Người trồng sâm gửi đơn kiến nghị xử lý vấn nạn buôn bán sâm lậu từ Trung Quốc

Nhóm PV Thứ bảy, ngày 19/08/2023 09:47 AM (GMT+7)
Hiệp hội sâm Lai Châu và một số người dân trồng sâm tại Lai Châu đã gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vấn nạn buôn bán sâm lậu từ Trung Quốc, sau khi đọc loạt bài Chiêu trò "tẩy trắng" sâm Trung Quốc trên Dân Việt .
Bình luận 0

Hiệp hội sâm Lai Châu kiến nghị xử lý sâm nhập lậu

Ngày 15/8, Hiệp hội sâm Lai Châu có văn bản số 06, về việc đánh giá tình hình triển khai thực hiện Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Theo Hiệp hội sâm Lai Châu, việc cấp mã số cơ sở trồng đối với sâm Lai Châu đang gặp khó khăn vướng mắc về nguồn gốc khi làm hồ sơ cấp mã số. Do trước đây (trước ngày 9/3/2019) sâm Lai Châu được coi là loài thông thường người dân trồng cấy với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, trồng với mục đích để làm thuốc trong gia đình, không để ý đến việc làm hồ sơ khai thác.

Trong thời gian gần đây việc phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành định hướng phát triển, nhiều tổ chức, cá nhân đã có sự liên kết trồng và phát triển sâm Lai Châu. 

Hiện nay đã có trên 22 tổ chức, hàng trăm hộ gia đình, nhóm hộ gia đình trồng sâm Lai Châu với diện tích trên 35 ha. Tuy nhiên các tổ chức, cá nhân cơ bản chưa được cấp mã số cơ sở trồng theo quy định, do gặp khó khăn về hồ sơ nguồn gốc, chưa hoàn thiện được.

Nông dân trồng sâm gửi đơn kiến nghị xử lý vấn nạn buôn bán sâm lậu từ Trung Quốc - Ảnh 6.

Công nhân đang chăm sóc khu vực ươm sâm giống của một công ty trồng sâm ở Lai Châu.

Hiệp hội sâm Lai Châu cũng cho biết, đối với Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu chưa được ban hành dẫn đến việc phát triển sâm dưới tán rừng đang gặp khó khăn.

Đặc biệt, Hiệp hội sâm Lai Châu cũng nhấn mạnh, hiện nay thị trường sâm lậu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo được giao bán trên thị trường với giá rẻ, đội lốt sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu sâm Việt Nam, lừa dối người tiêu dùng, gây hoang mang, ảnh hưởng đối với các tổ chức và cá nhân, người dân trồng sâm.

Nông dân trồng sâm gửi đơn kiến nghị xử lý vấn nạn buôn bán sâm lậu từ Trung Quốc - Ảnh 7.

Khu vực trồng sâm ở Lai Châu nằm trên đỉnh núi với độ cao từ 1600 m so với mặt nước biển.

Hiệp hội sâm Lai Châu kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương có biện pháp để chỉ đạo, ngăn chặn việc buôn lậu các loại sâm không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo được giao bán trên thị trường với giá rẻ, đội lốt sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu).

Đồng thời, có giải pháp cấp mã số vùng trồng cho người trồng sâm Lai Châu và đề nghị Bộ NN&PTNT có hướng dẫn về việc ban hành định mức Kinh tế - Kỹ thuật trồng sâm Lai Châu và phương thức canh tác…

Kiến nghị xử lý đối tượng buôn lậu

Ông Thào Văn Sủa - nông dân trồng sâm ở Lai Châu cũng có kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng sau khi đọc loạt bài viết của Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo điện tử Dân Việt phản ánh thực trạng nhập lậu sâm Trung Quốc với số lượng lớn "tẩy trắng" thành sâm Việt Nam. Sau đó bán tràn lan trên mạng xã hội.

Theo đơn, việc một lượng lớn sản phẩm sâm tương đồng về hình dáng mẫu mã từ Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam thông qua các đường biên giới của Lào Cai, Lai Châu đã và đang gây tổn thất nghiêm trọng cho những người nông dân trồng sâm, cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp đầu tư trồng Sâm tại Lai Châu và trên cả nước.

Nông dân trồng sâm gửi đơn kiến nghị xử lý vấn nạn buôn bán sâm lậu từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Loạt bài phóng sự điều tra của Báo điện tử Dân Việt đăng tải trong thời gian qua đã bóc trần những chiêu trò biến sâm Trung Quốc thành thành sâm Việt Nam.

Trong đơn còn chỉ ra cụ thể đối tượng được cho là buôn lậu kèm buôn lậu sâm từ Trung Quốc về. Theo phản ánh của các hộ dân trồng sâm ở Lai Châu, hiện vẫn còn đối tượng nhập lượng lớn sâm từ Trung Quốc về Việt Nam nên kiến nghị cơ quan chức năng của Lào Cai, Lai Châu vào cuộc xử lý.

Nông dân trồng sâm gửi đơn kiến nghị xử lý vấn nạn buôn bán sâm lậu từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Nhiều tiểu thương giao bán sâm Trung Quốc trên mạng xã hội nhưng lại khẳng định đó là sâm Việt Nam.

Được biết, hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của Chính phủ, của UBND tỉnh Lai Châu về việc phát triển thương hiệu sâm quốc gia, một số hộ gia đình ở Lai Châu không ngần ngại vay tiền đầu tư vào dự án "đắt đỏ" và mạo hiểm này.

"Song đến nay, chúng tôi rất hoang mang khi những đối tượng nhập lậu sâm của Trung Quốc với nguy cơ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi giá bán chỉ bằng 1/10 giá chúng tôi đầu tư vào sản xuất", đơn nêu.

Nông dân trồng sâm gửi đơn kiến nghị xử lý vấn nạn buôn bán sâm lậu từ Trung Quốc - Ảnh 4.

Hình ảnh cây sâm Lai Châu hiện giờ đang vào thời kỳ ra hoa, dự kiến cho thu hoạch hạt vào khoảng tháng 10 tới. Người trồng sâm Lai Châu vẫn chủ yếu trồng lấy hoa, hạt giống để mở rộng diện tích vùng trồng chứ chưa bán ra ngoài.

Một số hộ nông dân trồng sâm tại Lai Châu cũng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ để bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người nông dân Việt Nam, có giải pháp ngăn chặn lâu dài và hiệu quả nguồn sâm lậu từ Trung Quốc về Việt Nam thông qua các vị trí và danh sách mà các hộ dân đã gửi kèm theo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem