Nhà nghiên cứu nói về đặc tính “vô cấu, bất nhiễm” khiến hoa sen trở thành biểu tượng của tâm hồn Việt

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 27/06/2024 11:13 AM (GMT+7)
Giới mỹ thuật, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Thủ đô đã có những mạn đàm thú vị về hoa sen khi thưởng lãm 18 bức tranh nằm trong bộ sưu tập “Hồng sen” của nhà sưu tập Thúy Anh.
Bình luận 0

Buổi mạn đàm có sự tham gia của họa sỹ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, PGS.TS Ngô Văn Giá – Nhà nghiên cứu và phê bình văn học; Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường, PGS.TS Trần Trọng Dương - Nhà nghiên cứu văn hóa, Nhà thơ Hữu Việt, nhà báo Phan Thanh Phong, Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ cùng nhiều họa sỹ, nhà phê bình nghệ thuật.

Vì sao hoa sen trở thành biểu tượng của cốt cách và tâm hồn Việt?- Ảnh 1.

Nhà sưu tập Thúy Anh cùng các văn nghệ sĩ trong buổi mạn đàm về hoa sen. Ảnh: Sơn Tùng

Bày tỏ những hiểu biết của mình về hoa sen - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Trọng Dương cho biết, hoa sen đã tồn tại trong văn hóa Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Trong thơ văn, kiến trúc, hội họa đều có hình tượng sen, từ mảng chạm thời Lý-Trần, đến chân đài hoa sen điêu khắc trên đình làng, hoa văn trên vải vóc, mỹ thuật đều mang mô-típ hoa sen. Có hàng trăm mô-típ hoa sen trong văn hóa Việt.

"Biểu tượng hoa sen trải rộng trong chiều dài văn hóa của cả Đông Á và Nam Á. Trong văn hóa Nam Á, hoa sen là biểu tượng trung tâm, liên quan đến những gì tinh khiết nhất, không tì vết, không gì có thể vấy bẩn. Đặc tính của loài sen được miêu tả bằng 4 chữ "vô cấu, bất nhiễm", thanh khiết tuyệt đối, bất nhiễm với bùn. Hoa sen sinh ra từ bùn nhưng lại không bao giờ dính bùn. Hoa sen vì thế trở thành biểu tượng của tâm thanh tịnh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi vừa ra đời, đi 7 bước là ứng với 7 đóa hoa sen. 

Cho đến Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng có câu: "Đi tìm ngọc ở trong tâm", câu này bắt nguồn từ kinh điển của Phật giáo, liên quan đến câu thần chú "Án ma ni bát di hồng" cũng có nghĩa là "viên ngọc trong hoa sen". Ý của câu nói đó là trong nhà mình có ngọc, chẳng phải đi tìm đâu xa, ngọc ở trong tâm hồn chúng ta, đó chính là Phật tính của mỗi người, đó chính là hoa sen. Ngọc là hoa sen, hoa sen là ngọc.

Vì sao hoa sen trở thành biểu tượng của cốt cách và tâm hồn Việt?- Ảnh 2.
Vì sao hoa sen trở thành biểu tượng của cốt cách và tâm hồn Việt?- Ảnh 3.
Vì sao hoa sen trở thành biểu tượng của cốt cách và tâm hồn Việt?- Ảnh 4.

Các bức tranh sen trong bộ sưu tập "Hồng sen" được trưng bày ở 49 Trần Hưng Đạo. Ảnh: Sơn Tùng

Ca dao Việt Nam có câu "Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/Nhụy vàng bông trắng lá sen/Gần bùn mà chẳng hôi tranh mùi bùn". Đây là mấy câu dịch quá hay. Mấy câu này chả thấy nho nhe gì hết, không thấy Phật tính ở đâu hết, nó hiện nguyên hình là một bông hoa sen Việt nhưng trong đó là tổng hòa của các giá trị văn hóa, từ dân gian đến Phật giáo rồi Nho giáo. Tôi thích hoa sen bởi đằm sâu trong loài hoa này là những tầng lớp triết học", nhà nghiên cứu văn hóa Trần Trọng Dương bày tỏ.

Nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương mong muốn trong tương lai sẽ có một công trình nghiên cứu bao quát tất cả các mô-típ trang trí sen trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Nhà văn Trần Thị Trường cũng chia sẻ rằng, trong khu vực Đông Nam Á, nhiều nước có hoa sen nhưng Việt Nam có một điểm đặc biệt là vùng nào cũng có sen.

"Dọc theo chiều dài đất nước, sen ở đâu cũng đẹp, loài nào cũng đẹp, hoa sen đẹp, lá sen cũng đẹp, ngay cả khi sen tàn cũng vẫn đẹp. Như nhiều người Việt Nam, tôi yêu sen một cách tự nhiên từ khi sinh ra bởi trong lời ru của mẹ có sen và lớn lên, tôi yêu sen bằng trực giác cá nhân," nhà văn Trần Thị Trường cảm thán.

Vì sao hoa sen trở thành biểu tượng của cốt cách và tâm hồn Việt?- Ảnh 5.

Nhà sưu tập Thúy Anh giới thiệu về tranh sen do mình sưu tập với họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Ảnh: Sơn Tùng

Hoa sen và vẻ đẹp mang tâm hồn Việt Nam

Nhà sưu tập Thúy Anh tâm sự rằng, chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên rất yêu hoa sen. Chị yêu sen Hồ Tây, yêu sen cung đình Huế, yêu sen Đồng Tháp Mười… Chị sưu tập được 18 bức tranh sen cũng là xuất phát từ tình yêu và nhân duyên đối với hoa sen. 18 bức tranh nằm trong bộ sưu tập Hồng sen với một số bức tiêu biểu như: Mùa sen (Phạm An Hải), Sen Tây Hồ (Hải Kiên), Sen hồng (Đào Liên Hương), Sen vào Hạ (Bình Nhi), Mùa sen vàng (Nguyễn Văn Đức), Sen thắm (Lê Anh Huy), Sen lửa (Lê Hữu Dũng), Sen quê (Tuấn Đạt)…

"Sen là biểu tượng của tâm thiện, tâm sáng. Không chỉ màu sắc mà hương thơm loài hoa này cũng rất thanh tịnh, hướng con người tới những khát vọng nhân văn. Đó là lý do tôi muốn chia sẻ và lan tỏa ý nghĩa này đến cộng đồng khi trưng bày, giới thiệu 18 bức tranh sen" bà Thúy Anh nói.

Trước khi được giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật trong nước, bộ sưu tập Hồng sen đã được nhà sưu tập Thúy Anh lan tỏa tại Thủ đô Paris (Pháp). Những bức tranh hoa sen của các họa sĩ đương đại Việt Nam xuất hiện bên áo dài, nón lá đã tạo điểm nhấn khó phai, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.

Vì sao hoa sen trở thành biểu tượng của cốt cách và tâm hồn Việt?- Ảnh 6.

Những bức tranh sen được bầy trí cùng sen thật. Ảnh: Sơn Tùng

Theo ông Lương Xuân Đoàn, ở Việt Nam, các triển lãm tranh thường do hoạ sĩ, nhóm hoạ sĩ hay một đơn vị nghệ thuật đứng ra tổ chức, ít khi có một nhà sưu tập khởi xướng tổ chức triển lãm hay mạn đàm nghệ thuật. Như vậy, có thể coi hoạt động của nhà sưu tập Thúy Anh là hiếm hoi và cần được cổ vũ, lan tỏa.

Hầu hết các văn nghệ sĩ đều nhận định rằng những cuộc gặp gỡ, mạn đàm đã mở ra một tiền lệ tốt, giúp giới sưu tập, giới trí thức và các họa sỹ hiểu nhau hơn, từ đó, có thể cho ra đời nhiều ý tưởng, mang lại những giá trị tích cực cho đời sống.

Trước đó, bà Thuý Anh đã tổ chức nhiều cuộc mạn đàm, triển lãm ý nghĩa như: Phố và hoa (2021) với mong muốn xua tan không khí ảm đạm của đại dịch Covid-19; hay Vẻ đẹp Hồng Tâm (2023)… Nhiều tác phẩm đã được bán đấu giá để gây quỹ từ thiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem