Vì sao dân các tỉnh vẫn muốn về quê dù TP.HCM hỗ trợ thực phẩm thiết yếu?

Bạch Dương Thứ hai, ngày 02/08/2021 18:54 PM (GMT+7)
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP cho biết, nhiều người dân không còn đủ tiền để bám trụ lại TP khi tiền điện, nước, tiền nhà trọ vẫn đè nặng trong khi thu nhập đã mất do dịch bệnh kéo dài.
Bình luận 0
Vì sao dân các tỉnh vẫn muốn về quê dù TP.HCM hỗ trợ thực phẩm thiết yếu? - Ảnh 1.

Nhiêu người dân phải nhận từng túi gạo để sống qua ngày (Ảnh: B.D)

Tại cuộc họp trực tuyến với các đoàn thể, quận huyện về công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chiều 2/8, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, có rất nhiều lao động từ các tỉnh thành khác đến làm việc, đóng góp cho thành phố.

Hiện có rất nhiều hộ gia đình không đăng ký thường trú, mục tiêu phải làm thế nào để nhóm đối tượng này được quan tâm, chăm lo đầy đủ để họ không bức bách.

Để "lưới an sinh" không để lọt bất kỳ ai, ông Hải cho biết sáng nay (2/8) Thường trực Thành ủy đã kết luận thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân TP ở 3 cấp: Cấp TP, cấp quận huyện và phường xã, trong đó yêu cầu cấp phường xã phải rà soát lại thật kỹ các đối tượng trên địa bàn.

Trước câu hỏi vì sao người dân ở các tỉnh vẫn muốn về quê dù chính quyền TP.HCM rất tha thiết mời họ ở lại với những hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP thẳng thắn cho biết, họ không còn đủ tiền để bám trụ lại TP nữa khi tiền điện, nước, tiền nhà trọ vẫn đè nặng lên vai trong khi thu nhập đã mất do dịch bệnh kéo dài.

"Ví dụ, một người ở trọ 3 triệu đồng/tháng, dù được giảm 50% đi nữa thì họ vẫn phải trả 1,5 triệu đồng. Nhưng 1,5 triệu đồng đó ở đâu ra trong điều kiện 2 tháng nay không có việc làm, phải đi nhận từng túi gạo, từng chai nước mắm sinh sống qua ngày?

Tôi đề xuất cần có những biện pháp hỗ trợ lâu dài cho người dân mất việc làm như giảm giá điện, nước sâu nhất có thể, vận động chủ trọ tạm thời miễn phí để giúp người lao động vượt qua khó khăn", bà Thúy kiến nghị.

Ngoài những hỗ trợ về thực phẩm, nhu yếu phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, TP cần hỗ trợ thêm để chia sẻ khó khăn với người lao động đang gặp khó khăn.

Vì sao dân các tỉnh vẫn muốn về quê dù TP.HCM hỗ trợ thực phẩm thiết yếu? - Ảnh 3.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các địa phương phải đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho người lao động (Ảnh: B.D)

Ông Hải lưu ý cần tránh việc người dân tự phát về quê làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương khác bằng cách chăm lo, đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho người lao động.

"Trong thời điểm khó khăn này, chúng ta phải thể hiện trách nhiệm, quan tâm chăm sóc họ, nếu không sẽ rất có lỗi với người dân" - ông Hải chia sẻ.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 29/7 đã chi giải quyết 467,428 tỷ đồng cho 311.619 lao động tự do, 77,321 tỷ đồng cho 38.214 lao động tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương.

TP.HCM cũng chi giải quyết cho 141/1.259 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp (11,2%) với số tiền 291,8 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chi cho 5.603 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động với số tiền 11,206 tỷ đồng. Ngoài ra, 10.432/12.554 thương nhân tại các chợ truyền thống đã nhận được hỗ trợ với số tiền 15,717 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem