Vì sao giá cà phê tăng cao chưa từng có ngay trong mùa thu hoạch?

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 19/01/2024 09:49 AM (GMT+7)
Mọi năm, khi vào chính vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào thì giá cà phê thường giảm, nhưng năm nay thị trường cà phê liên tục gây bất ngờ khi giá thu mua tăng cao từ khi các nhà vườn rục rịch thu hoạch. Hiện giá cà phê đã đạt hơn 72.000 đồng/kg, tăng hơn 86% so với cùng kỳ.
Bình luận 0

Giá cà phê liên tục "nhảy múa"

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, ngày 18/1, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm khoảng 800 đồng/kg so với trước đó 1 ngày song vẫn đang ở mức cao chót vót: 72.000 đồng/kg. Trong đó, giá cà phê tại Gia Lai đạt 71.900 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 72.000 đồng/kg. 

Một số đại lý ở Đắk Lắk đang thu mua cà phê với giá cao hơn mặt bằng chung của thị trường, đơn cử tại huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức 72.700 đồng/kg; huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ giá cà phê được thu mua cùng mức 72.800 đồng/kg. Trong khi cùng thời gian này năm ngoái, giá cà phê được thu mua dao động từ 42.000 - 43.000 đồng/kg. 

Vì sao giá cà phê tăng cao chưa từng có ngay trong mùa thu hoạch?- Ảnh 1.

Nông dân Gia Lai thu hoạch cà phê. Ảnh: Trọng Chính

Theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, trong lịch sử xuất khẩu cà phê hơn 30 năm qua của Việt Nam, chưa bao giờ giá cà phê lại cao đến như vậy trong chính vụ thu hoạch. 

Đặc biệt là, thời điểm này chỉ có Việt Nam đang thu hoạch cà phê robusta, cà phê của các nước khác như Indonesia hay Brazil phải qua tháng 4 đến tháng 7/2024 mới thu hoạch. Do đó rất nhiều nhà nhập khẩu đã đổ đến Việt Nam tìm nguồn hàng.

Lý giải về nguyên nhân đẩy giá cà phê tăng kỷ lục ngay trong vụ thu hoạch, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, năm 2023 ngành cà phê Việt Nam gặp một vấn đề lần đầu tiên trong lịch sử, đó là không có cà phê. Từ tháng 7 đến tháng 10 không có cà phê để giao, nhiều doanh nghiệp phải nợ đơn hàng. Lượng nợ đó theo ước tính lên khoảng 300.000 tấn. 

"Ai cũng nghĩ đến mùa vụ thu hoạch cà phê, khi hàng hoá dồi dào hơn giá sẽ giảm xuống. Nhưng không ngờ năm nay giá cà phê chẳng những không giảm mà còn tăng khốc liệt. Vụ mùa bị "delay" 1 tháng, tới tháng 11 mới có hàng để giao nên mọi người đều nhảy vào tranh nhau mua; chưa kể rất nhiều đơn hàng cũ, những người đã bán trước nay phải bù vào... Tất cả những điều đó khiến nguồn cung cà phê trở nên khan hiếm, đẩy giá cà phê lên cao trong vụ mùa chính thức" - ông Thông phân tích. 

Thực tế bây giờ, người dân một số nơi như ở Lâm Đồng, Đắk Lắk mới bắt đầu thu hái nhưng do giá cà phê liên tục lên cao nên người dân có tâm lý găm hàng, chưa muốn bán ra, hoặc họ chỉ bán một phần chứ không bán hết sạch như trước. Một bên muốn mua hàng để giao cho nhà nhập khẩu, còn một bên chưa muốn bán, khiến giá cà phê liên tục nhảy múa. 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Minh Thông cho biết thêm, giá cà phê tăng cao thì nông dân chắc chắn là người được hưởng lợi đầu tiên, nhưng doanh nghiệp thì lỗ "kinh khủng". 

"Đầu vụ nông dân bán cà phê giá 52.000 đồng/kg, nhưng bây giờ doanh nghiệp phải thu mua với giá 72.000 đồng/kg. Chênh lệch giá quá lớn khiến doanh nghiệp lỗ trung bình 400 triệu đồng/container 20 tấn. Mà những đơn hàng xuất khẩu cà phê đâu chỉ có 1 container, đó là hàng chục, hàng trăm container một ngày" - ông Thông tiết lộ.   

Cũng vì vậy, ông Thông cho biết nhiều doanh nghiệp hiện không dám tiếp tục mua hàng vào nữa, hoặc chỉ mua nhỏ giọt. 

Vì sao giá cà phê tăng cao chưa từng có ngay trong mùa thu hoạch?- Ảnh 2.

Theo ông Phan Minh Thông, giá cà phê tăng cao nên bà con nông dân được lợi nhiều. Ảnh: Trọng Chính

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi hãng tàu tự động áp "phụ phí chiến tranh"

Thị trường cà phê trong nước ngày càng "nóng" lên theo giá cà phê trên sàn giao dịch kỳ hạn quốc tế khi ngày 16/1, có tin quân khủng bố Houthi đã bắn tên lửa đạn đạo chống hạm vào một tàu chở hàng của Mỹ sở hữu và điều hành trong khu vực Biển Đỏ, làm dấy lên mối lo ngại về căng thẳng nguồn cung cà phê, cũng như các loại hàng hoá khác.  

Trước tình trạng leo thang tại khu vực Biển Đỏ khi một số hãng tàu đã quyết định không đi qua tuyến này mà đi qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, dẫn tới hành trình dài thêm hàng ngàn km, thời gian di chuyển kéo dài hơn 8-21 ngày, đồng thời cước phí vận chuyển đi châu Âu và Hoa Kỳ cũng đã tăng 4-5 lần. 

Ông Phan Minh Thông cho biết, trước đây cước phí tàu chở hàng từ Việt Nam đi châu Âu khoảng 600 USD/container, thì hiện nay đã tăng lên 3.500 USD. "Cước phí tăng một cách tàn bạo, trong khi hàng hoá của Phúc Sinh chủ yếu xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ. Ngay lúc này mấy chục triệu USD của chúng tôi đang nằm trên biển nên rất căng thẳng" - ông Thông nói. 

Và do thời gian vận chuyển hàng hoá kéo dài nên sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến thời gian xử lý hàng tại các cảng ở Anh và trung tâm lớn ở châu Âu như Rotterdam, Antwerp hay Hamburg.  

Hiện tại các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới do cước phí vận tải tăng cao làm cho giá cả hàng hóa tăng, người mua không chấp nhận giá mới. Đồng thời, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về việc các hãng tàu tự động áp thêm phụ phí chiến tranh cho các lô hàng đã được xếp lên tàu từ tháng 12/2023. Mức phí các hãng tàu đưa ra khoảng 1.000-2.700 USD cho container từ 20-40 feet. 

"Việc các hãng tàu tính thêm phụ phí một cách tùy tiện, áp đặt, không có cơ sở pháp lý, mỗi hãng tàu một giá… là trái với hợp đồng 2 bên đã ký kết trước đó, gây ra rất nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Để có cơ sở kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ ngành liên quan về vấn đề này, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam đã gửi thông báo cho các thành viên đề nghị các doanh nghiệp cung cấp thông tin để Hiệp hội tổng hợp và báo cáo các Bộ ngành hỗ trợ" - ông Lê Việt Anh - Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) thông tin. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều nhóm hàng mà Việt Nam đang có xuất khẩu lớn sang khu vực EU cũng như Hoa Kỳ và khu vực bờ Đông như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, một số sản phẩm trái cây và các sản phẩm khác như là hạt nhựa… cũng đã bắt đầu ảnh hưởng lớn từ việc các hãng tàu phải chuyển hướng đi vòng qua châu Phi.

Trên thực tế, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng gắn chặt với hoạt động logistics quốc tế và những biến động như đã thấy trong giai đoạn đại dịch COVID-19, cộng với sự cố kênh đào Suez và hiện nay tại khu vực Biển Đỏ cho thấy những yếu tố bất ổn trên thị trường thế giới luôn tiềm ẩn và có thể sẽ xảy ra thường xuyên. "Do đó, doanh nghiệp luôn phải tính đến cũng như có phương án dự phòng thích hợp, trong đó có cả việc chủ động đàm phán với các đối tác trong khu vực để giãn thời gian giao/nhận hàng. Mặt khác, việc mua bảo hiểm liên quan đến những vấn đề về chậm trễ trong việc giao/nhận cũng là yếu tố rất cần thiết" - ông Hải khuyến cáo.

Năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,7% về lượng, nhưng kim ngạch tăng 4,6% lên mức kỷ lục 4,24 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê Robusta toàn cầu sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống còn 74,1 triệu bao so với 76,6 triệu bao của niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 4 niên vụ gần đây.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem