Vì sao phim Việt gần đây không tiếc tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng cho bối cảnh?
Vì sao phim Việt gần đây không tiếc tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng cho bối cảnh?
Thủy Vũ
Thứ sáu, ngày 08/09/2023 07:26 AM (GMT+7)
"Đất rừng phương Nam" là phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Kinh phí sản xuất bộ phim này là 40 tỷ đồng. Các diễn viên đã lặn lội quay phim suốt 2 tháng ở nhiều tỉnh thành miền Tây: Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh...
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dành rất nhiều kinh phí cho việc phục dựng được bối cảnh của bộ phim. Anh cho biết: “Bản thân tôi là một người con miền Nam, nhưng phải đến khi quay Đất rừng phương Nam, được lăn lộn vào từng tấc đất ở miền đất này, tôi mới “thấm” hết những tinh hoa, những khác biệt của các địa danh khác nhau. Và tôi hy vọng tác phẩm sẽ đem đến những thước phim đẹp nhất về vùng đất này”.
Bối cảnh hoành tráng được dựng lại 70% của phim "Đất rừng phương Nam". Nguồn: NSX
Vì không có điều kiện xây dựng toàn bộ phim trường, đoàn phim Đất rừng Phương Nam phải dựa vào kiến trúc có sẵn để dựng lại 70% bối cảnh, rồi lại phủ lên đó một lớp màu thời gian. Kể cả nội thất, phụ kiện cũng được sưu tầm để đảm bảo tính lịch sử.
Với bối cảnh chợ nổi, Đất rừng phương Nam đã huy động gần 400 diễn viên quần chúng trên bến dưới thuyền và may mới gần 500 bộ đồ để phục vụ cho đại cảnh đầu tư nhất của bộ phim.
Do hiện nay phần lớn người dân đều chuyển sang dùng thuyền composite (thuyền nhựa), ê-kíp phải mất vài tháng để đóng mới hơn 50 chiếc thuyền gỗ tại nhà xưởng ở Đồng Tháp, sau đó chất lên ghe lớn, chở về rừng tràm Trà Sư và dùng nhiều phương tiện để chuyển thuyền về bối cảnh chính.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ với Dân Việt rằng, khó khăn lớn nhất khi thực hiện đại cảnh chợ nổi chính là điều động các phương tiện sông nước. Do đặc tính khó điều chỉnh vị trí hơn việc sử dụng đạo cụ xe cộ nên mỗi khi reset (quay lại), ê-kíp lại phải mất nhiều thời gian để dàn cảnh ghe xuồng tấp nập ngược xuôi, tạo nên không khí họp chợ sôi động. "Công đoạn này cực kỳ phức tạp, cần phải có chiến lược rõ ràng, cứ như đánh trận vậy", đạo diễn nói.
Năm 2021, Lật mặt 5: 48H đã từng có mức đầu tư 43 tỷ đồng tăng gấp 4 lần so với Lật mặt 4: Nhà có khách (năm 2019) là 17 tỷ đồng. Không chỉ có Lật mặt 5: 48H, Trạng Tí của nhà sản xuất Studio 68 cũng có mức đầu tư 48 tỷ đồng sau 2 lần dời lịch chiếu vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và phải chạy nhiều đợt quảng bá phim. Tương tự, Em và Trịnh có kinh phí dự trù là 40 tỷ đồng nhưng cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và 4 cơn bão, kéo dài 64 ngày quay đã khiến kinh phí phim đội lên 50 tỷ đồng, chưa tính chi phí truyền thông.
Nhiều dự án phim trong năm 2021 và năm 2022 có mức đầu tư "khủng", vượt xa ngưỡng 25 tỷ đồng từng thiết lập trong giai đoạn năm 2015 đến năm 2020 như: Sám hối, phim hợp tác Việt Nam - Ấn Độ là 50 tỷ đồng; Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả đầu tư46 tỷ đồng và gần đây nhất là 578 - Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) đầu tư lên tới 60 tỷ đồng - một kỷ lục về kinh phí đầu tư của phim Việt từ trước đến nay.
Lạm phát giá cả và nhu cầu nâng cao chất lượng phim là 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng kinh phí đầu tư. Chia sẻ về tác động của lạm phát đối với quá trình sản xuất phim, nhà sản xuất Trinh Hoan của HKFilm cho rằng, do giá xăng tăng kéo theo chi phí nhiều công đoạn sản xuất tăng. Theo đó, đoàn phim cần 10-15 chiếc xe để di chuyển khi đi quay thì tiền xăng đã tăng lên so với trước đó. Tiền chi phí ăn uống cho nhân viên đoàn phim phục vụ đại cảnh cũng phải tăng vì với mức tiền như trước không còn đủ yêu cầu chất lượng.
Cũng theo nhà sản xuất Trinh Hoan, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc tăng giá cả là khâu dựng bối cảnh. Chi phí vật liệu xây dựng tăng khoảng 30% đã đẩy tăng chi phí dựng cảnh, chưa kể chi phí vận chuyển các mặt hàng.
Ngoài ra, số tiền đầu tư tăng còn xuất phát từ mong muốn tạo ra những sản phẩm chất lượng của nhà làm phim. Cùng với sự phát triển của điện ảnh thế giới và trong khu vực, khán giả Việt Nam ngày càng được xem những bộ phim điện ảnh kinh phí cao hơn. Bởi vậy, họ cũng mong đợi ở phim Việt cao hơn về chất lượng hình ảnh, bối cảnh, phục trang, kỹ xảo...
Một yếu tố nữa là kỳ vọng doanh thu của các nhà sản xuất. Một số bộ phim được đầu tư tốt đã có doanh thu cao khiến các nhà đầu tư, sản xuất có sự tin tưởng vào sản phẩm điện ảnh của mình. Phim sau tốt hơn phim trước, từ đó tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất để có sản phẩm tốt nhất, chỉn chu nhất, với mục đích kéo khán giả đến rạp. Bởi vì nếu mong khán giả đến xem phim khi một bộ phim trước họ xem đã được đầu tư tốt, thì những phim sau không thể kém hơn. Chính vì vậy, việc tăng chi phí đầu tư để nâng chất lượng phim là điều tất yếu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.