Vì sao người phương Tây gọi vua Gia Long là "Con người phi thường"?

Trần Hưng Thứ ba, ngày 12/10/2021 18:32 PM (GMT+7)
Về những kiến thức mà vua Gia Long Nguyễn Ánh học được từ phương Tây, chính sử trong nước không nhắc đến. Thế nhưng những ghi chép của người phương Tây khi đến Việt Nam cho thấy nhà vua là một “con người phi thường”.
Bình luận 0

Michel Đức Chaigneau con trai của Jean Baptiste Chaigneau (một người Pháp sang giúp đỡ cho Nguyễn Vương) đã viết trong Souvenirs de Hue (Hồi ký Huế) của mình, mô tả vua Gia Long là người hòa nhã, giản dị và có tài năng với những ý tưởng khoáng đạt và hào hiệp.

Cuốn hồi ký này cũng mô tả rằng:

“Trong sự tâm giao, vua Gia Long rất thích hỏi cha tôi về các trường học và những phong tục của nước Pháp”

“Vua Gia Long được công nhận là một người có khả năng nhất của vương quốc vì đã có đầy đủ trong mình những đức tính cần thiết cho một người đứng đầu nhà nước.

Lòng quả cảm và đức tính kiên trì theo đuổi tất cả những mục tiêu đúng đắn làm cho giám mục Adran và những người Pháp làm việc ở Nam Kỳ cho rằng tuyệt nhiên không có một người đứng đầu quốc gia châu Âu nào có thể thay thế được.”

Vì sao người phương Tây gọi vua Gia Long là "Con người phi thường"? - Ảnh 1.

Chân dung hoàng đế Gia Long. Ảnh: ABS Travel.

Khả năng đọc sách của vua Gia Long cũng rất đáng nể. Một người Pháp là Lelabrousse trong bức thư đề ngày 1/5/1800 gửi cho giám đốc trường Tu nghiệp của hội truyền giáo ngoại quốc ở Paris đã viết:

“Nhà vua có tính chăm chỉ hết sức. Ban đêm Ngài ít ngủ, đọc sách rất nhiều; việc gì cũng tò mò muốn biết và cần cù hiếu học đáo để. Trong điện Ngài ở, có nhiều bộ sách của người Pháp soạn, dạy về các khoa kiến trúc, xây thành đắp lũy, v.v…

Ngài để luôn bên mình, năng mở ra xem những hình vẽ kiểu mẫu rồi cố bắt chước làm theo. Mỗi ngày thấy Ngài tấn tới lên mãi. Tóm lại, ông vua này là một bậc nhân quân vĩ đại nhất xứ Đàng Trong nước Nam từ trước đến giờ”.

Vì sao người phương Tây gọi vua Gia Long là "Con người phi thường"? - Ảnh 2.

Thành Gia Định hay còn gọi là thành Bát Quái do vua Gia Long cho xây dựng. Kiến trúc loại này còn xuất hiện ở Hạc Thành, cũng do vua Gia Long cho xây dựng. Ảnh: Tran Van Hoc/Wikipedia, Public Domain.

Lelabrousse cũng thán phục phương pháp học tập cùng khả năng tổ chức của vua Gia Long:

“Thiên tư nhà vua cũng tốt không kém gì tâm tính, trí khôn nhanh nhẹn, thấu suốt dù những việc rắc rối nhất hạng, Ngài chỉ trông thoáng qua là hiểu ngay.

Lại có khiếu nhớ lạ lùng, phàm những gì qua mắt có thể ghi mãi trong trí không quên, cũng như trông thấy điều gì mới lạ đều có thể bắt chước một cách dễ dàng, tự nhiên.

Các xưởng đóng chiến thuyền trong xứ và các quân cảng được Ngài xếp đặt chỉnh tề, đồ sộ; người ngoại quốc đến xem phải động lòng kính phục, nếu cả châu Âu được trông thấy thì cả châu Âu cũng phải khen ngợi.

Một bên bài trí la liệt những súng trường, súng thần công, đại bác đủ hạng, những dã pháo, những xe chở súng, những viên đạn lớn nhỏ đủ cỡ..v.v.. Phần nhiều so sánh với các kiểu súng đạn tốt nhất ở Tây phương, bất quá chỉ thua kém về vẻ đẹp mà thôi.

Một bên thì đỗ chi chít những chiến thuyền không biết cơ man nào mà đếm; to có nhỏ có, chiếc nào chế tạo trông cũng có vẻ hùng vĩ khá sợ. Tất cả các thuyền binh khí ấy toàn là công trình của ông vua hiếu động và đa tài, đa nghệ…

Ngài đã chế tạo được những chiến thuyền theo kiểu châu Âu mà chỉ dùng toàn những người thợ bản xứ.

Ban đầu, ngài mua một chiếc tàu Tây đã cũ đem về tháo tung ra từng mảnh để xem cách thức chế tạo, sau đó tự tay ráp lại y nguyên hình thức cũ, ráp khéo đến nỗi xem chiếc tàu lại có vẻ đẹp hơn lúc trước.

Sự thành công ấy làm cho nhà vua nức lòng phấn chí, nhất định ra tay đóng hẳn một chiếc hoàn toàn mới. Mà ngài làm được mới thật lạ kỳ, sau đó lại đóng thêm hai chiếc nữa. Cả bốn chiếc tàu này đi đến đâu cũng làm lên oai danh hiển hách cho nhà vua.

Công cuộc chế tạo lại mau chóng không ngờ, chiếc nào cũng đóng không quá 3 tháng đã hoàn thành, có chiếc lại còn làm nhanh chóng hơn…

Các ông ở bên Tây nghe nói một ông vua ở nước Nam có thể chỉ huy được một chiếc tàu chiến đóng theo kiểu châu Âu, tất lấy làm lạ vô cùng; nhưng các ông còn kinh ngạc nhiều hơn nữa nếu như các ông được chứng kiến mọi sự kiến thiết ở xứ sở này.”

Vì sao người phương Tây gọi vua Gia Long là "Con người phi thường"? - Ảnh 3.

Một loại chiến thuyền thời nhà Nguyễn. Ảnh: Kienthuc.net.vn.

Một tác giả người Anh là John Barrow vào năm 1806 đã xuất bản tại London cuốn sách “A voyage to Cochinchina in the year 1792 – 1793” (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong năm 1792 – 1793), trong đó có nhiều đoạn mô tả về vua Gia Long, nhấn mạnh đến việc vua Gia Long đã áp dụng kiến thức khoa học phương Tây để xây dựng lực lượng hải quân:

“Ông nắm vững không ít kiến thức về kỹ thuật, khoa học châu Âu; trong đó ông đặc biệt lưu ý về những gì liên quan đến thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu. Theo nguồn tin đáng tin cậy, người ta kể lại rằng để nắm vững kiến thức về thực hành cũng như về lý thuyết của kỹ thuật đóng tàu châu Âu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha.

Với mục đích chỉ để tháo rời ra thành từng bộ phận, từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm ván mới có hình dáng và kích thước tương tự như cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới, và như vậy con tàu hoàn toàn được đổi mới.

Nghị lực tinh thần của ông không kém phần mạnh mẽ so với năng lực hoạt động thể chất của ông. Thực vậy, nhà vua đã được coi như xung lực chủ yếu của mọi cuộc vận động xảy ra trong vương quốc rộng lớn và thịnh vượng của mình.

Nhà vua là người quản đốc các cảng biển và các kho quân dụng, là thợ cả trong các xưởng đóng tàu, kỹ sư trưởng trong mọi công trình; không có việc gì dự định thực hiện lại không có lời khuyên bảo và chỉ dẫn của ông.

Trong việc đóng tàu, không có cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông, không có một khẩu đại bác nào được đưa lên vị trí mà không có lệnh của ông.

Không những ông đi vào từng chi tiết nhỏ nhặt nhất khi thảo ra những chỉ dẫn, mà chính bản thân ông thực tế còn trông nom khi chúng được thực hiện.”

Tác giả John Barrow xem vua Gia Long là “… con người phi thường, một trong số ít người sinh ra với tài năng bẩm sinh để thống trị thế giới”, “…câu chuyện về ông hoàng này, mà tôi đã phác họa sơ lược nêu lên một tấm gương sáng và một bài học bổ ích cho những ai có thể rơi vào những hoàn cảnh rủi ro tương tự, nó chỉ ra rằng nếu biết kết hợp tài năng, nghị lực và lòng dũng cảm theo một hướng chỉ đạo đúng đắn, người ta có thể làm được nhiều việc lớn lao đến như thế nào.”

Kết quả những nỗ lực của Nguyễn Vương cũng đã được đền đáp, nổi bật nhất là trận đánh ở đầm Thị Nại năm 1801. Trong trận đánh này những chiếm hạm hùng mạnh nổi tiếng của quân Tây Sơn cùng hầu hết thủy quân Tây Sơn bị tiêu diệt. Từ đó trở đi thủy binh của quân Nguyễn kiểm soát toàn bộ đường thủy đánh dấu chiến thắng của quân Nguyễn (Xem bài: Trận thủy chiến hỏa công bậc nhất sử Việt vào đầu thế kỷ 19).

Vua Gia Long ở ngôi được 18 năm, từ năm 1802 đến năm 1820 thì mất. Ông để lại di sản là một quốc gia hùng mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem