Vì sao Hà Nội cần tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 6/9?

Sông Bùi Thứ tư, ngày 01/09/2021 13:53 PM (GMT+7)
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhận định, nhiều khả năng Hà Nội phải tiếp tục gia hạn thêm thời gian giãn cách xã hội sau ngày 6/9, ít nhất là thêm 7 ngày.
Bình luận 0

Kể từ 6h ngày 24/7, đến nay Hà Nội đã trải qua gần 40 ngày giãn cách xã hội, còn hơn 5 ngày nữa TP sẽ kết thúc thực hiện giãn cách xã hội đợt 3 (đến 6h ngày 6/9) theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế hiện nay Hà Nội xuất hiện thêm một số "ổ dịch" mới, số ca mắc Covid-19 vẫn tăng cao nhưng đều nằm trong khu vực đã được phong tỏa, các trường hợp phát hiện ho sốt ngoài cộng đồng có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt tại các ổ dịch lớn. Do vậy, người dân trên địa bàn Hà Nội rất quan tâm đến việc Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội không hay sẽ nới lỏng? Nếu tiếp tục giãn cách thì sẽ theo nguyên tắc nào, nới lỏng thì sẽ nới lỏng ra sao?

Có thể giãn cách ít nhất 7 ngày hoặc dài hơn

Về vấn đề này, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội vẫn phức tạp, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, đặc biệt là việc hình thành các chùm ca bệnh, các "ổ dịch" trên địa bàn.

Trong đó, khu vực "ổ dịch" trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) mới trải qua gần 10 ngày, và ít nhất phải sau 14 ngày mới có thể ổn định được tình hình.

"Chúng tôi cũng đã có kiến nghị giảm bớt lượng người trong khu vực phong toả. Việc này sẽ do chính quyền địa phương thực hiện. Ví dụ như có 2 hộ dùng chung một nhà vệ sinh thì di dời đi một hộ, đó là cách để giảm, hạn chế tiếp xúc và lây nhiễm", ông Tuấn nói và lưu ý, việc bố trí, sắp xếp khu vực di dời cho người dân cũng cần tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Sau 6/9, Hà Nội có thể phải giãn cách xã hội thêm 7 ngày - Ảnh 1.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn. Ảnh: Thành An.

Liên quan đến các "ổ dịch" khác trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, trên địa bàn TP nhiều "ổ dịch" đã giảm mức độ nguy hiểm như khu Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa). Tuy nhiên, một số khu vực như chùm ca bệnh ở Lê Trọng Tấn (Khương Mai, Thanh Xuân) lại tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

"Thậm chí chủ cửa hàng khi có biểu hiện bệnh thì không đi thăm khám, mà vẫn bán hàng cho khách, như vậy có nguy cơ rất cao lây nhiễm cho nhiều người", ông Tuấn nói.

Nhấn mạnh điều quan trọng nhất lúc này là ý thức của người dân. Khi có biểu hiện, hoặc thậm chí không có biểu hiện triệu chứng bệnh, nhưng cảm thấy có yếu tố liên quan đến Covid-19 thì cần thông báo để được xét nghiệm miễn phí.

"Cũng có người nói, sợ đi xét nghiệm chẳng may lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, dù có trường hợp đó xảy ra, thì cũng đảm bảo an toàn được cho gia đình, người thân, cộng đồng. Mỗi người cần cân nhắc lợi, hại của việc khai báo y tế, xét nghiệm để phát hiện nguy cơ mắc Covid-19", ông Tuấn nêu.

Ông Tuấn cho rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bà Hà Nội vẫn khá căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Nếu không bóc tách triệt để được các F0 ở cộng đồng thì rất nguy hiểm. Việc thực hiện giãn cách xã hội, cách ly giữa người với người phải được thực hiện nghiêm túc. 

"TP có lẽ phải duy trì giãn cách xã hội thêm ít nhất là 7 ngày, hoặc cũng có thể dài hơn để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Bây giờ nếu không giãn cách nữa thì không thể phòng, chống dịch bệnh. Tất nhiên, việc này Thành uỷ và UBND TP sẽ quyết định, xem xét dựa trên cả yếu tố phát triển kinh tế xã hội của thành phố", ông Tuấn nói.

Sau 6/9, Hà Nội có thể phải giãn cách xã hội thêm 7 ngày - Ảnh 2.

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, việc thực hiện giãn cách xã hội, cách ly giữa người với người phải được thực hiện nghiêm túc. Trong ảnh: Người dương tính SARS-CoV-2 tại ổ dịch Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong thời gian chờ chuẩn lên xe cứu thương đến khu vực điều trị. Ảnh: Gia Khiêm.

Giãn cách một nửa là vấn đề rất khó

Về vấn đề, các quận, huyện là "vùng xanh" hoặc một số địa phương đã hơn 30 ngày không phát hiện ca mắc Covid-19 mới, liệu TP có nới lỏng giãn cách đối với các địa phương trên sau ngày 6/9. Ông Tuấn cho biết, các quận ngoại thành hiện nay cơ bản đã "sạch", tuy nhiên việc giãn cách một nửa là vấn đề lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách xã hội một nửa rất là khó.

"Giãn cách toàn TP dân còn không chấp hành, bây giờ chia nửa thì nguy cơ rất lớn. Tuy nhiên đó cũng là một ý kiến tốt, cần xem xét nhưng cái này tùy thuộc vào ý thức người dân. Ví dụ nội thành đang giãn cách mà người dân lại ra khu vực nới lỏng, nếu là F0 thì rất nguy hiểm", ông Tuấn cho hay.

Liên quan đến việc người dân vẫn ra đường đông, chuyên gia phòng, chống dịch của TP.Hà Nội cho rằng, thực thế hiện nay cũng có nơi, có chỗ thực hiện chưa tốt. Có chỗ làm rất chặt, rất tốt, nhưng có chỗ cả chính quyền, người dân còn lơi lỏng, chưa làm chặt.

"Người dân, doanh nghiệp ra đường nhiều quá. Từ nay đến ngày 4/9, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá nguy cơ trên kết quả xét nghiệm, tuy nhiên từ nay đến ngày 6/9 cứ tình hình như thế này thì chắc sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ít nhất là nửa chu kỳ", ông Tuấn nói.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng cho rằng, việc cấp, sử dụng Giấy đi đường cũng còn nhiều bất cập. Cấp xong, người ra đường có tuân thủ quy định không hay có giấy rồi đi lại vô tư không ai kiểm soát, không ai biết. Các cơ quan, đơn vị, cả các doanh nghiệp cũng được cấp Giấy đi đường, nhưng việc hậu kiểm thế nào, nếu sai phạm xử phạt ra sao, có nghiêm và đủ sức răn đe hay không cũng rất khó.

Trước tình hình dịch Covid-19 hiện tại ở Hà Nội, ông Tuấn khyến cáo đợt nghỉ lễ 2/9 tới, người dân nên tuyệt đối tuân thủ giãn cách xã hội, không được lấy lý do ngày nghỉ lễ để đi lại, gặp gỡ, liên hoan gia đình thì rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến thành quả chống dịch toàn TP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem