Vì sao tiếp tục đề xuất cho người lao động thêm 1 ngày nghỉ lễ?

Lương Kết Thứ tư, ngày 23/10/2019 09:35 AM (GMT+7)
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Bình luận 0

img

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Hôm nay (23/10), Quốc hội một ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7 mà đề xuất chọn Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hoặc một ngày khác.

Liên quan đến việc đề xuất chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Bộ luật xin rút đề xuất tăng này sau khi nghe các ý kiến góp ý của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Chính phủ đề nghị giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ.

“Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6)”, bà Nguyễn Thuý Anh trình bày trước Quốc hội. 

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo hai phương án.

Phương án 1: không bổ sung ngày nghỉ lễ; Phương án 2: bổ sung một ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và chọn ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28/6 dương lịch).

Về đề xuất làm thêm giờ, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.

“Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác tối đa sức lao động, hậu quả là người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động”, bà Nguyễn Thúy Anh nêu.

Song, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm như đã trình tại kỳ họp thứ 7 để Quốc hội tiếp tục thảo luận.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đề xuất 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến:

Cụ thể, phương án 1, quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành. Đồng thời, ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

Phương án 2, nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ.

Theo bà Thuý Anh, quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem