Vì sao Mỹ, NATO "mất ăn mất ngủ" sợ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật?

Phương Đăng (theo Washington Post) Thứ tư, ngày 30/03/2022 15:29 PM (GMT+7)
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm dấy lên những lo ngại về việc sử dụng vũ khí hạt nhân khiến Mỹ, NATO nhiều lần phải gióng chuông cảnh báo Moscow về những hậu quả thảm khốc nếu họ quyết định sử dụng vũ khí hủy diệt ở Ukraine.
Bình luận 0
Vì sao vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga khiến Mỹ, NATO run sợ? - Ảnh 1.

Giữa xung đột Nga-Ukraine, Mỹ và NATO đã nhiều lần phải gióng chuông cảnh báo Moscow về những hậu quả thảm khốc nếu họ quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine. Ảnh Atlantic Council

Theo Washington Post, Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới - điều khiến nhiều nhà phân tích lo ngại rằng, Moscow sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hủy diệt để leo thang xung đột nếu họ cảm thấy bị thua thiệt và những người ủng hộ phương Tây ở Ukraine cũng được trang bị vũ khí hạt nhân.

Một khi vũ khí hạt nhân được sử dụng, điều đó có nghĩa là xung đột nhiều khả năng sẽ vượt ra ngoài Ukraine - khiến các cường quốc hạt nhân chống lại nhau, Washington Post cho biết.

Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Nga nên ngừng “luận điệu vô trách nhiệm về vũ khí hạt nhân” và cảnh báo rằng, nước này “không bao giờ có thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân”.

Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trong cuộc phỏng vấn với PBS hôm thứ Hai 28/3 tuyên bố rằng, “không ai ở Nga nghĩ đến việc” sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhưng ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang bắt đầu phát ra những tín hiệu đầy lạc quan thì sự tin tưởng vào những lời cam kết Nga vẫn ở mức thấp, sau khi Moscow liên tục tuyên bố rằng họ sẽ tấn công Ukraine nhưng cuối cùng họ đã động binh.

Đặc biệt hơn là khi Nga hiện sở hữu các đầu đạn hạt nhân "chiến thuật" hay còn được gọi là các vũ khí hạt nhân phi chiến lược được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Những vũ khí hạt nhân nhỏ hơn này có sức công phá kém hơn nhiều so với những quả bom hạt nhân mà Mỹ thả xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2, nhưng linh hoạt hơn nhiều và được sử dụng trong khoảng cách ngắn, tức là tấn công mục tiêu trong phạm vi không quá xa.

Một số chuyên gia lo ngại rằng, kích thước nhỏ hơn của các đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga có thể phá vỡ điều cấm kỵ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Nga hiện được cho là đang sở hữu hơn 1.500 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, theo Washington Post

Trên thực tế, các vũ khí hạt nhân chiến thuật khác với vũ khí hạt nhân chiến lược mà các siêu cường trên thế giới đang sở hữu. Các vũ khí hạt nhân chiến lược giúp Mỹ và Nga đều có thể tấn công lẫn nhau ở khoảng cách lớn. Còn vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được triển khai để tấn công các mục tiêu cụ thể như các cơ sở quân sự hoặc các binh lính trên chiến trường thay vì sử dụng trên một quy mô rộng lớn.

Ông Lawrence Korb, một học giả cấp cao tại Trung tâm vì sự phát triển của Mỹ, đồng thời là cựu thư ký Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Reagan nhận định rằng, điều khác biệt lớn nhất giữa vũ khí hạt nhân chiến thuật và vũ khí hạt nhân chiến lược là vũ khí hạt nhân chiến thuật có nhiều khả năng được sử dụng trên chiến trường hơn bởi nó sẽ không gây ra sự hủy diệt thế giới.

Tuy nhiên, Sarah Bidgood, Giám đốc chương trình Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở Monterey, California (Mỹ) cho biết, rất khó để ước tính mức độ rủi ro khi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Theo Bidgood rõ ràng Nga dựa vào vũ khí hạt nhân của mình, bao gồm cả vũ khí chiến thuật, đ ể có thể tạo ra lợi thế trên chiến trường. Điều đó có nghĩa là, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột khi nước này cảm thấy đã hết các lựa chọn thông thường và đang đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, bà Bidgood nói.

“Thật khó để dự đoán, bởi vì chúng tôi không hiểu rõ về tất cả các lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin ở đây, hoặc những gì ông ấy coi là một mối đe dọa hiện hữu", bà Bidgood nhấn mạnh.

Trong khi đó, Giáo sư Joseph Mazur tại Cao đẳng Marlboro cảnh báo rằng: "Ngày nay, vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất cũng có thể phá hủy ở mức độ tồi tệ hơn nhiều những gì từng xảy ra ở Hiroshima".

Hiện Nga vẫn đang tìm cách ngăn phương Tây can thiệp vào Ukraine bằng cách vạch rõ những "lằn ranh đỏ" và những cảnh báo hạt nhân của Nga cho tới nay dường như được đưa ra cũng chỉ để thuyết phục phương Tây đứng ngoài cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong khi đó, Mỹ và NATO dường như cũng "đọc" được thông điệp này của Nga khi liên tục từ chối đề nghị của chính quyền Kiev để thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine cũng như kiên quyết không đưa quân đến Ukraine tham chiến để tránh đối đầu trực tiếp với Nga.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem