Giải mã “thần dược”
Có nhiều lời đồn thổi quanh tác dụng của cây mật nhân, khi tiếp xúc với cánh mày râu của địa phương này, chúng tôi nhận được những câu khuyến khích như: Loại này uống vào thì sung lắm giống như uống thuốc Viagara, là loại thảo dược ông uống, bà khen…
|
Một cây mật nhân vừa được đào lên. |
Tuy vậy, khi tra trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” do Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi biên soạn được Nhà xuất bản Y học phát hành năm 2003, trang 412 ông viết:
“Như tên gọi của cây, đây là vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh (bách là trăm). Vỏ dùng để chữa bệnh ăn uống không tiêu, đau mỏi lưng. Quả dùng chữa lỵ, tại Campuchia, người ta dùng để chữa ngộ độc và say rượu, trị gan.
Vỏ phơi khô tán bột, ngâm rượu hay làm thành viên uống, ngày uống 4-6 gram. Lá dùng chữa ghẻ, lở ngứa”. Như vậy, tài liệu này không nói gì đến tác dụng tăng cảm hứng trong chuyện chăn gối của cây mật nhân.
Nhiều thông tin trên Internet cũng nói: Cây bách bệnh hay còn gọi là cây mật nhân, tiếng Lào là thô than, an to gung sar (tiếng Campuchia), tên khoa học là EUY Coma thuộc họ Thanh thất, cây gỗ mềm, mọc thẳng đứng, chiều cao 2 - 3m, rẻ một, vỏ và thân màu vàng ngà, cành lá kép hình lông chim, có lông ở mặt dưới lá; cây được phân bố ở vùng núi miền Trung, Malaysia, Indonesia; tất cả các bộ phận của cây đều dùng để chữa được bệnh.
Một số bệnh mà cây này có thể chữa được như: Rối loạn tiêu hóa, đau lưng, đau xương khớp, viêm gan do virus, tiểu đường, suy giảm sinh lý nam giới, muộn con, ngăn ngừa khối u, phòng lão hóa…
Phương pháp chế biến và liều dùng: Lá và vỏ phơi khô, tán thành bột, làm viên bằng hạt đậu xanh, ngày uống 4 - 6 gram chia làm 2 lần, nấu nước uống hoặc ngâm rượu (liều lượng 200 gram ngâm với 1 lít rượu, ngâm trong 7 ngày).
Quả thật, khi đem máy tính ra kiểm tra tại chỗ, vào www.google.com gõ cây bách bệnh hay cây bá bệnh thì chỉ mấy giây đã cho ra 4.480.000 kết quả về cây này. Tuy nhiên, gần như chỉ là thông tin truyền nhau chứ tuyệt nhiên không thấy cơ quan chuyên môn nào lên tiếng về tác dụng cũng như cách dùng loại cây này.
Coi chừng tiền mất tật mang
Nghe đồn thổi là cây bách bệnh này khi ngâm rượu vào thì “ông uống, bà khen”, anh Nguyễn Thiện Sỹ (33 tuổi, ở phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã đi mua một bình rượu ngâm loại cây này để về sử dụng với giá 1 triệu đồng.
Theo anh Sỹ, anh đã cưới vợ được vài năm nay, nhưng vợ chưa có thai. Biết mình hơi yếu khoản “vợ chồng” nên anh mua loại thần dược này uống thử. Sử dụng bình rượu này hơn một tháng rồi nhưng anh Sỹ cũng chưa thấy “khá” lên mấy. Đôi lúc đi làm về mệt, đói mà uống một chén thì lả hết cả người, bủn rủn chân tay không làm gì được nữa.
“Có hôm tôi uống rượu ngâm cây mật nhân này hơi nhiều cũng mệt chứ không được khỏe như thiên hạ đồn. Sau khi không thấy linh nghiệm thì tôi đã bỏ ở góc nhà không uống nữa, phí cả tiền mà chả thấy ích lợi gì” – anh Sỹ chia sẻ.
Một số người dân ở đây còn đồn rằng: Có mấy người bao năm không sinh được con, khi dùng loại thần dược này sau một thời gian là sinh con ngay. Khi hỏi họ có cơ sở về uống rượu ngâm cây mật nhân thì giúp sinh con không thì họ chỉ lắc đầu và nói nghe người khác kể thế chứ có tận mắt chứng kiến đâu.
Ông Nguyễn Lương Nho (ở thị xã Hồng Lĩnh) thì có vẻ hồ nghi với tác dụng của cây mật nhân: “Ở đây, họ cứ ầm ầm đi lấy cây mật nhân để bán, mua về ngâm rượu để uống. Tôi thì không tin vào loại cây này là thần dược giúp đàn ông về khoản chăn gối. Nhiều người bảo tôi mua nhưng tôi quả quyết không mua vì biết đâu tiền mất tật mang”.
“Ngoài tác dụng chữa một số bệnh thông thường thì chưa có nghiên cứu nào cho thấy cây mật nhân chữa được gan hay có tác dụng kích thích trong chuyện chăn gối”.
Ông Dương Đăng Hiền
Ông Dương Đăng Hiền - Giám đốc Bệnh viện Đông y Hà Tĩnh trao đổi với phóng viên NTNN:
“Có thể khẳng định đây là cây thuốc quý của Việt Nam nhưng hiện bệnh viện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về tác dụng của cây, trong danh mục những cây thuốc dùng để chữa bệnh cho bệnh nhân thì bệnh viện cũng chưa đưa cây này vào làm thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân. Đây là loại cây dùng nhiều ở Lào, cây này ngâm rượu thì có rượu có màu xanh giống như mật, vị đắng, tính hàn.
Như vậy, có thể khẳng định rằng đây là một loại thuốc quý dùng chữa được nhiều bệnh, nhưng không thể khẳng định là có tác dụng trong chuyện kích dục. Tuy nhiên, hiện loại cây này đang được khai thác một cách tràn lan chưa có biện pháp bảo tồn dễ dẫn đến tuyệt chủng.
Thắng Quang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.