Vì sao cử tri Hà Nội kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh?

Hoàng Thành - Sông Bùi Thứ năm, ngày 05/05/2022 08:55 AM (GMT+7)
Cho rằng số vụ việc tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn, cử tri Hà Nội kiến nghị cần thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc các tỉnh, thành ủy.
Bình luận 0

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri tại quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ và huyện Hoài Đức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV mới đây của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đơn vị bầu cử số 5 (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) các cử tri đã nêu nhiều kiến nghị, chủ yếu thuộc các vấn đề dân sinh, thiết thực với đời sống người dân.

Vì sao cử tri Hà Nội kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh? - Ảnh 1.

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thông tin đến cử tri dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: C.A


Đánng chú ý, cử tri Phan Phúc Long (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) cho biết, cử tri đánh giá rất cao những kết quả đạt được trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Song ông cho rằng lòng dân vẫn bất an vì nạn tham nhũng vặt; đặc biệt số vụ việc tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn, vì vậy, cần thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc các tỉnh, thành ủy.

Cử tri Phan Phúc Long kiến nghị, T.Ư cần ban hành quy chế, quy định phân quyền, phân cấp, kiểm tra, điều tra và xử lý, đặc biệt là công tác nhân sự, tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ trong tiểu ban và người đứng đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đồng thời, cần quan tâm nhiều hơn đến ban hành, bổ sung cơ chế bảo vệ người đấu tranh, tố cáo, xử lý nghiêm các hành vi trù dập, trả thù, bịa đặt, vu khống.

Ông cho rằng, nếu mô hình này thành công, cần tiếp tục phân quyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sâu hơn, tới cấp quận, huyện.

Ngoài ra, cử tri này cũng nêu ý kiến ngoài nạn tham nhũng thì sự lãng phí cũng diễn ra ở nhiều địa phương làm nghèo đất nước. Điển hình như nhiều công trình lớn bị bỏ hoang, thiếu liên thông bộ ngành, công tác quy hoạch thiếu thực tế nên quy hoạch treo khiến người dân phải sống khổ sở trên quy hoạch treo.

Vì sao cử tri Hà Nội kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh? - Ảnh 2.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiếp thu ý kiến và trả lời kiến nghị của cử tri. Ảnh: C.A


Cũng tại hội nghị, cử tri Đỗ Thị Kim Chi (quận Bắc Từ Liêm) nêu ý kiến về chính sách tiền lương chưa phù hợp với người lao động. Đây có thể là nguyên nhân khiến người rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng. Do đó, cử tri này đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến chính sách tiền lương, đảm bảo cuộc sống người lao động đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.

Liên quan đến vấn đề giáo dục, cử tri Trần Đình Ngọc (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) cho rằng dù đã nhiều lần cải cách giáo dục nhưng chương trình sách giáo khoa lớp 1 hiện nay đang quá nặng. Tại địa phương ông, một học sinh lớp 1 có tới 17 đầu sách.

Do đó, cử tri Ngọc đề nghị Chính phủ giao Bộ GDĐT xem xét sửa đổi chương trình giảm tải lớp 1; đồng thời đề nghị xây dựng khu đô thị phải có khu vui chơi, trường học đi kèm vì hiện trẻ em tại khu đô thị ngoài áp lực về chương trình học thì các em cũng không có khu vui chơi, trường học đúng nghĩa.

Cũng liên quan đến nội dung chính sách tiền lương, cử tri Nguyễn Đức Minh (huyện Hoài Đức) cho rằng trước việc vật giá leo thang từng ngày đề nghị Chính phủ có biện pháp tăng mức lương tối thiểu vùng. Với vấn đề dân sinh trên địa bàn, là người dân huyện Hoài Đức, cử tri Minh đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án đầu tư công để huyện Hoài Đức sớm đạt đủ tiêu chuẩn thành quận.

Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo Nghị quyết

Tại hội nghị, BĐQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã thông tin đến cử tri dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; trả lời kiến nghị của cử tri nêu lên tại lần tiếp xúc trước.

Theo đó, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa dự kiến được họp theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội; khai mạc kỳ họp vào ngày 23/5/2022, dự kiến bế mạc ngày 17/6/2022.

Theo chương trình, Quốc hội xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo Nghị quyết gồm Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng cho ý kiến 6 dự án luật gồm Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 3 cũng dành thời gian xem xét các vấn đề kinh tế- xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác và gửi ĐBQH nghiên cứu một số vấn đề liên quan.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem