Vì sao Lê Lợi đồng ý lập Trần Cao lên làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Khánh?

Minh Nhật Thứ ba, ngày 06/12/2022 20:30 PM (GMT+7)
Sau khi cuộc chiến kết thúc, thắng lợi đã về tay nghĩa quân Lam Sơn mà người đứng đầu là Lê Lợi thì điều mà ai cũng biết rằng “Trời không thể có hai mặt trời, nước không thể cùng lúc lại có hai vua”. Do đó, dù Trần Cảo có mạo xưng hay thực sự là con cháu nhà Trần thì cũng không thể ngồi trên ngai vàng.
Bình luận 0

Theo sử cũ thì Trần Cảo có tên thật là Hồ Ông. Còn trong sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục thì lại chép tên ông là Cao và không nói rõ ông người ở đâu. Khi khởi nghĩa Lam Sơn bước vào giai đoạn thắng lợi quyết định, tướng nhà Minh là Vương Thông bị thua trận nặng ở Tuy Động, phải cố thủ trong thành Đông Quan. Để tìm cách kìm hãm sự phát triển của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chia rẽ nội bộ người Việt, Vương Thông liền viện cớ tìm lại tờ chiếu của vua Minh Thành Tổ năm 1407 khi đánh nhà Hồ, có nội dung muốn lập lại con cháu nhà Trần mà đòi thủ lĩnh quân Lam Sơn là Lê Lợi phải lập con cháu nhà Trần mới đồng ý giảng hòa và rút quân về nước.

Vì sao Lê Lợi đồng ý lập Trần Cao lên làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Khánh? - Ảnh 1.

Trần Cảo - vị vua cuối cùng của nhà Trần, nhưng được Lê Lợi dựng lên. Ảnh: QC.

Vì vậy, Lê Lợi bèn sai người tìm con cháu nhà Trần. Theo sử sách, gặp lúc đó Hồ Ông lánh nạn ở châu Ngọc Ma, tự xưng là cháu nội vua Trần Nghệ Tông, được tù trưởng châu Ngọc Ma là Cầm Quý tiến cử với Lê Lợi. Để đối phó với yêu sách của Vương Thông, muốn quân Minh nhanh chóng rút về, Lê Lợi đồng ý lập Trần Cảo làm vua, với danh nghĩa kế tục nhà Trần và đặt niên hiệu là Thiên Khánh, còn Lê Lợi tự xưng là Vệ quốc công. Lê Lợi tập trung vào chiến sự, sai quan tả bộc xạ là Bùi Quốc Hưng ở bên cạnh phò tá, nhưng thực chất là để giám sát ông.

Trần Cảo làm vua nhưng trên thực tế không có quyền hành. Toàn bộ chiến sự chống quân Minh đều do Lê Lợi quyết định. Sau nhiều thắng lợi liên tiếp, quân Lam Sơn đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi. Sau Hội thề ở Đông Quan, Vương Thông phải mang quân trở về Trung Quốc. Sau đó, Lê Lợi đứng tên Trần Cảo là người đang làm vua trên danh nghĩa, sai sứ dâng biểu cho nhà Minh xin được gia phong tước vương. Vua Minh Tuyên Tông biết Lê Lợi không có ý tôn Cảo nhưng vì bị thua mãi nên đồng ý phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương.

Sau khi được triều đình nhà Minh phong tước, Trần Cảo ban đầu đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời đi Ninh Giang, rồi lại thiên đi thành Cổ Lộng. Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, lúc đó các tướng Lam Sơn nói với Lê Lợi rằng:

- Trần Cảo không có công cán gì, sao lại để cho ăn trên ngồi trốc người ta! Xin trừ khử hắn đi.

Lê Lợi không nỡ giết lại còn đãi ngộ càng hậu hơn. Nhưng Trần Cảo tự biết người trong nước không theo mình, bèn lẻn vượt biên trốn đi Ngọc Ma. Quan quân Lam Sơn đuổi theo, bắt được ông. Khi về đến thành Đông Quan, ông uống thuốc độc chết. Còn theo sử của nhà Minh, Lê Lợi tâu với nhà Minh rằng Trần Cảo bệnh mà chết ngày 10 tháng Giêng năm 1428 âm lịch. Do đó, Lê Lợi có danh chính để làm vua Đại Việt và vua Minh Tuyên Tông thừa nhận Lê Lợi làm An Nam quốc vương.

Lời bàn:

Theo một số sử gia đương thời cũng như hiện nay, việc Trần Cảo mạo xưng hay thật sự là con cháu nhà Trần thì rất khó xác định. Vì có thể chữ “mạo xưng” mà sử sách đương thời ghi là do các sử gia nhà Lê chép vào để làm giảm uy tín của Trần Cảo. Nhưng suy cho cùng thì Trần Cảo không hề có công trạng trong khởi nghĩa Lam Sơn, mà công lao thuộc về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Việc Lê Lợi dựng Trần Cảo lên làm vua chỉ là con bài chính trị để đối phó với nhà Minh trong tình hình tạm thời, chiến sự chưa hoàn toàn ngã ngũ, đồng thời để tránh cho cuộc chiến bớt phần khốc liệt hơn.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, thắng lợi đã về tay nghĩa quân Lam Sơn mà người đứng đầu là Lê Lợi thì điều mà ai cũng biết rằng “Trời không thể có hai mặt trời, nước không thể cùng lúc lại có hai vua”. Do đó, dù Trần Cảo có mạo xưng hay thực sự là con cháu nhà Trần thì cũng không thể ngồi trên ngai vàng. Đồng thời, dù Lê Lợi có ra tay giết hay ông bị cấp dưới của Lê Lợi ép mà phải tự sát thì cái chết của Trần Cảo được xem là “hệ quả tất yếu” trong hoàn cảnh khi đó và cũng không để lại sự nuối tiếc nào trong lòng mọi người. Chính vì vậy, Trần Cảo nhanh chóng bị lịch sử quên lãng tới mức nhiều sách sử không xếp ông vào danh sách các vị vua dưới thời phong kiến ở Việt Nam.

Thế mới hay rằng lịch sử và những người làm nên lịch sử - nhân dân, lúc nào cũng công bằng và minh bạch. Và chính điều này đã làm nên truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta, đó là sự kính phục, tôn vinh những người có công với nước. Tiếc rằng hậu thế ngày nay có người không hiểu hoặc cố tình quên để rồi công trạng thì chẳng bao nhiêu và cũng không bằng ai, nhưng quyền và lợi thì lúc nào họ cũng so đo, tỵ nạnh đòi phải hơn người khác. Thực tế lịch sử của nhân loại cho thấy, tất cả những ai nếu không biết người và lại không biết mình thì mặc dù là con ông này bà nọ và thậm chí là có công nhưng đức lại mỏng... rồi cũng sẽ bị người đời lãng quên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem