Vì sao chợ ế?

Thứ sáu, ngày 19/02/2016 17:00 PM (GMT+7)
Giá cả năm nào sau Tết cũng tăng cao tại các chợ. Những năm trước, dù đắt, người tiêu dùng cũng bấm bụng mua. Còn bây giờ, họ vào siêu thị mua cho đúng giá, cho rẻ.
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa.

Mùng ba Tết, cần mua hoa để cúng hạ bàn thờ, tôi ra chợ. Một bó cúc nhỏ, ngày thường bán 12.000 đồng, nay cô bán hoa nói 50.000 đồng. “Khách quen nên chị bán em 45.000 đồng xem như lì xì đầu năm”, cô nói.

Tôi giật mình, ú ớ cười và đi. Sau đó tôi đến siêu thị để mua một bó cúc nhiều bông hơn, tươi hơn với giá chỉ 30.000 đồng.

Mọi thứ ở chợ, từ rau xanh, đến thịt cá vào những ngày đầu năm đều tăng giá 20-30% so với ngày thường, nhưng giá đã phải hạ từ sau mùng 5 Tết, vì tăng nữa cũng không ai mua. Chợ vắng hoe, người bán ngồi thở dài, nói chuyện những bộ phim nhiều tập của Ấn Độ, trong khi người mua chẳng có mấy, xe máy cứ mặc sức chạy thẳng vào chợ, khỏi gửi xe tốn tiền.

Năm nay nhiều siêu thị mở sớm như Co.opMart, BigC, thậm chí bán hàng xuyên Tết như Aeon Mall, nên người dân thành phố chỉ cần rảo một vòng trong siêu thị là mua đủ hàng hóa, giá cả cũng ổn định, tính tiền cũng nhanh, vì Tết cũng ít có ai mua hàng nhiều.

Tôi nghĩ thời buổi bây giờ đã khác. Kênh bán hàng hiện đại đang dần thay thế kênh truyền thống khi giá cả ổn định, chất lượng hàng hóa được đảm bảo. Sự ra đời của hàng loạt đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang khiến thói quen mua hàng của người thị thành có nhiều thay đổi, chưa kể kênh bán hàng trực tuyến cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường.

Vì thế, nếu không làm mới mình, nâng cao chất lượng hàng hóa, đưa ra giá bán phù hợp, sắp xếp bài trí gian hàng cho bắt mắt, thì chính các tiểu thương ở chợ sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn sắp tới.

Thảo Nguyên (SGTT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem