"Viên ngọc quý" Đông Triều lặng lẽ rời HAGL, về quê thi đấu
"Viên ngọc quý" Đông Triều lặng lẽ rời HAGL, về quê thi đấu
PV
Thứ ba, ngày 03/01/2023 19:10 PM (GMT+7)
Từng được đánh giá là "Viên ngọc quý" của HAGL, thế nhưng sự nghiệp của Trần Hữu Đông Triều không thể bứt lên được vì những chấn thương liên miên. Mới đây, anh đã rời phố Núi theo dạng hết hợp đồng và quyết định trở về quê nhà khoác áo CLB Quảng Nam.
Đầu mùa giải 2022, HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hải Phòng gạch tên Trần Hữu Đông Triều khỏi kế hoạch nhân sự cho mùa 2022. Ở tuổi 26, lẽ ra phải là đẹp nhất sự nghiệp, Đông Triều thất nghiệp và buộc phải trở lại HAGL để tiếp tục mãi đũng quần trên ghế dự bị.
Lên chuyên cùng HAGL từ năm 2015, cựu tuyển thủ U19 Việt Nam mới có 56 trận đá chính cho đội bóng phố Núi, tức trung bình chưa đến 10 trận mỗi mùa. Năm 2018, Đông Triều bị đẩy sang B.Bình Dương theo dạng cho mượn, chơi chưa đầy 500 phút trong 2 năm.
Năm 2021, Đông Triều trở lại HAGL, nhưng không được đăng ký dù chỉ một trận. Tới lượt về, anh gia nhập Hải Phòng, chưa kịp chơi cho đội mới trận nào vì V.League hủy. Bước vào giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải 2023, bầu Đức và HLV Kiatisak thay máu HAGL, Đông Triều tất nhiên không nằm trong kế hoạch. Và thế là, ở đúng thời điểm kết thúc hợp đồng với đội chủ sân Pleiku, anh trở thành cầu thủ tự do.
Theo nguồn tin từ Dân Việt, Đông Triều đã quyết định trở về quê nhà để khoác áo CLB Quảng Nam thi đấu tại giải Hạng Nhất Quốc gia. Nhiều NHM hy vọng, ở môi trường mà tính cạnh tranh không cao bằng V.League, trung vệ 27 tuổi này sẽ có nhiều cơ hội đá chính, từ đó tìm lại phong độ tốt nhất của mình...
Vậy lý do gì đã khiến một cầu thủ từng thành công cùng U19 Việt Nam lại xuống dốc, bị các đội bóng tại V.League ngoảnh mặt, dù anh mới bước qua tuổi 27 - độ tuổi đẹp nhất của đời cầu thủ?
Hạn chế của Đông Triều và HAGL
Muốn hiểu rõ câu chuyện của Đông Triều, chúng ta phải trở về điểm xuất phát của anh là lò đào tạo HAGL JMG.Triết lý đào tạo của HAGL JMG không phân biệt vị trí ở tuổi thiếu niên. Các cầu thủ phải thử và cần chơi ở mọi vị trí. Tới năm đào tạo thứ 5, những cầu thủ trẻ xuất sắc mới bắt đầu được đi giày, được làm quen chiến thuật sân 11.
Đông Triều bởi thế không phải là trung vệ như hiểu biết ngày nay của chúng ta. Ở lò HAGL JMG, Đông Triều từng là tiền vệ trung tâm, cũng giống như Công Phượng ở tuổi thiếu thời. Trong vai trò ấy, Đông Triều không thiếu năng lực.
Năm 2012, Đông Triều cùng Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường là 4 cầu thủ HAGL được tập huấn cùng đội một Arsenal do đích thân HLV Arsene Wenger dẫn dắt. Bốn người họ từng được ca ngợi như là tương lai của bóng đá Việt Nam, có vị trí không thể tranh cãi ở HAGL JMG và U19 Việt Nam, tập thể mà họ là nòng cốt khi đó.
Nhưng đội bóng không thể chỉ có toàn tiền vệ. Đông Triều không nhanh, đột biến như Công Phượng ở hàng tiền đạo, không toàn diện và xuất sắc bằng Xuân Trường, Tuấn Anh ở tuyến tiền vệ. Bởi vậy, anh về đá trung vệ và đóng khung trong vai trò ấy cả ở tuyển U19 và HAGL sau này.
Trong cơn sốt U19 năm đó, khi người hâm mộ còn ngất ngây với thứ bóng đá kiểm soát, một trung vệ kỹ thuật, biết phát động như Đông Triều là điều gì đó thật thời thượng. Nhưng đó là sự thời thượng không hợp lý.
Những va chạm đầu tiên với các đội trẻ Nhật Bản, Tottenham, Roma và các đội tuyển mạnh trong khu vực sớm bộc lộ rõ hạn chế của U19 Việt Nam dưới thời HLV Guillaume Graechen.
Khi nhận ra kỹ thuật từ HAGL là không đủ, thầy “Giôm” buộc phải bổ sung thêm chất thép từ các lò đào tạo. Và rất nhanh thôi, Đông Triều đánh mất vị trí. Trong giải đấu quan trọng nhất của lứa trẻ ấy là U19 châu Á 2014, cặp trung vệ "không HAGL" Bùi Tiến Dũng - Lục Xuân Hưng là những người đá chính. Cũng chính Bùi Tiến Dũng là người được HAGL đưa về đá trung vệ sau đó vài tháng trong mùa giải V.League đầu tiên.
Đông Triều bỗng trở thành người thừa. So với những trung vệ thực thụ như Bùi Tiến Dũng, Xuân Hưng, Đông Triều có quá ít lợi thế cạnh tranh. Hạn chế đào tạo của HAGL khiến họ không thể sản sinh bất kỳ một trung vệ xuất sắc nào. Điều đó vẫn đúng cho tới ngày hôm nay khi tất cả cầu thủ HAGL trên tuyển, kể cả những hậu vệ biên, đều chỉ nổi tiếng với khả năng tấn công.
Đông Triều từng kể vớiZing: "Tôi chưa quên những ngày tháng phải đá trung vệ hồi ấy. Tôi nổi tiếng là nhờ đá vị trí ấy ở U19 Việt Nam. Nhưng đó là đội U19 còn đây là V.League. Tôi chỉ cao 1,7 m, đá trung vệ khiến tôi gặp nhiều khó khăn trước các tiền đạo to cao. Không phải tôi sợ, không phải tôi không chơi được, chỉ là làm sao tôi đá được khi các tiền đạo đối phương đều cao to hơn hẳn?".
Hạn chế của Đông Triều cũng là hạn chế của lò HAGL JMG. Trong đội hình HAGL đứng đầu V.League mùa giải 2021, cả 3 trung vệ đều không trưởng thành từ lò đào tạo trẻ. Triết lý JMG không ưu tiên cho vị trí này, do đó không sản sinh ra những cầu thủ xuất sắc. Đông Triều được dạy để trở thành tiền vệ, nhưng anh phải thi đấu ở vai trò trung vệ.
Không còn chỗ cho Đông Triều ở HAGL
Nhập nhằng về vị trí khiến Đông Triều loay hoay ở HAGL suốt bao năm qua. Anh không cạnh tranh được với Tuấn Anh, Xuân Trường hay cả Minh Vương, Triệu Việt Hưng ở hàng tiền vệ. Anh càng không có cơ hội với các ngoại binh hay những trung vệ thực thụ ở hàng thủ.
Triều có trình độ, nhưng không đủ tốt cho cả hai phòng tuyến ấy. Anh vẫn được vào sân, nhưng chủ yếu trong vai trò dự bị và không thể phát triển thêm được. Trong nhóm 4 cầu thủ HAGL tập huấn ở Arsenal, sự nghiệp của Đông Triều tiến triển chậm nhất.
Khi những lứa trẻ phía sau dần gia nhập đội một, cuộc cạnh tranh tại HAGL ngày càng ngột ngạt hơn. HLV Kiatisuk hiện có 3 tiền vệ, tuyển thủ chất lượng là Xuân Trường, Tuấn Anh và Trần Minh Vương ở giữa sân. Nhân sự của HAGL ở vị trí này dồi dào tới nỗi họ sẵn sàng đẩy Việt Hưng, Châu Ngọc Quang tới Hải Phòng. Trước đó, họ cũng chia tay Lương Hoàng Nam, bán đứt Lê Phạm Thành Long cho CLB Thanh Hóa.
Về phần Triều, anh thực ra đã không còn cơ hội sau V.League 2018. Mùa 2019 và 2020, Đông Triều chơi cho Bình Dương. Mùa 2021, Triều về Gia Lai nhưng không được đăng ký dù chỉ một trận. Đầu năm 2022, anh bị CLB Hải Phòng từ chối và lại trở về HAGL lần nữa và tiếp tục "mài đũng quần" trên ghế dự bị.
Ảnh hưởng sau chấn thương và thể lực đi xuống khiến Đông Triều không cạnh tranh được một vị trí tại HAGL. Và như một lẽ tất yếu, anh lặng lẽ rời phố Núi giống như những đồng đội thân thiết một thời như Phan Thanh Hậu, Lê Đức Lương, Hoàng Thanh Tùng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.