Vì sao nhận quà 200 nghìn USD nhưng ông Chu Ngọc Anh không bị xử lý tội nhận hối lộ?
Vì sao nhận quà 200 nghìn USD nhưng ông Chu Ngọc Anh không bị xử lý tội nhận hối lộ?
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 19/08/2023 10:52 AM (GMT+7)
Trong vụ Việt Á, bạn đọc đặt câu hỏi vì sao ông Chu Ngọc Anh nhận quà 200 nghìn USD từ Phan Quốc Việt nhưng không bị xử lý tội nhận hối lộ? Chuyên gia pháp lý đã phân tích về vấn đề này.
Cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói "tớ cảm ơn" khi nhận 200 nghìn USD của Phan Quốc Việt
Theo kết luận điều tra vụ Việt Á ban hành ngày 17/8, bị can Phan Quốc Việt từng nhắn tin xin hẹn ông Chu Ngọc Anh, khi đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nhưng không được.
Việt thông qua văn phòng, bảo vệ, gặp được ông Ngọc Anh tại trụ sở và trao đổi về công tác phòng chống dịch. Nói chuyện 15 phút, anh ta mở ba lô lấy một túi quà màu xanh có in hotline của Công ty Việt Á.
Kết luận nêu, Phan Quốc Việt khai, bên trong túi có 200 nghìn USD cùng vài bộ khẩu trang và chai nước rửa tay khô dạng xịt do Công ty Việt Á sản xuất. Anh ta lấy các sản phẩm này ra, trao đổi về tính năng rồi lại bỏ vào trong, đưa cho vị Bộ trưởng.
Khi đó, Việt nói: "Tụi em mới có được ít thanh toán, ghé cám ơn anh đã ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ tụi em rất nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp".
Cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã nói: "Tớ cám ơn Việt" rồi đồng ý nhận chiếc túi màu xanh.
Cơ quan điều tra hiện đề nghị Viện kiểm sát truy tố ông Chu Ngọc Anh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Căn cứ để không xử lý ông Chu Ngọc Anh tội nhận hối lộ
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, tình tiết này có nhiều nội dung cần làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án để xác định số tiền là đưa hối lộ hay chỉ là nhận quà trái quy định.
Nếu giữa hai bên có sự thỏa thuận công việc phải làm và giá trị lợi ích được hưởng, đó là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Còn trường hợp không có thỏa thuận về việc nhờ vả, chỉ là quà cảm ơn mà không có thỏa thuận từ trước, đây là hành vi nhận quà trái quy định.
Ông Cường phân tích, theo quy định của pháp luật, việc chuyển giao tài sản từ người này sang người khác là quan hệ dân sự. Pháp luật cho phép chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt tài sản bằng cách tặng cho, chuyển nhượng hoặc các hình thức giao dịch khác sang người khác một cách hợp pháp.
Việc chuyển giao tài sản trong quan hệ dân sự, kinh tế phải đảm bảo các yêu cầu tự nguyện, ngay tình, công khai, thỏa mãn điều kiện về chủ thể, về ý chí, về nội dung không trái pháp luật đạo đức xã hội thì giao dịch dân sự đó hợp pháp và được pháp luật thừa nhận.
Việc chuyển giao tài sản, lợi ích giữa người có chức vụ quyền hạn với đối tượng thuộc phạm vi quản lý hoặc cấp dưới bị kiểm soát theo Luật phòng chống tham nhũng và quy định của Đảng về cán bộ đảng viên nhận quà.
Theo đó Luật phòng chống tham nhũng nghiêm cấm cấp trên nhận quà tặng của cấp dưới hoặc của cá nhân doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của mình. Bởi vậy người nhận quà tặng là lợi ích vật chất phải báo cáo với tổ chức và nộp lại quà tặng. Nếu cố tình không báo cáo sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.
Trường hợp vì được tặng quà, vì được hưởng lợi ích, vì vụ lợi như vậy mà làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự.
Trong trường hợp này, người làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước phải bồi thường thiệt hại tài sản cho nhà nước và số tiền lợi ích nhận được vì vụ lợi đó là tiền thu lợi bất chính nên cũng phải nộp lại để nộp vào ngân sách nhà nước.
Còn trường hợp giữa người có chức vụ quyền hạn với người khác có sự thỏa thuận với nhau về công việc phải làm và lợi ích được hưởng, theo đó tổ chức, cá nhân sẽ đưa lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn để người đó thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa, đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Người đưa hối lộ sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình. Còn người nhận hối lộ sẽ bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật hình sự.
Như vậy, trường hợp cán bộ nhận quà của cá nhân doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của mình sẽ là nhận qua trái quy định, nếu vì nhận quà trái quy định mà làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước thì đây là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ số tiền 200 nghìn USD mà cựu ông Chu Ngọc Anh nhận của Phan Quốc Việt có sự thỏa thuận hay không.
Theo nội dung kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an như vậy, với các tài liệu chứng cứ đã được thu thập làm rõ ở giai đoạn điều tra, không chứng minh được là có sự thỏa thuận giữa Phan Quốc Việt với ông Chu Ngọc Anh về công việc phải làm, giá trị được hưởng (thỏa thuận đưa hối lộ, nhận hối lộ) nên số tiền 200 nghìn USD này được xác định là quà tặng trái pháp luật.
Nếu vì được tặng quà mà làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước hoặc tặng quà do có sự thỏa thuận từ trước, ông Chu Ngọc Anh mới bị xử lý hình sự theo Điều 356 hoặc Điều 354 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, theo ông Cường, hiện nay, cơ quan điều tra khởi tố ông Chu Ngọc Anh về một tội danh là tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 Bộ luật hình sự. Khung phạt cao nhất của tội danh là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Đây là tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ. Người thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, được giao quản lý tài sản của nhà nước nhưng đã vi phạm chế độ về quản lý tài sản nhà nước, vi phạm Luật quản lý sử dụng tài sản công gây thất thoát, lãng phí (mà không được hưởng lợi).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.