Vì sao Việt Nam vẫn phải phụ thuộc con giống từ Trung Quốc dù có 2.200 loài động vật thân mềm?
Vì sao Việt Nam vẫn phải nhập con giống từ Trung Quốc dù có lợi thế về nuôi nhuyễn thể?
Minh Ngọc
Thứ ba, ngày 12/04/2022 14:17 PM (GMT+7)
Với 3.200 km bờ biển, 112 cửa sông, 660.000 ha bãi triều, 2.200 loài động vật thân mềm, Việt Nam có lợi thế trong nghề nuôi nhuyễn thể. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi động vật thân mềm đơn giản, chi phí sản xuất thấp…đã giúp sản phẩm của ngành nhuyễn thể Việt Nam có mặt ở 57 thị trường trên thế giới.
Việt Nam có lợi thế gì để phát triển ngành nhuyễn thể?
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tổng diện tích tiềm năng phát triển nuôi nhuyễn thể tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Kiên Giang là 206.350 ha. Năm 2021, diện tích nuôi nhuyễn thể trên cả nước là 55.000 ha, sản lượng ước đạt 380.000 tấn, tăng 1,3% so với năm 2020.
Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có diện tích tiềm năng 43.650 ha, chiếm 21,1%; vùng ĐBSCL khoảng 113.800 ha, chiếm 55,1% tổng diện tích tiềm năng nuôi nhuyễn thể của cả nước.
Riêng khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 42.700 ha; khu vực các tỉnh ven biển Đông Nam bộ khoảng 6.200 ha, trong đó tập trung ở khu vực Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) và vùng ven biển huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).
Trong những năm gần đây, nghề nuôi nhuyễn thể ở nước ta thể phát triển mạnh chủ yếu với 2 đối tượng nuôi chính là ngao và hàu Thái Bình Dương tập trung ở các tỉnh ven biển bao gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre và Trà Vinh.
Theo VASEP, các sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam đã có mặt ở 57 thị trường trên thế giới, trong đó có một số thị trường chính như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia…
Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020. Trong đó, ngao là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% với gần 103 triệu USD, tiếp đến là sản phẩm sò điệp, hàu...
"Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 7 về cung cấp nhuyễn thể cho EU (chiếm 5,8%) và được xem là quốc gia có tiềm năng lớn đối với việc xâm nhập thị trường châu Âu do giá thành rẻ", VASEP nhận định.
Vì sao Việt Nam phụ thuộc nguồn con giống từ Trung Quốc?
- Hàu Thái Bình Dương: Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, từ các nghiên cứu trên đối tượng hàu Thái Bình Dương từ năm 2007 cho đến nay đã thành đối tượng nuôi mang lại sản lượng và lợi nhuận rất lớn và tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và trở thành đối tượng nuôi quan trọng có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao.
Nuôi hàu Thái Bình Dương tại Việt Nam có thể phát triển trên quy mô lớn, đặc biệt các vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Sản lượng hàu nuôi tăng khá nhanh từ 792 tấn năm 2002 lên 2.743 tấn năm 2007 và 25.000 tấn năm 2014. Đến nay đạt hàng trăm ngàn tấn.
Hiện nay nhiều người nuôi trồng thủy sản tại Vịnh Cát Bà - Hải Phòng và Vịnh Bái Tử Long đã coi hàu Thái Bình Dương là đối tượng nuôi chính.
"Tiềm năng phát triển nuôi hàu Thái Bình Dương là rất lớn vì chúng là loài rộng muối và thích hợp nuôi biển, có thể nuôi ở các vùng ven bờ, vịnh, hải đảo", đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 cho biết.
Tuy nhiên, nghề nuôi hàu Thái Bình Dương vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu tính bền vững, thể hiện ở năng suất nuôi hàu hiện đã giảm một nửa.
Nguyên nhân do các vùng thả nuôi dày, không có quy hoạch và kiểm soát, nuôi theo kiểu tự phát. Mặt khác vấn đề đáng ngại nhất là nguồn giống hàu không đảm bảo chất lượng, bị thoái hóa nghiêm trọng.
Người nuôi sử dụng giống tràn lan, hầu hết không có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng giảm sút ảnh hưởng lâu dài đến nghề nuôi hàu Thái Bình Dương tại Việt Nam.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NNPTNT Quảng Ninh), khó khăn lớn nhất của nghề nuôi hàu Thái Bình Dương hiện nay là nguồn giống.
Con giống không những chưa đáp ứng đủ về mặt số lượng cũng như đáng cảnh báo về mặt chất lượng. Chính vì vậy, phần lớn giống đưa vào nuôi là giống trôi nổi trên thị trường, được người nuôi mua về từ Trung Quốc và các tỉnh miền miền Bắc, Trung và Nam.
- Hàu cửa sông: là một trong những loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao (trọng lượng khô thịt hàu chứa 45-51% protein, 10,2% chất béo (lipid), 22,3% chất đường (glucid) và nhiều loại chất khoáng, vitamin khác). Ngoài ra, hàu còn là đối tượng thủy sản có khả năng lọc nước, làm sạch môi trường đầm phá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân.
Hàu cửa sông là loài hàu bản địa của Việt Nam, chúng phân bố ở một số tỉnh như: Quảng Ninh, Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng, Quảng Nam.
Thực tế cho thấy, do nhu cầu thị trường rất lớn (chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan) nên sản lượng hiện nay không đủ để xuất khẩu mà chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ trong nước.
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, mặc dù đã có những nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm, song một trong những khó khăn lớn của nghề nuôi hàu cửa hiện nay là nguồn giống từ sinh sản nhân tạo chưa nhiều, con giống có sức đề kháng kém (thể hiện khi chuyển ra nuôi thương phẩm thường bị hao hụt lớn), nên giống nuôi thương phẩm vẫn chủ yếu nhập từ Trung Quốc nên không kiểm soát được chất lượng và dịch bệnh.
Do đó hàu thương phẩm chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ trong nước và vẫn không đủ lượng thương phẩm lớn để xuất khẩu.
- Ngao Bến Tre: Ngao được xem là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực cho xuất khẩu, bởi nó là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường xuất khẩu rộng lớn và đã đáp ứng được tiêu chuẩn HACCP và chứng chỉ MSC của Hội đồng Biển Quốc tế.
Theo thống kê của Tổng cục thủy sản, những năm qua, tăng trưởng sản lượng ngao của Việt Nam bình quân 25,9%/năm. Đến năm 2020, diện tích nuôi ngao hơn 24.000 ha, chiếm 47,8% tổng diện tích nuôi nhuyễn thể (48.370 ha).
Sản lượng ngao nuôi đạt hơn 300.000 tấn, chiếm 76,4% tổng sản lượng nhuyễn thể (400.000 tấn), tốc độ tăng trưởng bình quân 10,8%/năm.
Trong đó các tỉnh miền Bắc có diện tích nuôi ngao lớn là Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa…với tổng diện tích nuôi toàn vùng hơn 7.000 ha.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nuôi ngao tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh…và Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), với tổng diện tích hơn 17.000 ha. Trong những năm gần đây, sản xuất, khai thác và chế biến ngao đang dần trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân vùng ven biển.
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, nghề nuôi ngao hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn như: tình trạng con giống cung cấp từ các trại giống không đủ nên nguồn giống chủ yếu từ Trung Quốc có chất lượng không ổn định, giá thành cao dẫn tới khai thác ngao giống tràn lan, chưa có biện pháp quản lý và bảo vệ nguồn lợi tự nhiên hợp lý, thị trường tiêu thụ ngao không ổn định,…
Bên cạnh đó, tình hình ngao nuôi thương phẩm bị chết hàng loạt trong những năm gần đây ở một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Bến Tre, Tiền Giang,… đã gây nhiều khó khăn về nguồn vốn để tiếp tục đầu tư vào nuôi ngao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.