Thiếu thốn đủ bề
Tiếp theo loạt bài “Vị Xuyên – 35 năm máu và hoa”, xin mời bạn đọc nghe thêm những hồi ức của các cựu binh sư 356 về những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến.
Sau những giây phút hồi tưởng về trận đánh ngày 12/7/1984, cựu binh Lương Tú Liêu - người gần như gắn bó trọn vẹn với mảnh đất Vị Xuyên trong suốt cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc – kể thêm chúng tôi biết về sự khó khăn , gian khổ mà ông và các đồng đội đã trải qua trong cuộc chiến.
Chiến thuật mới của quân đội ta khiến cho quân bành trướng Trung Quốc thảm bại khi phải đối mặt với các cuộc phản kích của ta ở Vị Xuyên. (Ảnh tư liệu)
“Nếu như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ta được trang bị đủ, ở Vị Xuyên, chúng tôi trên chốt thiếu thốn đủ bề. Đầu tiên phải nói tới quần áo. Những ai đã từng nằm ở trên chốt đều nhớ 100% chúng tôi chỉ có một chiếc quần đùi để mặc. Cứ tưởng tượng quần đùi cũng cứng như đá vì nhiều ngày không có mà thay. Từ chỉ huy đến chiến sỹ, ai nấy tóc dài tới ngang vai, người ngợm ghẻ lở”, ông Liêu kể.
Cái gì cũng thiếu nhưng đầu tiên phải kể đến cảnh thiếu nước. Tất cả điểm cao từ 1509, 772, 683 địch đều chiếm trên đỉnh, còn ta thì ở phía dưới. Hai bên cứ đánh giằng co, lúc thì vu hồi lúc trực diện. Quân bành trướng Trung Quốc ở trên cao, lại được trang bị hỏa lực mạnh, nhiều đạn nên bắn vô tội vạ, bất kể giờ nào. Sau này chúng dùng H12, một loại hỏa tiễn 12 nòng cứ thấy bóng bộ đội ta ở đâu là chúng dập nguyên cả 12 quả đạn vào đó. Nhiều chiến sỹ của ta đã hy sinh vì loại hỏa tiễn này.
Ông Liêu kể: Muốn đi lấy nước, bộ đội ta phải canh từ 2h30 đến 4h sáng. Mới bò từ các điểm chốt xuống suối hứng nước được 1 can 20 lít thì về chia nhau để đánh răng, mà có khi mấy ngày mới đánh răng chay được một lần. Có khi một giọt nước phải đổi bằng tính mạng nhưng anh em vẫn vui vẻ chia nhau.
Nước thiếu và cả cái ăn cũng thiếu. Những người lính trên chốt khẩu phần chỉ có mắm kem, tương cục, cá chuồn khô… Gạo thiếu, rau thì kiếm các loại rau rừng, nhất là dương xỉ mọc xen trong những gờ đá. Bộ đội ta đợi tới đêm mới bò ra nhổ về, sau đó đốt than hong cho héo, rồi đưa vào xào để ăn cho khỏi ngái.
Mà rau loại này cũng phải tiết kiệm, chẳng được ăn thoải mái. Anh em lính tráng mỗi người mỗi bữa được vài miếng. Món rau này lính vẫn quen gọi là rau trên chốt cảm tử, cứ lớp trước truyền cho lớp sau.
Không chỉ khát nước, đói ăn, đời sống văn hóa tinh thần của người lính cũng thiếu thống đến đáng sợ. Những người lính không bao giờ quên những lần được dự “tiệc văn nghệ”. Tuy hơn 30 năm kể từ lần được xem buổi văn nghệ để đời đó, nhưng ông Liêu vẫn nhớ như in.
“Hôm đó chúng tôi được về sư đoàn xem văn nghệ. Tôi vẫn nhớ như in ca sỹ Bảo Yến hát bài Đất nước. Ca sỹ Lê Dung hát bài Vết chân tròn trên cát. Tôi đã bẻ cành hoa đại vào tặng chị Bảo Yến, được ca sỹ ôm hôn ngay trên sân khấu. Cái ôm đó làm cho những người lính chúng tôi vững tin ra trận, không sợ hy sinh hay gian khổ khó khăn. Có thể nói cái ôm đó vẫn còn ấm nồng đến tận hôm nay”, cựu binh bồi hồi nhớ lại.
Ám ảnh tiếng gọi mẹ của đồng đội
Là sỹ quan của trung đoàn vận tải thuộc sư 356, ông Hoàng Thế Cương nhớ về những năm tháng ở Vị Xuyên: Đến giờ mỗi khi đang ngủ mà nghe tiếng sấm là tôi bật dậy, như một phản xạ để lao xuống nơi trú ẩn. Bởi ngày xưa chúng tôi phải chịu quá nhiều trận pháo. Tôi phải tận mắt chứng kiến chỉ một tích tắc, cả 6 chiến sỹ của tôi hy sinh, không tìm được thi thể vì bị pháo tập kích trúng chỗ họ đang nấu cơm.
Hai thương binh Nguyễn Văn Vĩ (mất ngón tay) và Nguyễn Công Dũng (mất 1 chân) thăm lại chiến trường xưa. (Ảnh: Gia Tưởng)
Nhưng ám ảnh nhất đối với ông Cương là mỗi khi đi thu dọn chiến trường, lấy xác đồng đội hy sinh. Do trận địa ở núi đá, địa hình cheo leo hiểm trở, bộ đội ta chiến đấu xong là rút đi, nhiệm vụ của ông Cương và đồng đội là phải bò trận địa để tìm xác đồng đội. Nhiều khi tìm thấy đồng đội rồi nhưng không dám bốc mà phải buộc dây vào chân hoặc tay, rồi đợi đêm xuống mới kéo ra từ từ.
Trong khi đó, quân địch cũng vô cùng thâm hiểm. Những ai hy sinh nằm lại trận địa, chúng thường đặt bẫy bằng cách gài lựu đạn hay đặt mìn dưới xác bộ đội ta. Nếu chiến sỹ tải thương không có kinh nghiệm, nhìn thấy đồng đội mà lao tới chuyển đi, rất dễ bị dính bẫy. Nhẹ thì cụt chân tay, nặng thì cũng theo các đồng đội. Công việc lấy xác và tìm kiếm thương binh của quân ta sau mỗi trận giao tranh ác liệt thường phải tiến hành vào ban đêm. Ban ngày nếu bị phát hiện, quân địch sẽ gọi pháo bắn tối tăm trời đất.
Nhiệm vụ tìm kiếm đồng đội hy sinh đã vất vả, nhưng công việc tắm rửa cho anh em hy sinh thì không phải ai cũng làm được. Những người lính ở Vị Xuyên, đặc biệt là những người làm công tác vận tải như ông Cương, đây đúng là một thử thách.
Ông Cương kể, có những hôm đưa xác đồng đội về thác Thanh Hương để tắm rửa. Xe ô tô chưa lên kịp để chở đi, nhìn anh em nằm đó xót lắm.
“Chúng tôi phải dùng những viên đá đậy lên mắt, lên tai của anh em để tránh chuột và các loại côn trùng khác. Rồi tìm tờ giấy ghi tên ở trong túi mọi người để Bộ phận chính sách vào sổ. Có những ngày bộ đội làm không xuể, phải huy động cả Hội phụ nữ tỉnh Hà Giang ra tắm rửa cho anh em. Chính vì thế thác Thanh Hương được lính Vị Xuyên gọi là thác Gọi hồn, đây cũng là nơi bộ đội ngại đến nhất”, ông Cương nhớ lại.
Cho tới bây giờ, sau 35 năm kể từ những ngày kinh hoàng đó, khi ngồi nhớ về cuộc chiến, ông Cương vẫn bảo: Lúc nào tôi cũng ám ảnh vì tiếng gọi thảm thiết của những người thương binh “mẹ ơi, mẹ ơi con chết mất”.
Lúc đó phần lớn những ngươi lính chỉ ở độ tuổi mười chín đôi mươi. Họ chưa có người yêu, hay người phụ nữ khác ngoài mẹ mình. Và tiếng gọi trong đau thương làm cho ai nghe cũng cảm thấy day dứt, ám ảnh, không thể nào quên nổi.
(Còn nữa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.