Vì sao công an xã nghỉ việc nhiều đến thế?

Quốc Phong Thứ ba, ngày 02/05/2017 07:59 AM (GMT+7)
Chỉ nội một tỉnh, trong 3 năm mà có đến ngót nghét 50 công an xã xin thôi việc thì không hiểu trên cả nước con số này là bao nhiêu?
Bình luận 0

Hôm rồi, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Tại buổi làm việc, lãnh đạo địa phương đã đưa ra những bất cập về chế độ lương bổng do nhà nước quy định hiện nay đối với cán bộ địa phương cấp xã, trong đó có công an viên đã khiến nhiều người xin thôi việc. 

Theo ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, trong 3 năm qua (2014, 2015, 2016), trên địa bàn tỉnh có 305 cán bộ cấp cơ sở (xã, ấp) nghỉ việc, trong đó chủ yếu là cán bộ bán chuyên trách. Trong số cán bộ nghỉ việc có đến 47 là công an, trong số 47 đó, đã có 10 vị là phó công an xã nhưng cũng xin nghỉ việc. 

Ông Tam cho rằng bước đầu đánh giá về thực trạng này cho thấy các cán bộ bán chuyên trách nghỉ việc là do chế độ và lương thấp.

img

Công an xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar) tuần tra làm nhiệm vụ. Ảnh: Báo Đăk Lăk

Vị phó Bí thư tỉnh còn dẫn chứng cho thấy “chế độ đối với phó công an xã là chưa tương xứng. Theo ông, lương phó công an xã khoảng 1,8 triệu đồng và được hỗ trợ 50% bảo hiểm y tế, ngoài ra phải tự túc xăng xe đi lại, phương tiện thì hạn chế, sức ép công việc thì lớn, mâu thuẫn cá nhân nông thôn thì nhiều, cơ chế bảo vệ lại không có...”

“Cũng vì nhiều lý do này nên dẫn đến tình trạng anh em công an co cụm lại và tình hình an ninh trật tự cũng bị ảnh hưởng” - ông Trần Ngọc Tam nói.

Tìm hiểu thêm việc này, tôi được ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cho biết kĩ hơn. Ông bảo: Với cấp trưởng công an xã thì chế độ có nhích hơn chút vì là chuyên trách. Với người đã qua đào tạo thì có hệ số lương 1,86 (khoảng trên 2,2 triệu đồng), nếu chưa qua đào tạo thì hệ số 1,17 và sẽ lên lương theo định kỳ. 

Tại Bến Tre, công an chính quy chỉ bố trí ở phường, thị trấn và một số xã trọng điểm . Với mức lương của công an xã như thế này, nhiều anh em ở cơ sở có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì không thể theo công việc được...”

Đất nước ta, nông thôn là địa bàn rộng lớn so với đô thị. Dân số ở nông thôn cũng trên 65-70 %. Nay nếu như nâng lương hoặc phụ cấp cho đối tượng này quả là vô cùng nan giải.

Nhưng quả là khó hiểu khi lực lượng công an trên địa bàn xã đều chỉ là bán chuyên trách trừ trưởng công an xã. Lương của một cán bộ là phó công an mà chỉ có 1,8 triệu thì đúng là làm sao đảm bảo nổi cuộc sống cho người ta, lại yêu cầu phải cúc cung tận tuỵ với nhiệm vụ và hoàn toàn không tiêu cực gì? 

Với những người vì khó khăn mà xin nghỉ việc, ở góc nhìn của tôi, đó là những người cũng rất đáng trân quý bởi đó là những người biết tự trọng, thà nghỉ đi tìm việc khác mưu sinh còn hơn mà không làm chuyện tiêu cực!

Có xã như quê tôi (Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) có tới 37 xóm, dân số khoảng 20.000 người, nhưng ngoài biên chế trưởng và phó công an xã thì cũng chỉ có 9 công an viên với mức phụ cấp có hệ số tối thiểu (1,0), tức là 1,21 triệu đồng/người/tháng).  

Điều này có nghĩa cả một đơn vị công an xã, nhà nước cũng chỉ chi khoảng trên 15-16 triệu đồng cho khâu lương và phụ cấp.

Riêng chuyện này, tôi đã quá khâm phục những cán bộ, chiến sĩ công an xã trên cả nước. Họ đã giữ gìn an ninh trật tự tốt địa phương, cũng có nghĩa là rất tốt cho đất nước, góp phần bảo vệ xã hội được bình yên để xây dựng và phát triển kinh tế.

Quay trở lại chuyện lương và mức sống hiện nay của người dân lao động để chúng ta hiểu thêm vấn đề. Theo một số liệu điều tra gần đây vừa được nhóm nghiên cứu thuộc 2 tổ chức ISEAL Alliance và SAI công bố tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… cùng một số chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương, tiền công.

img

Lương thấp là một trong những nguyên nhân

Nhóm nghiên cứu cho biết khái niệm “lương đủ sống” khác với khái niệm “lương tối thiểu” đang được áp dụng để làm căn cứ trả lương cho người lao động hiện nay.

Lương đủ sống được các chuyên gia nghiên cứu cho là mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường đủ để duy trì mức sống đàng hoàng cho bản thân và gia đình.

Các tiêu chí của mức sống đàng hoàng gồm thực phẩm, nước, nhà ở, giáo dục, y tế, giao thông, quần áo, và các nhu cầu thiết yếu khác cũng như chi phí dự trù cho các sự việc phát sinh ngoài dự tính… 

Để có “mức sống đàng hoàng tối thiểu” tại khu vực thành phố mà TP.HCM nơi được chọn làm điển hình để họ khảo sát, một người lao động cần phải được trả mức lương đủ sống là 6,435 triệu. 

Với số tiền này, họ cũng chỉ có thể giành cho tích luỹ mỗi tháng chỉ được trên 488.000 đồng, không thấm thía gì nếu muốn tiết kiệm mua căn hộ tàng tàng.

Nếu theo tính toán này, một cán bộ dù ở cấp trưởng hoặc phó công an xã thì cũng chỉ bằng một nửa thu nhập cần thiết gọi là “mức đủ sống”. 

Tiền lương của cán bộ chính quyền xã và công an xã hiện hết sức khiêm tốn. Ngẫm lại câu nói của Trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao tại một cuộc hội thảo gần đây ở Ban Nội chính Trung ương: “Thẩm phán lương tháng 4-5 triệu, đi nộp tiền học cho con đã hết rồi, gặp đương sự ngồi mân mê nhẫn kim cương đã sáng mắt, sao mà kìm lòng nổi”.

Đã đến lúc Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu chế độ lương và phụ cấp lương cho lực lượng thực thi pháp luật sao cho thoả đáng. Theo tôi, chế độ lương và phụ cấp cho lực lượng này cần cao hơn các ngành khác đồng thời cần có chế tài mạnh, đủ sức răn đe, ngăn ngừa tiêu cực để họ không còn “thèm” tham nhũng, không muốn tham nhũng và biết lo sợ bởi không an toàn nếu tham nhũng...

Lộ trình điều chỉnh nâng lương lâu nay vẫn tiến hành hàng năm. Song để cho nó “ra tấm ra món” thì thật sự chưa ổn. Có vẻ, chúng ta vẫn chạy đuổi theo thời giá và không thấm tháp gì. 

Song để có thể tăng mạnh, cải thiện rõ thì lại là câu chuyện dài cần được cảm thông vì rất khó thực hiện nếu năng suất lao động của chúng ta quá thấp. 

Để có thể có một cuộc cách mạng về lương bổng cho người lao động, phải giảm biên chế, phải bớt khối lao động hành chính và hưởng lương sự nghiệp và chủ trương nhất thể hoá bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền đã và đang được chúng ta nghiên cứu, thí điểm chính là con đường rất đúng đắn cần làm khẩn trương. 

Sẽ rất khó có thể làm khác nếu muốn tăng lương, trong đó có cả chính sách cho một số ngành đặc thù cần được quan tâm đãi ngộ thoả đáng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem