Vì sao tranh luận việc cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng, ĐBQH chỉ đồng ý với Phó Thủ tướng một vế?

Lương Kết (thực hiện) Chủ nhật, ngày 08/11/2020 14:54 PM (GMT+7)
Câu chuyện hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) bị kỷ luật cách chức đã nóng phiên chất vấn của Quốc hội. PV Dân Việt có trao đổi với ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau)- người đã đạt câu hỏi chất vấn và 2 lần tranh luận về việc này tại nghị trường.
Bình luận 0

Khi nhắc tới trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhiều nhà lãnh đạo, nhà quả lý đều đánh giá đây là điểm sáng của tự chủ đại học nhưng mới đây hiệu trưởng của trường này lại bị kỷ luật cách chức, nhìn vào sự đối lập này ông có suy nghĩ gì?

- Sự việc của Đại học Tôn Đức Thắng cần được xem xét một cách hết sức cẩn trọng giữa vai trò cá nhân của hiệu trưởng (cho dù cá nhân đó có thể có những vi phạm) với mô hình mà Đại học Tôn Đức Thắng được coi là điển hình của tự chủ đại học.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đi tiên phong về mô hình tự chủ đại học, sau nữa với những nỗ lực và đạt kết quả tích cực. Tự chủ đại học là chủ trương của Đảng và được cụ thể hóa hơn bằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Vì sao tranh luận việc cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng, ĐBQH chỉ đồng ý với Phó Thủ tướng một vế? - Ảnh 1.

ĐBQH Lê Thanh Vân (ảnh PV).

Tôi nghĩ sẽ rất phản cảm và dư luận đặt nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện xảy ra ở Đại học Tôn Đức Thắng. Tại sao cùng một thời điểm các tổ chức quốc tế đánh giá Đại học Tôn Đức Thắng có thứ hạng trong top 900 trường đại học tốt nhất thế giới và là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam, trong lúc đó thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại xử lý kỷ luật hiệu trưởng của Trường đại học này.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục đi đầu trong mô hình tự chủ, danh tiếng của ngôi trường này đã tạo lập, điều đó mang lại tự hào cho Việt Nam và TP.HCM, tuy nhiên dư luận không khỏi băn khoăn trong lúc trường có thành tích tốt như vậy thì hiệu trưởng -người đứng đầu của mô hình tự chủ đại học đó lại bị kỷ luật cách chức.

Theo dõi việc hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng bị kỷ luật qua phương tiện truyền thông, tôi thấy sai phạm được nêu ra không có gì cụ thể, thấy kết luận vi phạm chung chung. Tôi được biết ông Lê Vinh Danh cũng đang có khiếu nại về quyết định kỷ luật cách chức hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông.

Tại phiên chất vấn sáng 6/11, của Quốc hội, ông đã nêu câu hỏi và 2 lần tranh luận xung quanh việc cách chức hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng và ông cảm thấy vấn đề vẫn chưa được làm rõ?

- Tại phiên chất vấn (ngày 6/11), tôi đã chất vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỷ luật đối với hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng có đúng thẩm quyền?

Thực ra, trước đó tôi đã có văn bản chất vấn Phó Thủ tướng về vấn đề của Đại học Tôn Đức Thắng nhưng tôi thấy nội dung văn bản trả lời không trúng, chưa giải đáp nội dung tôi muốn hỏi. Chính vì tôi đã chất vấn công khai vấn đề này trước Quốc hội. 

Ở đây có 2 căn cứ pháp lý nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không căn cứ vào đó để áp dụng. Thứ nhất, tại Khoản 1 Điều 20 của Luật giáo dục đại học năm 2018; thứ hai, Điểm a, Khoản 6 Điều 7 của Nghị định 99/2019, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Nội dung của các quy định trên đã nêu rõ: Thẩm quyền quyết định nhân sự là chức danh hiệu trưởng của Đại học Tôn Đức Thắng thuộc về hội đồng trường chứ không phải của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Trường hợp nhiệm kỳ của hiệu trưởng kết thúc đồng thời với nhiệm kỳ của hội đồng trường thì hiệu trưởng được kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ cho đến khi cơ quan quản lý trực tiếp công nhận hiệu trưởng của nhiệm kỳ kế tiếp, trên cơ sở đề nghị của hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp.

Tôi dẫn chứng như vậy để thấy cơ sở pháp lý đã được quy định rất rõ ràng. Thế nhưng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng lại nói, việc kỷ luật hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Đức Thắng là trường hợp đặc thù vì không có hội đồng trường.

Sau khi Phó Thủ tướng trả lời chất vấn, khi tranh luận lại tôi nói chỉ tán thành nội dung Phó Thủ tướng trả lời ở vế đầu. Bởi ở vế này, Phó Thủ tướng đã dẫn chiếu quy định của pháp luật. Còn Phó Thủ tướng nói việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỷ luật hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là trường hợp đặc thù thì tôi không tán thành.

Sau đó khi tranh luận về việc này, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM, bà là Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) lại nêu văn bản của Bộ Nội vụ để khẳng định việc kỷ luật hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thăng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đúng. Tôi thấy việc tranh luận của nữ ĐBQH này để bảo vệ việc làm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã không căn cứ vào quy định của pháp luật, không muốn nói là xem thường pháp luật.

Khi tranh luận lại với Phó Thủ tướng tôi đã nói: Việc làm đúng đắn của Tổng Liên đoàn Lao động là chỉ có thể can thiệp vào đối tượng quản lý của mình, đó là, công chức, viên chức thuộc quyền của mình, còn chức danh hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng khi chưa có hội đồng trường quyết định thì hiệu trưởng đấy chưa bị bãi miễn, chưa bị cách chức.

Qua câu chuyện của Đại học Tôn Đức Thắng cũng là bài học cho các cơ quan, tổ chức có trường đại học trực thuộc đang vận dụng mô hình tự chủ thưa ông?

- Chủ trương tự chủ đại học là chủ trương rất đúng đắn, rất tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta và được cụ thể hóa thông qua việc Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Chủ trương tiến bộ của Đảng và Nhà nước nếu như không được quán triệt bằng nhận thức một cách thấu đáo thì có thể bị dập tắt bởi lợi ích nhóm hoặc bởi nhận thức không đúng đắn của cá nhân hoặc nhóm người.

Cần phải làm rõ động, cơ mục đích, cũng như trách nhiệm của tập thể, của cá nhân xung quanh câu chuyện kỷ luật hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng. Không thể nhầm lẫn giữa quy định của Đảng về xử lý, kỷ luật đảng viên vi phạm với quy định của pháp luật, không thể đồng nhất chuyện này được. Đảng viên vi phạm quy định của Đảng thì xử lý bằng quy định và Điều lệ Đảng, còn cán bộ công chức, viên chức vi phạm pháp luật thì xử lý bằng pháp luật. Đối với chức danh hiệu trưởng của trường đại học thì phải tuân theo quy định của Luật giáo dục đại học năm 2018.

Qua sự việc của trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng là bài học cho những cơ quan, tổ chức có trường đại học trực thuộc, phải có nhận thức đúng đắn và áp dụng pháp luật cho đúng.

Từ sự việc lùm xùm ở Đại học Tôn Đức Thắng, tôi đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan có liên quan của Quốc hội cần vào cuộc kiểm tra, giám sát, để trả lời trước công luận một cách rõ ràng, minh bạch.

Xin cảm ơn ông (!)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đây là một trường hợp rất đặc thù, bởi vì Hội đồng trường của Trường Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn là chậm trễ do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Cho nên tới thời điểm mà ban giám hiệu của Trường Tôn Đức Thắng bao gồm hiệu trưởng nhận kỷ luật của Đảng thì Trường Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường. Vì vậy, có câu chuyện không rõ ràng ở chỗ này. Chính vì lý do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục phải vào cuộc và trực tiếp lập một đoàn do một Thứ trưởng vào làm việc trực tiếp để làm rõ đúng sai và có hướng dẫn. (trích trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng tại Quốc hội).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem