Vị Xuyên và những người anh hùng (Kỳ 3)

Gia Tưởng Thứ bảy, ngày 13/07/2019 09:25 AM (GMT+7)
Trong cuộc chiến ở Vị Xuyên (1984-1989), đã có những cán bộ chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Có những người thà chết cũng không rời khỏi chốt tiền tiêu.
Bình luận 0

"Xin mưa lên đỉnh E5"

Để đương đầu với quân xâm lược bành trướng Trung Quốc, trên những điểm cao tại mặt trận Vị Xuyên, nhiều cán bộ chiến sĩ bộ đội ta đã nêu cao tinh thần quyết tử. Gặp bất cứ cựu chiến binh của sư đoàn 356, họ cũng nhớ như in tinh thần chiến đấu và chấp nhận hy sinh của anh hùng Lê Trần Mãn. 

Anh hùng Lê Trần Mãn (SN 1961, là người dân tộc Kinh, quê ở xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nhập ngũ tháng 3/1979. Khi hy sinh, anh là thượng sĩ y tá, đại đội 7 bộ binh, tiểu đoàn 5, trung đoàn 153, sư đoàn 356, Quân khu 2. 

Trong đợt chiến đấu ở Vị Xuyên từ ngày 14 – 18/1/1985, sau khi bắn hàng nghìn đạn pháo, địch liên tiếp tổ chức tấn công vào điểm cao 685. Sau mỗi lần thất bại, địch lại tăng quân và bắn phá dữ dội hơn. Đơn vị bị thương vong nhiều, Lê Trần Mãn kịp thời lên thay thế chỉ huy đơn vị chiến đấu giành giật với địch từng đoạn giao thông hào. 

Thấy đơn vị Mãn còn ít người, quân bành trướng Trung Quốc tập trung hỏa lực và quân số mở 8 đợt tấn công lên chốt. Sau khi cùng 3 người khác diệt hơn 100 tên địch, đạn đã gần hết. Thấy địch cắm cờ lên điểm chốt, anh Lê Trần Mãn chỉ huy 3 chiến sĩ tập trung hỏa lực diệt địch tại đây và nhổ được cờ.

Nhưng địch vẫn tấn công cấp tập lên trận địa, chiến sĩ thông tin đã hy sinh. Anh Mãn đã dùng điện đàm gọi về sở chỉ huy trung đoàn và yêu cầu: “Xin mưa. Xin mưa lên đỉnh E5”. Những chỉ huy của trung đoàn phải hạ lệnh pháo bắn chùm lên trận địa trong nước mắt. Trận đó ta vẫn giữ được điểm cao E5. Nhưng chiến sĩ quân y Lê Trần Mãn hy sinh, anh đã hòa cùng vào đất mẹ.

Ngay sau đấy, anh hùng Lê Trần Mãn được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Ngày 29/8/1985, liệt sĩ Lê Trần Mãn được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước CHXHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

img

Các chiến sĩ và người thân trở lại thăm chiến trường xưa. (Ảnh: Gia Tưởng)

Đến bây giờ, những chiến sĩ của Sư đoàn 356 vẫn không quên lời thề bất hủ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (quê Phú Thọ): “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”.

Cựu chiến binh Thái Khắc Ba (61 tuổi) - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5 còn nhớ rõ, trước trận đánh cũng là những ngày giáp Tết Âm lịch, cánh lính trẻ ngồi kể cho nhau nghe về gia đình, về những lần đón Tết ở quê, còn mường tượng ra không biết cái Tết đầu tiên ở mặt trận thế nào.

Ông thấy trung đội trưởng Ninh lúi húi khắc gì đó lên báng súng, rồi lấy kem đánh răng bôi lên. Dòng chữ màu trắng đục: "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử" nổi lên rất rõ ràng. Chàng trai người Mường vỗ vỗ báng súng, tin tưởng: "Quân địch dù đông, nhưng đất của ta, ta quyết tâm giữ". Ông Ba biết việc khắc chữ lên báng súng là vi phạm, nhưng không nói gì. 

Trận đánh giữ vững điểm E5 của cao điểm 685 diễn ra trong thế giằng co ác liệt, bắt đầu từ ngày 12/1/1985. Đến ngày 18/1, cả đại đội chỉ còn chưa đầy 20 người chiến đấu với một tiểu đoàn quân Trung Quốc.

Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh bị thương đến 3 lần. Hai lần đầu, anh bị thương vào tay trái, rồi vào bụng, nhưng vẫn không rời trận địa. Anh đi thu nhặt súng, đạn và động viên, cổ vũ mọi người đánh tiếp. Ban đêm, tranh thủ ngừng bắn, anh em chăm sóc vết thương cho nhau. Anh Ninh bị thương nặng, cười yếu ớt, bảo vẫn còn sức ném lựu đạn cho trận đánh ngày hôm sau.

Sáng 18/1, nhiều loại pháo của địch bắn ác liệt. Lần này, anh Ninh bị thương ở chân, nhưng vẫn chỉ huy đồng đội chiến đấu, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Đại đội trưởng Thái Khắc Ba sốt ruột, bảo anh lên cáng cứu thương để anh em đưa về tuyến sau, nhưng anh không chịu. Đến cuối ngày, anh Nguyễn Viết Ninh bị thương vào đầu rồi hy sinh. 

"9 chữ trên báng súng của Nguyễn Viết Ninh đã trở thành lời thề trong tâm khảm của chúng tôi suốt thời kỳ ấy. Ai cũng đau đáu một điều phải giữ đất, không cho kẻ địch tràn xuống Hà Giang", ông Ba xúc động cho biết.

Ngày 29/8/1985, liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau 30 năm nằm lại cùng đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang), hài cốt anh được gia đình đưa về an táng tại quê nhà, xã Minh Hòa (Yên Lập, Phú Thọ).

Người gọi pháo bắn mình

Trong quá trình chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, nhiều lần những người lính ở đây phải gọi pháo bắn trùm lên trận địa để giữ chốt như anh hùng Lê Xuân Mãn. Chỉ có một người duy nhất bị thương và còn sống, đó là chiến sĩ Công Đức Cường. Anh Cường hiện 54 tuổi, là thương binh 4/4, sống tại Phú Thượng (Hà Nội).

img

Anh Công Đức Cường - chiến sĩ thông tin đã gọi pháo bắn để bảo vệ trận địa E5. (Ảnh: Gia Tưởng)

Anh Cường vẫn nhớ như in lần lên chốt là gần Tết sang năm 1985. Anh là lính thông tin đi phối thuộc đơn vị khác gồm 12 người lên thay giữa chốt điểm cao 685. Vừa mới lên đã bị quân Trung Quốc tấn công dữ dội. Sau hơn 2 ngày đánh trả quân, mọi người đều hy sinh gần hết, mà địch vẫn tiếp tực tấn công. Lúc đó, anh nghĩ, mình mà bỏ chạy thì điểm chốt sẽ mất. Muốn lấy lại sẽ tốn xương máu của không biết bao nhiêu người khác. Anh đã ôm máy điện đàm hữu tuyến, quan sát, cứ địch bò lên đến đâu, anh lại gọi pháo binh của ta bắn vào tọa độ đó. Đang đà tấn công hòng chiếm chốt của ta, quân địch bị pháo binh ta chặn đứng thương vong như ngả rạ, chúng cũng điên cuồng bắn pháo lên trận địa. 

Anh Cường nhớ lại: "Không thể đếm được có bao nhiêu quả pháo, tôi chỉ thấy tai mình ù đặc, đất đá ào ào, rồi ngất đi. Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy mình ở trong hang, bị thương ở đầu, vẫn ôm khẩu AK và mấy trái lựu đạn. Khi đó, tôi không biết ngày đêm là gì? Chỉ khi nghe tiếng gọi: "Cường ơi" của đồng đội lên tiếp ứng mới biết mình còn sống. Hôm đó là ngày 28 Tết, phía Trung Quốc cũng bắn truyền đơn, hai bên nghỉ, không giao chiến để ăn Tết".

Trở lại với đời thường, anh Cường đã lấy một cô thợ may cùng làng, sinh 2 con và mua 1 chiếc xe ba gác để kiếm sống qua ngày. Trong đợt kỷ niệm 35 ngày giỗ trận, gia đình anh Cường đã cùng trở lại Hà Giang tri ân các đồng đội. Đứng giữa nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, không ngăn được sự xúc động của mình, chị Hải (em gái anh Cường) tâm sự: "Nếu không lên tới đây, tôi không thể hiểu hết được sự khốc liệt của chiến tranh mà anh tôi và hàng nghìn người khác đã phải trải qua".

Đã có quá nhiều người ngã xuống để bảo vệ mảnh đất biên cương phía Bắc. Điều xót xa là nhiều người tới giờ vẫn chưa xác định được danh tính. Nhiều gia đình còn đau đáu khi chưa biết người thân, con em mình nằm lại ở nơi đâu trên biên cương rừng núi Vị Xuyên này.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem