Làm giàu ở nông thôn, nơi này của Hòa Bình lợn rừng chạy hàng đàn, ông chủ là "vua Hoa Quả Sơn"
Làm giàu ở nông thôn, nơi này của Hòa Bình lợn rừng chạy hàng đàn, có ông chủ là "vua Hoa Quả Sơn"
Linh Tuấn Hoài
Thứ ba, ngày 23/04/2024 06:04 AM (GMT+7)
Ông Thập là ông chủ của mấy khu nghỉ dưỡng cao cấp ở "Hoa Quả Sơn" xứ Mường; của nả ăn mấy đời không hết. Nhưng ông Thập lại có niềm đam mê cháy bỏng với kinh tế nông nghiệp. Ở nơi này, thấy lợn rừng chạy hàng đàn, có "vua Hoa Quả Sơn", đó chính là ông chủ Thập.
Clip: Trang trại nuôi toàn con đặc sản của ông Nguyễn Văn Thập ở xóm Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Trong video là hàng đàn lợn rừng chạy khắp nơi trong trang trại.
Suốt mấy chục năm qua, ông đã dày công gây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại tới bàn ăn nhà hàng.
Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi mới có cơ hội được gặp ông Nguyễn Văn Thập ở xóm Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Không phải ông không muốn gặp mà là do công việc quá bận. Người đàn ông quê ở quê lụa (Hà Tây), nhưng lại gắn bó cả đời với đất Mường. Ông bảo: "Công danh sự nghiệp của tôi có được đều từ đất Mường mà ra".
Quả như lời ông Thập nói, sản nghiệp của gia đình đều nằm trên đất Mường. Từ trang trại đến nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp nằm rải rác khắp huyện Kim Bôi.
Ông cũng là một trong những chủ trang trại đã lập được vòng tròn khép kín từ trang trại lên bàn ăn. Cách làm nông nghiệp đầy bài bản của ông khiến không ít các ông chủ khác phải ghen tị.
Đàn nai của ông Nguyễn Văn Thập ở xóm Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Theo ông Thập, con nai vốn trước đây là con động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt nên chỉ cần cho ăn cỏ đầy đủ là phát triển tốt. Ảnh: Tuệ Linh.
Chăn nuôi đủ các loại con đặc sản ở "Hoa quả sơn"
Ông đón chúng tôi ở cổng trang trại vui như đón người thân đi làm ăn xa về. Ông Thập nay đã lên chức ông nội, nhưng mái tóc ông còn xanh, giọng nói âm vang như chuông đồng buổi sớm.
Sống ở xứ miệt rừng, nên ông ăn to, nói lớn thành quen. Ông mặc áo phông giản dị, quần lửng đi dép lê, nhưng lại lái chiếc xe Mercedes mới cóng của Đức đi thăm trang trại. Ông vồn vã mời khách vào thăm cơ ngơi của mình.
Trời xứ Mường đang trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhưng vào thăm trang trại của ông cái nắng như dịu lại.
Cả một khu rộng lớn được phủ bóng mát của cây rừng. Hương rừng thoang thoảng đưa. Làn gió mát lành xuyên qua rừng cây ăn quả xua tan cái nóng như thiêu như đốt của miền sơn cước.
Chưa kịp tan tuần trà, ông Thập dẫn chúng tôi đi thăm trang trại. Cả một vùng đất rộng 53ha được ông trồng đủ các loại cây từ cam, bưởi, mít, xoài và các loại rau rừng. Phía sâu trong thung lũng còn có chiếc ao to rộng cả ha.
Mô hình nuôi dúi trong trang trại rộng hàng chục héc ta của Nguyễn Văn Thập. Con dúi là một trong những con đặc sản nuôi trong trang trại bên cạnh lợn rừng, nai, dê núi....Ảnh: Tuệ Linh.
Quanh khu trang trại ông Thập còn xây nhiều dãy chuồng nằm thấp thoáng dưới tán cây rừng. Vào trang trại của ông nơi nào cũng nhìn ra tiền.
Từ cây ăn quả, đến cây gia vị, ao cá rồi chuồng trại chăn nuôi. Đi mỏi cả chân chưa hết một phần trang trại của ông Thập.
Giữa trưa nắng, nên ông mời chúng tôi vào thăm khu chăn nuôi trước. Thấy bóng ông, bầu đàn thê tử của đám lợn rừng cùng kéo tới của chuồng đòi ăn.
Ông đổ cả thùng đu đủ chín vào chuồng cho chúng ăn. Đám lợn chỉ mong vậy, chúng bu đầu vào tranh nhau ăn. Chỉ sau vài phút đám lợn đã chén sạch xô đu đủ.
Dãy chuồng lợn rừng được ông phân tách ra làm nhiều ô. Ô cho lợn sinh sản, ô nuôi lợn thịt và ô nuôi lợn hậu bị. Đám lợn rừng lông tốt, bụng thon, thân dài đườn, khỏe khoắn, thỏa sức vẫy vùng trong khu chăn nuôi rộng lớn.
"Thức ăn cho chúng là đu đủ, mít, xoài rồi cỏ, sắn trồng tại trang trại. Đám này "ăn chay" nên thịt của chúng rất thơm ngon. Trang trại có mấy chục con lợn rừng nái, chúng đẻ ra bao nhiêu, tôi nuôi cả vậy mà vẫn không đủ cung cấp cho các nhà hàng của tôi", ông Thập chia sẻ.
Ôm đủ thứ nghề, ngoài trồng cây ăn quả, nuôi nai, dúi, ông Thập còn nuôi cả trăm con lợn rừng. Lợn rừng chạy rông trong trang trại của ông Thập như đàn động vật hoang dã. Ảnh: Tuệ Linh.
Cách khu nuôi lợn vài bước chân là dãy chuồng nuôi hươu, nai, nhím, dúi… Ông Thập dày công mở rộng chuồng và nuôi con đặc sản đã mang lại cho ông nguồn thu lớn. Vốn là ông chủ mát tay, nên ông nuôi con gì cũng sinh sản tốt và phát triển nhanh.
Trong số các loài vật trong chuồng, ông kết nhất là đám nai mà ông cất công vào tận Nghệ An đưa chúng về đây. Đám này kén ăn, nhưng bù lại thịt của chúng rất thơm ngon.
Mỗi khi đưa ra nhà hàng khách ăn một lại muốn ăn hai. Hành trình đi thăm trang trại của ông Thập khiến tôi đi bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cả một vùng rộng lớn sông núi non xứ Mường thuộc sở hữu của ông.
Chúng tôi đang mải xem đám nai, nhàn nhã ăn lá bỗng từ trên đồi xa nghe tiếng chuông dê kêu đinh đoang rồi tiếng dê mẹ kêu be be khiến vẻ tĩnh mịch nơi rừng chiều tan biến. Hóa ra đàn dê hơn trăm con ở trên đồi đang nhởn nhơ ăn lá cây.
Dê con, dê mẹ, dê trưởng thành nối nhau thành hàng dài. Được sống trong khu vực chăn nuôi rộng lớn, nên chúng phát triển rất nhanh.
Ông Thập bước lên đồi với bước đi nhanh thoăn thoắt chẳng kém gì tốc độ của các chàng trai bản nơi đây. Vừa đi ông vừa giới thiệu: "Tôi trồng rừng để tạo môi trường lý tưởng cho đám dê sinh sống. Nuôi đám ăn cỏ uống nước lã, lại cho thịt thơm ngon này rất nhàn. Ngày chúng đi ăn, tối chúng tự về chuồng. Việc của mình là đảm bảo môi trường trong lành và cung cấp đủ nguồn thức ăn sạch cho chúng".
Vào trang trại của ông Thập, không ai nghĩ, ông có thể sắp xếp và chăm sóc chu đáo cho cả mấy trăm con vật khác nhau.
Chia sẻ về bí quyết làm nông này, ông Thập không giấu giếm, mỗi loài có đặc tính khác nhau. Nhưng chung quy lại, mình phải đảm nguồn thức ăn sạch cho chúng. Tại trang trại, ông trồng rất nhiều các loại cây rừng rồi cây ăn quả.
Tất cả nguồn thức ăn này phục vụ cho đám động vật nơi đây. Nguồn phân của chúng được ủ kĩ thành phân hữu cơ bón lại cho vườn. Vòng sản xuất khép kín này đã được ông Thập duy trì đều đặn trong suốt mấy chục năm qua.
Khi đàn dê chui vào bóng mát nghỉ trưa vừa hay đi đến khu vực sinh sống của đàn bò. Có thời điểm ông Thập nuôi cả trăm con bò. Vào trang trại của ông Thập giống như thế giới động vật thu nhỏ hơn là khu chăn nuôi.
Trên đồi cao đám dê kêu be be, đám bò nối gót nhau gặm cỏ, vùng thấp lợn kêu eng éc, dưới ao cà lội từng đàn, vịt ngan bơi nhàn tản... Sản nghiệp mà ông Thập dày công tạo dựng, giờ đây sờ chỗ nào cũng hái ra tiền.
Bao năm lăn lộn và kiên trì với việc nuôi con đặc sản, ông Thập còn năng động hơn là mở chuỗi nhà hàng đặc sản nằm trên địa bàn huyện Kim Bôi. 3 nhà hàng lớn đều được ông lấy cảm hứng từ bộ phim Tây Du Ký đặt tên là Hoa quả sơn đã trở thành thương hiệu quen thuộc đối với khách du lịch.
Những sản phẩm ở trang trại đều phục vụ cho nhà hàng. Sản phẩm xuất xứ rõ nguồn gốc, nhà hàng phục vụ chu đáo, nên ông Thập vận hành chu trình từ trang trại tới bàn ăn vô cùng thuần thục.
Ông làm việc gì cũng nghĩ cho người tiêu dùng trước, nên ông đã gặt hái được sự thành công ngoài mong đợi. Khách kéo tới nhà hàng ngày một đông, nên ông phải mở rộng sản xuất khu chăn nuôi rộng hơn, nhiều hơn.
Ngoài trang trại 53ha này, ông còn có mấy trang trại nhỏ khác nằm rải rác trên địa bàn huyện Kim Bôi. Mỗi trang trại nhà hàng được mở ra, ông đều tạo thêm cả trăm việc việc làm cho bà con địa phương.
Không dừng lại ở việc làm trang trại, ông còn xây dựng 3 khu nghỉ dưỡng lớn tại huyện Kim Bôi. Mỗi khu nghỉ dưỡng mở ra lại trở thành địa điểm tiêu thụ nông sản và con đặc sản rất lớn. Vòng tròn khép kín từ trang trại tới bàn ăn mà ông Thập dày công tạo dựng trong suốt mấy chục năm qua đã vận hành trơn tru và hiệu quả.
Cả ngày bận rộn với cây, với đất rồi đón khách ăn tại nhà hàng, nhưng ông Thập vẫn dành phần lớn thời gian cho chăn nuôi và trồng trọt.
Ông chia sẻ: "Về với rừng, về với cây với các loài vật mà mình đam mê chăn nuôi thấy mình khỏe hẳn ra. Chúng là niềm đam mê cháy bỏng mà tôi đã có mong muốn tạo dựng từ nhiều năm trước".
Một thời vào sinh ra tử trước khi có "Hoa quả sơn"
Sinh sống và lập nghiệp ở xứ Mường, ai cũng tưởng ông là người Mường vì tính cách xởi lởi dễ gần, nhưng quê ông ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Lớn lên ở vùng đất chiêm khê mùa thối, ngày trước quanh năm đói kém và lạc hậu ấy khiến ông nhớ mãi. Thời chúng tôi chỉ mong có một ngày được ăn đủ 3 bữa cơm không phải độn.
Ngày đó việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do vùng đất nơi tôi sinh ra thường xuyên bị ngập lụt. Năm tháng tuổi thơ trôi qua một cách đầy khó nhọc.
Một trong những nhà hàng Hoa Quả Sơn của ông Thập-nơi tiêu thụ chính những cây trồng, con nuôi, con đặc sản nuôi trong trang trại. Ảnh: Tuệ Linh.
Năm ông 18 tuổi, nghe theo lời kêu gọi bảo vệ Tổ quốc, ông đã nhập ngũ và lên biên giới phía Bắc bảo vệ quê hương. Từ năm 1979 đến năm 1983, ông đã nhiều lần vào sinh ra tử. Cuộc chiến quá khốc liệt, nhưng ông và các đồng đội không rời vị trí, quyết đánh tan quân xâm lược.
Những ngày ở lính cầm súng bảo vệ quê hương, ông càng thấu hiểu sự hy sinh mất mát mà đồng đội của mình đã ngã xuống. Ông tự hứa với lòng mình, nếu còn có ngày trở lại quê, ông sẽ làm thật nhiều việc có ý nghĩa.
Năm 1983, ông trở về quê, ông cũng nhận được bao lời mời vào cơ quan Nhà nước làm việc. Đây là cơ hội trời cho, không phải ai cũng có cơ hội được làm công ăn lương.
Ông Thập lại từ chối và có tính toán của riêng mình. Cái ước mơ khi buông súng xuống được trở về quê hương trồng cấy chăn nuôi trong ông lại trỗi dậy. Khi đó việc làm kinh tế ở quê gặp quá nhiều khó khăn, nên ông đã khăn gói quả mướp lên huyện Kim Bôi (Hà Sơn Bình, nay là tỉnh Hòa Bình) để lập nghiệp.
Xứ Mường khi đó rừng còn ngút ngàn, đất đai rộng bát ngát. Nhìn đồi đất tơi xốp xứ Mường ông mê lắm. Ông đã mua lại từng quả đồi để làm nông nghiệp.
"Ở quê tôi nói đến chuyện có 1ha đất là vô cùng hiếm. Trong khi đó ở xứ Mường, một hộ dân có thể sở hữu mấy chục ha đất là chuyện thường. Tôi cũng chỉ mong mình có một khu trang trại để chăn nuôi", ông Thập nhớ lại.
Duyên phận đưa đẩy, ông còn buôn bán nông lâm thổ sản rồi làm doanh nghiệp xây dựng. Vốn là người hay lam hay làm và chịu thương, chịu khó, ông làm lĩnh vực gì cũng gặt hái được thành công. Trong túi có tiền là ông mua gom đất để mở rộng sản xuất.
Ngày tháng qua mau, ông Thập lấy vợ và sinh con tại đất Mường. Ông cũng coi đất Mường là quê hương thứ hai của mình. Mùa nối mùa trôi qua, kế hoạch gom đất trồng rừng chăn nuôi của ông cũng dần trở thành hiện thực.
Do nhà ông nằm gần đường cái, nên ông đã mạnh dạn mở nhà hàng để tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra. Nắm được cơ hội du khách đến với xứ Mường ngày một đông, ông còn xây dựng mấy khu nghỉ dưỡng. Mỗi khu nghỉ dưỡng mở ra là thêm cơ sở tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra.
Vòng tròn khép kín của quy trình sản xuất này của ông đã mang lại hiệu quả vô cùng lớn. Khách đến khu nghỉ dưỡng, nhà hàng được thưởng thức sản vật do chính ông chủ nhà hàng sản xuất, họ rất thích. Nhiều người còn đặt mua mang về.
"Sản phẩm của tôi có xuất xứ rõ ràng, lại được làm sạch nên ai cũng mê tít. Đây là lợi thế trong việc kinh doanh của tôi. Nhờ thế mà nhà hàng ngày càng đông khách", ông Thập chia sẻ.
Bao năm gắn bó với đất Mường, công danh sự nghiệp đều thành công mãn nhãn. Nay đã bước sang tuổi ngoài 60, nhưng nói về cuộc đời mình, ông thích nhất là được làm nông nghiệp. Cả đời ông chỉ mong mở rộng diện tích trồng rừng rồi nuôi các con vật đặc sản. Nó là niềm đam mê và ông đã dành tâm huyết cả cuộc đời cho việc đó.
Trước lúc rời trang trại của gia đình, ông Thập chia sẻ thêm: "Làm nông nghiệp không thể giàu nhanh được, nó cần có thời gian và sự tích lũy. Khi mình làm gì với cả cái tâm của mình rồi thành công cũng sẽ đến".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.