Vị tướng tài đầy nhân cách với gần 3.000 ngày oan trái vẫn tin ở Đảng

Quốc Phong Thứ ba, ngày 21/02/2023 07:58 AM (GMT+7)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1960 - 1967, tướng Nguyễn Văn Vịnh được xem như "cánh tay phải" của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Bình luận 0


Vị tướng tài đầy nhân cách với gần 3.000 ngày oan trái vẫn tin ở Đảng - Ảnh 1.

Tướng Nguyễn Văn Vịnh.

Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh (1918-1978), nguyên Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng (khoá 3), nguyên Thường trực Quân uỷ Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất Trung ương (hàm Bộ trưởng). Ông là 1 trong 4 tướng được phong hàm Trung tướng theo Sắc lệnh năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa cách đây tròn 45 năm. Hôm nay là kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông (21/2/1918- 21/2/2023).

Vị tướng tài năng, can trường

Nhắc đến vị tướng tài năng và đạo đức ấy vào hôm nay nhân ngày sinh của ông là tôi muốn nhắc đến một tấm gương sáng ngời của người cộng sản chân chính đúng nghĩa. Ông từng bị hiểu lầm trong nhiều năm đầy cay đắng, oan trái nhưng không bao giờ mất niềm tin vào Đảng của mình. Thậm chí ông còn bị kỷ luật cách chức các chức vụ, bị giáng 1 cấp hàm xuống Thiếu tướng... rồi cho một cái án lơ lửng "ngồi chơi xơi nước". Song, ông vẫn âm thầm nén chịu một mình trong nỗi đau đớn về tinh thần.

Tướng Nguyễn Văn Vịnh là một trong bốn vị Trung tướng tài năng được Bác Hồ ký sắc lệnh thụ phong năm 1959.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược ,từ năm 1946 đến năm 1950 ông công tác tại Nam B, lần lượt làm Chính uỷ Khu VIII, Bí thư Khu uỷ rồi Xứ uỷ viên Xứ uỷ Nam Bộ. Năm 1950, ông là Chính ủy Bộ Tư lệnh Phân khu Miền Tây Nam Bộ.

Đến năm 1952, ông được chuyển sang làm phó Tư lệnh Phân khu Miền Đông Nam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc đảm trách cương vị cao hơn.

Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam giai đoạn 1960 - 1967, tướng Nguyễn Văn Vịnh được xem như "cánh tay phải" của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Ông là người có vai trò không nhỏ trong quá trình xây dựng Nghị quyết 15 lịch sử (1959) -Về phương pháp cách mạng thích hợp cho miền Nam. Ông cũng đã đề xuất với T.Ư việc chuẩn bị đàm phán hòa bình, kết hợp vừa đánh vừa đàm để kết thúc chiến tranh.

Tướng Vịnh từng được giới quân sự Phương Tây đánh giá vai trò, trọng trách to lớn vào năm 1969 rằng: "Người ta cũng biết ở Hà Nội, người chịu trách nhiệm điều hành (le responsable "opérationel") các vụ xâm nhập, tăng viện cho phía Nam là Tướng Nguyễn Văn Vịnh, người chủ trì một ủy ban chuyên trách cấp nhà nước" (trích Hai cuộc chiến tranh của Việt Nam, G.Chaffard, NXB Bàn tròn, 1969, trang 433).

Ông cũng chính là người gợi mở ra ý tưởng mở đường mòn Trường Sơn huyền thoại( sau gọi là đường Hồ Chí Minh) cũng như đường Hồ Chí Minh trên biển để chi viện sức người, sức của cho Miền Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Được chấp thuận, ông đã giao nhiệm vụ đó để ông Võ Bẩm triển khai thực hiện.

Vị tướng tài đầy nhân cách với gần 3.000 ngày oan trái vẫn tin ở Đảng - Ảnh 3.

Tướng Nguyễn Văn Vịnh là người gợi mở ra ý tưởng mở đường mòn Trường Sơn.

Giữa năm 1967, ông được Trung ương cử bí mật vào Nam, thay Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vừa mất trước đó 10 ngày. Mục đích để phổ biến kế hoạch Tổng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân 1968 khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bất ngờ ra đi quá đột ngột, không kịp vào chiến trường để truyền đạt chủ trương, quyết tâm chiến lược nói trên của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương.

Tướng Vịnh với ông Lê Duẩn, nguyên Bí thư Trung ương Cục Miền Nam và sau này là Bí thư nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng rất gần gũi nhau trong hai cuộc chiến tranh. Ông Đống Ngạc, trợ lý cố Tổng bí thư Lê Duẩn sau này cũng thừa nhận: "Anh Vịnh là người được Bộ Chính trị và anh Ba Duẩn tin cậy. Các văn kiện của Bộ Chính trị, T.Ư về Miền Nam giai đoạn 1959 - 1968 nhiều thứ do anh Vịnh chuẩn bị. Anh Vịnh còn tham gia một phần bức thư anh Ba Duẩn gửi T.Ư Cục miền Nam...".

Gặp oan trái nhưng vẫn giữ vững niềm tin

Tuy nhiên, vào năm 1967, do một sự hiểu lầm cho là có liên can đến việc một số người có danh sách trong vụ xét lại chống Đảng cho nên năm 1972 ông bị khai trừ Đảng và buộc thôi giữ các chức vụ, bị hạ quân hàm xuống Thiếu tướng. Tuy nhiên, ông vẫn đặt lợi ích toàn cục lên trên hết và luôn động viên đồng chí của mình yên tâm công tác, chiến đấu để nhanh chóng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước cho dù ông hiểu mình hoàn toàn bị oan ,chỉ do có sự suy đoán hiểu lầm của tổ chức.

Những ngày Quân đội ta mở chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, ông vẫn đau đáu với vận mệnh đất nước. Ông ước mong sớm đến ngày miền Nam được giải phóng, Việt Nam được thống nhất và biết đâu ông sẽ được Đảng nhìn lại, minh oan cho ông?

Ngày ngày, ông giở tấm bản đồ chiến sự cũ lưu giữ khi còn công tác rồi mày mò, suy nghĩ âm thầm. Ông nghĩ cách đánh địch cứ như người đánh cờ một mình với những miếng bìa xanh đỏ cắt hình mũi tên xê dịch trên bản đồ.

Sau rồi, ông bí mật đem bàn với những đồng chí mình hiện vẫn còn giữ cương vị cao trong quân đội, họ là những người vẫn tin vào sự trung thành của ông với Tổ quốc. Họ nghe ông góp ý chân thành về quan điểm quân sự và những kinh nghiệm chiến trường để cùng nhau tìm ra lối đánh hiệu quả nhất.

Nghĩ lại nỗi đau của chồng mình, bà Trương Thị Châu, một thầy thuốc, nguyên giám đốc một Bệnh viện lớn tại TP.HCM đâu có thể ngờ cuộc đời oan trái của chồng bà đã phải mất gần 3.000 ngày kiên trì tự bảo vệ mình với niềm tin sắt son, đầy nghị lực.

Đáng mừng là chồng bà vẫn không hề tuyệt vọng, bất mãn với chế độ. Ông có một lòng tin vào lẽ phải, vào sự lãnh đạo của Đảng, rồi sẽ có ngày mình được minh oan.

Vị tướng tài đầy nhân cách với gần 3.000 ngày oan trái vẫn tin ở Đảng - Ảnh 4.

Huân chương của Chủ tịch nước truy tặng tướng Nguyễn Văn Vịnh.

Năm 1977, tờ quyết định của ông Lê Đức Thọ, lúc đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương thay mặt Bộ Chính trị kết luận về những vấn đề có liên quan đến kỷ luật trước đây của ông Vịnh chỉ với trên chục dòng ngắn gọn. Quyết định ghi rằng ông "được phục chức" (tuy nhiên cấp bậc cũng không còn là Trung tướng mà xuống Thiếu tướng như đã giáng cấp khi nhận kỷ luật năm 1972). Quyết định cũng nêu rõ trả lại ông các tấm Huân, Huy chương vì ông không liên quan gì đến nhóm xét lại, chống Đảng ngày ấy.

Ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Kiến trúc. Rất tiếc, ông chưa ngồi chiếc ghế Thứ trưởng bộ này ngày nào thì đã ra đi vị lâm bệnh trọng. Ông được đưa ra nước ngoài điều trị nhưng rồi vẫn không qua khỏi.

30 năm sau (2007), Chủ tịch nước có quyết định truy tặng tướng Nguyễn Văn Vịnh Huân chương Độc lập Hạng Nhất. Nhưng việc ông được minh oan lại không công khai cho nhiều người biết mà cứ âm thầm cho đến nay. Sau 56 năm, nó vẫn chưa được "giải mã" để người dân hiểu thêm về con người ông, nhân cách đáng kính ở ông, một vị tướng tài ba, đầy trí tuệ và đạo đức…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem