Vì sao Ukraine khao khát loại tên lửa cực mạnh này của Mỹ, Washington kiên quyết nói 'không'?

Phương Đăng (theo 19fortyfive) Thứ năm, ngày 20/10/2022 19:56 PM (GMT+7)
Chính phủ ở Kiev đã liên tục thúc ép Washington cung cấp cho họ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) - thứ mà Ukraine cho rằng có thể là chìa khóa để chiến thắng trước Nga, 19fortyfive.
Bình luận 0

Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Biden vẫn chưa chấp nhận yêu cầu của Kiev liên quan đến ATACMS - loại tên lửa đất đối đất có thể tấn công các mục tiêu cách xa 300km, gấp 4 lần tầm bắn của các tên lửa của hệ thống HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hồi tháng 6.

Vì sao Ukraine khao khát loại tên lửa cực mạnh này của Mỹ? - Ảnh 1.

ATACMS khai hỏa vào năm 2006. Nguồn ảnh: Quân đội Mỹ

Theo 19fortyfive, lý do Ukraine khao khát loại tên lửa cực mạnh này của Mỹ đã quá rõ ràng. Với tầm bắn cách xa đáng kể như vậy, ATACMS không chỉ có khả năng tấn công các đơn vị của Nga tại Ukraine, trong các vùng lãnh thổ Moscow đã kiểm soát hoặc đang tranh chấp mà còn có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu trên bán đảo Crimea và thậm chí bên trong lãnh thổ Nga.

Các quan chức Ukraine tin rằng, tên lửa này có thể giúp họ giành lại Crimea, vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập năm 2014.

Được phát triển bởi "gã khổng lồ" hàng không và quốc phòng Lockheed Martin, tên lửa dẫn đường tầm xa ATACMS được trang bị đầu đạn nổ phân mảnh WDU18, nặng 227kg có khả năng tấn công mục tiêu vượt xa tầm bắn của đại bác, rocket và các loại tên lửa khác mà Ukraine hiện có. ATACMS có thể được bắn từ các bệ vũ khí MLRS M270 và M270A1.

ATACMS chạy bằng nhiên liệu rắn và đã đạt được thành công đáng kể cách đây hơn 3 thập kỷ trong Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991, và một lần nữa trong Chiến dịch Tự do Iraq. Tên lửa được sử dụng để chống lại nhiều mục tiêu khác nhau bao gồm các điểm đặt pháo phòng không, các đơn vị tên lửa đất đối đất, các khu hậu cần, các tổ hợp chỉ huy và điều khiển, cũng như các căn cứ hoạt động tiền phương của trực thăng.

ATACMS Block 1 đã được xuất khẩu cho một số đồng minh của Mỹ bao gồm Bahrain, Hy Lạp, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE.

Tuy nhiên, chính quyền Biden cho đến nay vẫn nói "không" với mọi đề nghị chuyển giao ATACMS cho họ.

Khi các thành phố của Ukraine phải đối mặt với làn sóng tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga, có thể dễ dàng hiểu tại sao Kiev lại muốn sở hữu một loại tên lửa có thể tấn công trả đũa lại vào bên trong nước Nga nhưng đó cũng chính là lý do tại sao Washington hiện chưa cho phép Ukraine sở hữu ATACMS.

Có những lo ngại rằng, Ukraine có thể sử dụng ATACMS chống lại các mục tiêu mà Washington coi là "ngoài giới hạn" và bao gồm cả lãnh thổ bên trong nước Nga. Điều này có thể khiến Nga đưa ra phản ứng đáp trả quyết liệt, chẳng hạn tấn công vào một thành viên NATO.

Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rằng ông không muốn chiến tranh leo thang hơn nữa. Ngoài ra, Lầu Năm Góc khẳng định, hàng nghìn tên lửa dẫn đường mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine cũng có thể nhắm vào hầu hết các mục tiêu của Nga, thậm chí cả các mục tiêu ở Crimea. Chúng bao gồm Hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) hoặc Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) cũng như các hệ thống khác...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem