Vì sao Bộ TTTT đề nghị bỏ quy định chụp ảnh chủ thuê bao di động?

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 01/10/2018 18:45 PM (GMT+7)
Theo Bộ TTTT, nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao, đặc biệt là những người đã có thông tin đầy đủ, chính xác như thuê bao trả sau phải nộp ảnh sẽ tiếp tục gây phản ứng (các doanh nghiệp ước tính còn khoảng 38 triệu thuê bao dạng này). Vì thế, cơ quan này đề xuất cần xem xét, bãi bỏ quy định này.
Bình luận 0

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông chứa những nội dung liên quan việc chụp ảnh với chủ thuê bao.

Bộ TTTT cho hay, ngay sau khi các quy định về việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp được các doanh nghiệp triển khai, người dân và các cơ quan báo chí đã có phản ứng cho rằng chụp ảnh là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân. 

img

Cơ quan soạn thảo nhận định, việc chụp, bổ sung ảnh thật sự không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý. (Ảnh: T.An)

Việc này cũng có thể gây lộ lọt thông tin riêng và không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân. Đối với các thuê bao đã có thông tin chính xác (như thuê bao trả sau) mà vẫn yêu cầu bổ sung chụp ảnh là không cần thiết.

Sau khi nhận được các phản hồi từ người dân, Bộ TTTT đã báo cáo Chính phủ đồng thời chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan báo chí để trao đổi, làm rõ những quy định có liên quan nhằm tạo sự đồng thuận trong người dân, xã hội cũng như nghiên cứu, xem xét các vấn đề có liên quan.

Theo đó, cơ quan soạn thảo nhận định, việc chụp, bổ sung ảnh thật sự không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý. Nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao, đặc biệt là những người đã có thông tin đầy đủ, chính xác như thuê bao trả sau sẽ tiếp tục gây phản ứng (các doanh nghiệp ước tính còn khoảng 38 triệu thuê bao dạng này). Vì thế, cơ quan này đề xuất cần xem xét, bãi bỏ quy định này.

Bên cạnh đó, Bộ TTTT cho rằng, hiện tại Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử để kết nối, đối soát dẫn đến các nhà mạng không có cơ sở để đối soát, chứng minh thông tin thuê bao là chính xác hay không. 

img

Nhiều người dân đã phải sắp xếp thời gian, nghỉ việc, thậm chí phải xếp hàng nhiều giờ để đi chụp ảnh bổ sung vào thuê bao.  Ảnh: T.An

Để đảm bảo thông tin thuê bao chính xác thì nhất thiết phải có đối soát giữa thông tin do doanh nghiệp viễn thông thu thập với cơ sở dữ liệu thông tin nhân thân đáng tin cậy của cơ quan nhà nước có trách nhiệm.

Trên thế giới mới có 16 trên 147 quốc gia Chính phủ cho phép doanh nghiệp viễn thông kết nối với cơ sở dữ liệu thông tin của Chính phủ để đối soát như Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ... "Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cho thấy, công tác quản lý thông tin thuê bao chỉ phát huy được hiệu quả nếu có sự vào cuộc của Bộ Công an trong việc triển khai và tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối, đối soát với cơ sở dữ liệu về căn cước công dân" - cơ quan soạn thảo nêu ý kiến. 

Theo đó, Bộ TTTT đề xuất xem xét, bổ sung thêm điều khoản quy định trách nhiệm của Bộ Công an về việc xây dựng cơ chế xác thực và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động xác thực thông tin thuê bao. 

Đồng thời, Bộ TTTT dẫn chứng số liệu của các cơ quan liên quan cho biết, sớm nhất là đến năm 2028 mới có được cơ sở dữ liệu căn cước công dân tập trung trên cả nước.

Cuối tháng 4.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6.4.2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Trong đó, nội dung rất được dư luận quan tâm trong Nghị định 49 là việc ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao di động cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ.

Theo quy định nói trên, thuê bao mới (sử dụng dịch vụ di động sau ngày Nghị định 49 có hiệu lực 24.4.2017) sẽ phải chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng, ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ chụp). 

Trong khi đó, thuê bao cũ nếu có thông tin chưa đầy đủ, chưa chính xác sẽ phải đến điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để cập nhật lại thông tin và chụp ảnh tại thời điểm cập nhật như thuê bao mới. Với thuê bao mà doanh nghiệp viễn thông có sở cứ bảo đảm thông tin là chính xác (đúng người) và không cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng thì doanh nghiệp tự triển khai các biện pháp cần thiết để bổ sung thông tin thuê bao và ảnh chụp.

Thời điểm đó, lãnh đạo Cục Viễn thông, Bộ TTTT cho hay, việc ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân vẫn cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể như vân tay hoặc ảnh chụp là cần thiết để xác định một giao dịch là có thật, bởi ảnh chụp giấy tờ tùy thân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thể làm giả, có thể được (nhân viên giao dịch) lấy của người này gắn cho người khác mà vô cùng khó để kiểm soát.

Cuối tháng 4.2018, (1 năm sau khi Nghị định 49 có hiệu lực), các nhà mạng đã đốc thúc thuê bao của mình đi chụp ảnh bổ sung và việc này đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Nhiều người dân đã phải sắp xếp thời gian, nghỉ việc, thậm chí phải xếp hàng nhiều giờ để đi chụp ảnh bổ sung vào thuê bao. Song song với đó, nhà mạng cũng phải dốc sức bố trí nguồn lực cả về con người lẫn máy móc, phần mềm… để bảo đảm công việc được suôn sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem