê, số hồ sơ công nhận văn bằng chủ yếu là từ loại hình du học toàn phần (60%) và liên kết đào tạo (34%). Trong liên kết đào tạo thì 63% là toàn phần tại Việt Nam, 37% là bán phần. Các trường có cơ sở, chi nhánh tại Việt Nam chiếm khoảng 4,36% số hồ sơ.
Cũng theo thông tin từ Bộ GDĐT, việc đăng ký nhiều như vậy nhưng có nhiều văn bằng nước ngoài đã không được công nhận. Lý do được cho rằng, quá trình kiểm định các văn bằng đã phát hiện nhiều cơ sở đào tạo ảo, chứng nhận kiểm định giả nên dẫn đến văn bằng không thể xác nhận.
Đặc biệt, nguyên nhân khiến nhiều văn bằng nước ngoài không được công nhận chủ yếu là do các tổ chức kiểm định giả, trường đại học giả hoặc văn bằng, bảng điểm giả.
Được biết, từ năm 2010, Bộ GDĐT đã công bố thông tin về 21 trường ĐH “ma” trong đó có, nhiều trường có tên trong danh sách “ma” này tuyển sinh toàn cầu dưới hình thức trực tuyến nên người học có thể đăng kí học trên mạng.
Cũng tại Hội thảo này, ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GDĐT) đã cho biết, hiện trên thế giới, nhiều nước có các cơ sở giáo dục được cấp phép hoạt động nhưng chất lượng không được kiểm định, do đó bằng cấp không được công nhận. Trong đó có nhiều cơ sở dạy trực tuyến và tuyển sinh khắp thế giới trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, ông Vang cho rằng, việc “mua sản phẩm” là do người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng có ý thức và nghiêm túc thì không bao giờ bị lừa. Còn nếu người dùng cố tình vì nhiều mục đích khác nhau, đó là lựa chọn của họ. Bộ GD ĐT đã có quy định về văn bằng là học online không được công nhận từ năm 2007. Bộ GD ĐT cũng đã nhiều lần cảnh báo người học trên các phương tiện truyền thông về vấn đề này.
Được biết, theo Đại sứ quán Mỹ, với luật pháp Mỹ, bất cứ trường học nào đều phải có giấy phép trước khi có được xét công nhận hay không. Vì vậy, tất cả các trường đều có giấy phép nhưng rất nhiều trong số đó không bao giờ được công nhận. Hiện ở Mỹ có 4.000 trường ĐH được kiểm định chất lượng cấp khu vực và cấp quốc gia, do Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Hội đồng kiểm định CHEA công bố tại địa chỉ: vietnam.usembassy.gov/accreditarion.html.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.