Vì sao một ấp chài lưới của tỉnh Cà Mau lại được gọi là "Làng Thụy Sĩ"?

Thứ hai, ngày 28/06/2021 19:09 PM (GMT+7)
Dự án tái định cư Hố Gùi do Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ cùng tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện từ những năm 2004 thuộc ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn.
Bình luận 0

“Làng Thuỵ Sĩ” là cái tên mà người dân nơi đây dùng để thay thế cho tên gọi trước kia làng cá Hố Gùi như lời cảm ơn dành cho tổ chức đã giúp họ có cuộc sống mới sung túc và khang trang hơn.

Dự án tái định cư Hố Gùi do Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ cùng tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện từ những năm 2004 thuộc ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn. 

Vì sao một ấp chài lưới của tỉnh Cà Mau lại được gọi là "Làng Thụy Sĩ"? - Ảnh 1.

Đời sống bà con làng cá Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đã và đang thay đổi từng ngày.

Không chỉ hỗ trợ xây dựng khoảng 355 căn nhà, mà trong khu tái định cư này hiện còn có trường học, hệ thống cấp nước sạch cùng đường, điện, các tiểu dự án sinh kế…, tất cả làm cho bộ mặt ấp Hố Gùi khởi sắc, từ đó cái tên “làng Thuỵ Sĩ” cũng xuất hiện theo.

Tất cả hộ dân được nhận nền trong khu tái định cư Hố Gùi trước kia đều chung cảnh ngộ là sống rải rác theo cửa biển trong những căn nhà tạm bằng cây lá địa phương.

Nhận nền và sống ổn định hơn 10 năm trong khu tái định cư nhưng ông Tư Chiến (Nguyễn Minh Chiến) vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian ở vạt rừng ven biển. 

Ông tư Chiến kể, hồi đó gần như năm nào cũng phải sửa nhà, bởi lá, bạt và cây không cách nào chịu nổi trước gió biển. Nhà nào đồ đạc cũng phải kê lên, nếu không triều cường lên là ngập toàn bộ, đó là chưa kể tình trạng sạt lở. Đặc biệt vào mùa mưa bão, gần như không đêm nào có được giấc ngủ ngon.

Còn trong hồi ức của ông Ba Thống (Trần Văn Thống), cuộc sống nhiều hộ nơi đây gần như tách biệt với bên ngoài. 

Ông Ba Thống nhớ lại, trước nhà là nước, sau nhà là rừng. Không đường, không điện, không nước, nói chung là không có gì ngoại trừ sóng lùa và gió giật. 

“Khi ấy dân ở đây nghèo mà "sang" lắm, cứ vài năm là được ở nhà mới, tiền tích góp chủ yếu để sửa chữa nhà. Không năm nào không có nhà của bà con bị sập, tốc mái do sạt lở hay mưa bão”, ông Ba nói vui.

Không còn lo chỗ ở, khi được an cư, người dân nơi đây bắt tay vào lạc nghiệp. Tuy không thể so sánh với các khu vực khác, nhưng bước đầu đã tạo ra cuộc sống mới. 

Vẫn với nghề cũ, đánh bắt thuỷ sản, nhưng hiện nay không ít hộ đã mua được tàu mới, trang bị thêm ngư cụ và một số thiết bị hiện đại…, từ đó hoạt động khai thác ổn định và hiệu quả, nhiều hộ vươn lên khá giả. 

Có thể nói, thời gian khó đã qua, có đường, điện, nước, thôn xóm rộn ràng hơn, người dân chuyên tâm làm ăn phát triển kinh tế. Giờ đây Hố Gùi không chỉ có nghề đánh bắt thuỷ sản như trước mà xuất hiện nhiều cơ sở thu mua, chế biến thuỷ sản và nhiều dịch vụ phục vụ nghề biển.

Tận dụng thế mạnh của địa phương là nguồn nguyên liệu tôm giá rẻ, chất lượng tốt mà từ cảnh khó khăn gia đình anh Huỳnh Tùng Em vươn lên khá giàu nhờ chế biến tôm khô. 

Anh Tùng Em cho biết, ban đầu chỉ dựa vào lao động của gia đình, nay phải thuê thêm hơn 10 lao động, mỗi tháng cơ sở có khả năng chế biến và tiêu thụ từ 20-25 tấn tôm nguyên liệu cung cấp cho thị trường. “Tôi có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm một số trang thiết bị máy móc để mở rộng quy mô sản xuất”, anh Em chia sẻ.

Không chỉ được hỗ trợ nhà ở ổn định, nhiều bà con theo nghề khai thác nơi đây còn vươn lên nhờ nguồn vốn vay ưu đãi để nâng cấp tàu thuyền, cải tiến ngư cụ từ các dự án và vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội. 

Gia đình ông Tư Giữ (Ngô Văn Giữ) là một trong số đó. Ông Tư Giữ tâm sự, từ khi chiếc tàu khai thác 90CV của gia đình được trang bị thêm một số thiết bị mới, nghề khai thác hiệu quả nâng lên thấy rõ. “Giờ đây mỗi con nước kiếm lời được vài chục triệu, cá biệt có những con nước lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng.

Không chỉ phụ thuộc vào nghề khai thác, các thành viên trong gia đình còn tham gia tổ hùn vốn, tổ làng nghề truyền thống, nuôi heo đất…, góp phần phát triển kinh tế gia đình nhanh và ổn định.

Không dừng lại ở đó, Bến cá Hố Gùi, xã Nguyễn Huân (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) khi đưa vào vận hành sẽ mở thêm cơ hội mới để người dân phát triển kinh tế. 

Khi đưa vào hoạt động, Bến cá Hố Gùi sẽ góp phần quan trọng giúp ngư dân đánh bắt ven biển nơi đây có nơi tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy hạ tầng nghề cá địa phương phát triển. 

Với nhiều hạng mục phục vụ nghề khai thác, Bến cá Hố Gùi là công trình trọng điểm, không chỉ thúc đẩy phát triển nghề cá địa phương, nâng cao đời sống Nhân dân vùng dự án, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản ven biển.

Nguyễn Phú (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem