Mục tiêu 1 triệu DN: Đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhưng chưa hiệu quả?

Quang Dân Thứ bảy, ngày 17/10/2020 15:48 PM (GMT+7)
Ước đến tháng 10/2020, cả nước có 795.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, chỉ tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Việt Nam là không đạt được.
Bình luận 0

Không đạt được chỉ tiêu

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức đưa ra Dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo Dự thảo Báo cáo, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động. Ước đến tháng 10/2020, cả nước có 795.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

“Như vậy, chỉ tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là không đạt được”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trên thực tế, ngay từ ban đầu, mục tiêu đặt ra đã là khó thách thức. Bởi lẽ, với con số 442.885 doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2015, muốn đạt được mục tiêu, thì tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp hoạt động bình quân phải đạt 17,7%.

Trong khi đó, trong giai đoạn 2016-2019, giai đoạn mà tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới bình quân tăng gấp đôi so với giai đoàn 2011-2015, thì cả tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động (là 14,4%) và tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới (10,5%) đều thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cần đạt được.

Vì sao Việt Nam không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020? - Ảnh 1.

Không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù số lũy kế doanh nghiệp thành lập mới vượt 1 triệu doanh nghiệp, song do số lượng doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường tăng cao, nên con số còn lại không đủ chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra.

Không phải câu chuyện bất ngờ

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc không đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 chẳng phải là câu chuyện bất ngờ, bởi vì trong báo cáo đã cho thấy số lượng doanh nghiệp trồi sụt bởi nhiều nguyên nhân.

Nếu tính theo tiến độ, từ lâu nhiều nguồn tin đã dự báo là mục tiêu này không thể được. Chính vì thế, Chính phủ cũng đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhưng chưa hiệu quả. Điển hình là việc chính sách khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn, do đó số doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh rất khiêm tốn. Trong khi đó, đây là khu vực được kỳ vọng sẽ bổ sung một lực lượng lớn cho khu vực doanh nghiệp.

"Tóm lại, chương trình hoàn thành 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 chỉ là mục tiêu, trường hợp không hoàn thành cũng không thể bắt lỗi cho ai cả, kể cả Chính phủ, bởi lẽ không bắt buộc phải đạt được mà câu chuyện phải là hiệu quả. Đây sẽ là bài học cho Việt Nam ở thời gian sắp tới", ông Phong cho hay.

Theo ông Phong, để đạt được con số này, Chính phủ phải nghiên cứu để cởi trói cả về chính sách và quyền lợi cho hộ gia đình. Khi mà tâm lý của bộ phận này vẫn theo hướng sợ lên doanh nghiệp vì tốn kém, thủ tục và nghĩa vụ... bên cạnh đó, hộ gia đình vẫn có thói quen kinh doanh theo kiểu truyền thống.

Chính phủ nên xem xét điều chỉnh theo kiểu 1 cá nhân hoặc 1 hộ cũng có thể là một doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này phải đưa vào luật doanh nghiệp chứ không phải ép hộ gia đình bắt buộc phải đăng ký thành lập.

Tương tự, TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp thì cách nhanh nhất là chuyển những hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện tại.

Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã tạo những điều kiện ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp mới được thành lập. Tuy nhiên, có vẻ như quyền lợi đó chưa đủ hấp dẫn để bản thân chính chủ hộ kinh doanh quyết định thay đổi. Một khi chính sách được cởi trói, cơ chế dễ dàng thì người dân sẽ tự chủ động giúp nhà nước hoàn thành chỉ tiêu 1 triệu doanh nghiệp.

Vì sao Việt Nam không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020? - Ảnh 3.

Đa số các chính sách, giải pháp chưa đi vào cuộc sống

Trước đó, liên quan đến vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra một vài nguyên nhân để lý giải về việc vì sao không đạt con số này. Đáng kể như việc trong năm 2020, kể từ đầu năm, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ việc thành lập doanh nghiệp mới gặp khó khăn, mà cả số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa cũng tăng lên.

Ngoài ra, tại thời điểm năm 2016, khi xây dựng mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, Chính phủ đã rất kỳ vọng vào các nhóm giải pháp và nhiệm vụ tại Nghị quyết 35/NQ-CP.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, đa số các chính sách, giải pháp mới dừng ở việc ban hành các quy định, văn bản quy định pháp luật, mà chưa đi vào cuộc sống.

Hơn nữa, mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp cũng hạn chế. Hộp thư điện tử, đường dây nóng trả lời doanh nghiệp ở các địa phương hầu như không hoạt động, doanh nghiệp gửi câu hỏi đến nhưng sau mấy tháng không có thông tin phản hồi.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem