Viện kiểm sát: Trịnh Văn Quyết khắc phục 200 tỷ đồng là không đáng kể so với hậu quả đặc biệt lớn

Nguyễn Hòa - Xuân Ân Thứ sáu, ngày 26/07/2024 15:15 PM (GMT+7)
Cựu Chủ tịch FLC cho rằng số cổ phần của mình nếu bán đi sẽ thừa để khắc phục 4.300 tỷ đồng thiệt hại nhưng viện kiểm sát chỉ ghi nhận Trịnh Văn Quyết đã nộp tiền mặt hơn 200 tỷ đồng và cho rằng con số này “không đáng kể”.
Bình luận 0

Chiều 26/7, tại TAND TP.Hà Nội, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố nêu quan điểm xử lý, đưa mức án đề nghị với Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC và 49 đồng phạm về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Thao túng thị trường chứng khoán".

Viện kiểm sát: Trịnh Văn Quyết khắc phục 200 tỷ đồng là không đáng kể so với hậu quả đặc biệt lớn- Ảnh 1.

Đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án FLC.

Kiểm sát viên cho rằng, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư hiệu quả của người dân đồng thời là nơi huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong vụ án này, các bị cáo làm "ảnh hưởng niềm tin của hàng trăm nghìn nhà đầu tư trong và ngoài nước".

Trịnh Văn Quyết cùng một số đồng phạm là những người am hiểu thị trường chứng khoán nhưng quyết định, chỉ đạo các bị cáo khác làm sai quy định, lợi dụng sàn chứng khoán để thu lợi bất chính.

Một số bị cáo trong vụ còn là người am hiểu sâu lĩnh vực tài chính, chứng khoán nhưng tạo kẽ hở cho nhóm Trịnh Văn Quyết lách luật, phạm tội trong lĩnh vực này. Hành vi của các bị cáo trong vụ làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước; gây bức xúc trong nhân dân; làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư…

Hậu quả vụ án khiến nhiều nhà đầu tư mất 684 tỷ đồng ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán và hơn 3.600 tỷ đồng ở hành vi lừa đảo. Kiểm sát viên do vậy đề nghị tòa xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu, chủ mưu, có vai trò chính. Ở hành vi thao túng, cần áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần.

Phía công tố cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ gồm khai báo thành khẩn, năn năn hối cải; có thái độ tích cực khắc phục hậu quả. Riêng với Trịnh Văn Quyết, vị này và các luật sư của mình được đánh giá luôn tìm cách bồi thường thiệt hại.

Tại các ngày làm việc trước, ông Quyết khai đã bán hãng Bamboo Airways giá 700 tỷ đồng để khắc phục hậu quả nhưng bị nợ 500 tỷ. Vì này đề nghị tòa tạo điều kiện cho bán 30% cổ phần tại "tập đoàn tỷ USD" FLC để trả cho bị hại. Dù vậy, kiểm sát viên cho rằng đến nay chỉ có thể ghi nhận bị cáo đã nộp hơn 200 tỷ đồng tiền mặt, con số này quá khiêm tốn so với 4.300 tỷ đồng cần khắc phục.

Kiểm sát viên do vậy đề nghị phạt Trịnh Văn Quyết án từ 24 – 26 năm tù cho 2 tội danh. Hai em gái ông, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị đề nghị từ 17 – 19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga từ 10 – 12 năm tù. Về dân sự, ông Quyết phải có trách nhiệm chính trong việc bồi thường.

Viện kiểm sát: Trịnh Văn Quyết khắc phục 200 tỷ đồng là không đáng kể so với hậu quả đặc biệt lớn- Ảnh 2.

Trịnh Văn Quyết bị đề nghị án tổng hợp từ 24 - 26 năm tù.

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán  với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Em gái ông Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh…

Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC, giúp các bị cáo thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng. Do hành vi thao túng cổ phiếu AMD, thu lợi bất chính 39 tỷ đồng xảy ra năm 2017, trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực nên cơ quan tố tụng không xử lý. Vì vậy, ông Quyết và đồng phạm bị cáo buộc thu lời bất chính hơn 684 tỷ đồng khi thao túng các mã HAI, GAB, FLC, ART.

Cáo buộc thứ 2 nhắm vào Trịnh Văn Quyết, viện kiểm sát cho rằng vị này còn nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FCL Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư.

Cụ thể, Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 – 2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống cho doanh nghiệp này từ lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem