Viễn thông di động năm 2023: Trông chờ vào dịch vụ số

Thứ sáu, ngày 20/01/2023 13:03 PM (GMT+7)
Năm 2023 cũng như nhiều năm về sau, “nồi cơm” chính, truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông là dịch vụ gọi và tin nhắn SMS sẽ ngày càng nhỏ dần. Vấn đề đặt ra là các nhà mạng phải có sự chuyển hướng và các giải pháp để làm chậm đà suy giảm này...
Bình luận 0

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, ước tính doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021. Ngành viễn thông nộp ngân sách ước đạt 48.000 tỷ đồng năm 2022, đạt kế hoạch đề ra và tăng 9,8% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của ngành viễn thông năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021. Năm 2022, đóng góp của ngành viễn thông vào GDP ước đạt 76.452 tỷ đồng. Nhưng trong bức tranh tổng quan trên, kết quả kinh doanh của số đông “những người chơi chính” lại không đạt kế hoạch đặt ra cho dù một số mảng kinh doanh mới đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

VÌ ĐÂU KHÔNG ĐẠT KẾ HOẠCH?

Tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết kết quả kinh doanh năm 2022 đã không đạt như kế hoạch đặt ra. Cụ thể, mục tiêu nhà mạng này đặt ra cho công ty mẹ là 31.366 tỷ đồng, chỉ tăng xấp xỉ 4,5% so với thực hiện năm 2021 và kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm hơn 440 tỷ đồng, xuống còn 4.310 tỷ đồng, nhưng hết năm, doanh thu của công ty mẹ chỉ đạt 28.329 tỷ đồng (tương đương 90% kế hoạch), trong khi lãi trước thuế của công ty đạt 2.713 tỷ đồng, xấp xỉ 63% kế hoạch và giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết năm 2022, một số mảng kinh doanh mới (so với dịch vụ truyền thống) có mức tăng trưởng rất khả quan, thậm chí khá cao, như nhóm dịch vụ hạ tầng số tăng 57%, giáo dục số tăng 74%, quản trị doanh nghiệp tăng 68%; dịch vụ 5G đã được VNPT mở rộng thử nghiệm thương mại tại nhiều tỉnh/thành phố, dung lượng kết nối Internet quốc tế tăng 20%; doanh thu dịch vụ băng rộng duy trì mức tăng trưởng 6% trong năm 2022, giữ vững thị phần vị trí số 1; dịch vụ truyền hình trả tiền có tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt trên 20%. Tuy vậy, tổng doanh thu năm 2022 của tập đoàn này chỉ đạt 55.209 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và 97,5% kế hoạch.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) - doanh nghiệp viễn thông, công nghệ lớn nhất cả nước - cho biết doanh thu hợp nhất năm qua đạt 163,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%. Mức tăng trưởng này đem lại cho Viettel lợi nhuận trước thuế lên tới 43,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, cho rằng các doanh nghiệp ICT đã, đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh về data và dịch vụ số, tuy nhiên doanh thu đối với các dịch vụ truyền thống (gọi và SMS) đang giảm dần và thị trường viễn thông chứng kiến sự cạnh tranh về giá gần như không kiểm soát giữa các doanh nghiệp.

Viễn thông di động năm 2023: Trông chờ vào dịch vụ số - Ảnh 1.

Đối với thị trường dịch vụ công nghệ thông tin, theo ông Liêm, với sự tham gia đa dạng của các loại hình doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh về công nghệ, tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ linh hoạt, cơ động, nên thị trường này cũng cạnh tranh khốc liệt.

Tổng giám đốc MobiFone Tô Mạnh Cường cho biết hầu hết doanh nghiệp đều đặt mục tiêu một cách thận trọng năm 2022 khi đưa ra các dự báo khó khăn cho nền kinh tế sau dịch. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong năm qua đã vượt mọi dự báo trước đó của các chuyên gia cũng như tổ chức tài chính hàng đầu thế giới (như diễn biến xung đột giữa Nga - Ukraine; giá nguyên vật liệu, giá dầu tăng đột biến; lạm phát và lãi suất tăng ở hầu hết các thị trường hay chính sách Zero Covid nghiêm ngặt tại Trung Quốc...), khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.

Đại diện nhiều nhà mạng cho rằng nguyên nhân chính khiến doanh thu hay kế hoạch đặt ra của các nhà mạng không đạt mục tiêu là thị trường viễn thông truyền thống đã đến độ bão hòa. Các mạng chỉ giữ nguyên được doanh số của dịch vụ truyền thống năm sau như năm trước đã là khó rồi. Dịch vụ dữ liệu (data) tăng rất mạnh nhưng do giá rất rẻ nên cũng không bù đắp được phần sụt giảm của “nồi cơm chính”, do vậy ảnh hưởng đến kế hoạch chung của doanh nghiệp. Các dịch vụ số, IoT, công nghệ thông tin dù có tăng khá nhưng tỷ trọng vẫn còn rất thấp nên không hỗ trợ được nhiều trong “miếng bánh” doanh thu của doanh nghiệp.

Ngoài những lý do trên, một lãnh đạo của một nhà mạng lớn còn lý giải việc doanh thu trong năm qua giảm còn bởi quy định, chính sách ghi nhận doanh thu thực tế từ thẻ cào – phần doanh thu chính của di động. Tức những năm trước đây, thẻ cào của nhà mạng khi được đưa lên kênh bán lẻ là được hoạch toán vào doanh thu thực tế, còn hiện nay chỉ khi nào thẻ được sử dụng (khách hàng mua thẻ nạp vào điện thoại và sử dụng) thì phần sử dụng này mới được tính vào doanh thu cụ thể từng tháng từng quý nên cũng khiến doanh thu chung của viễn thông di động bị giảm khá mạnh.

TRÔNG CHỜ VÀO DỊCH VỤ SỐ

Chia sẻ quan điểm với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone), cho rằng gỡ khó cho thị trường viễn thông di động hiện nay là một bài toán tổng thể, từ việc tạo môi trường cho dịch vụ số phát triển mạnh hơn, như game, dịch vụ truyền hình… Đồng thời các doanh nghiệp phải phát triển nhanh thị trường IoT vì IoT là thị trường rất lớn nhưng không riêng nhà mạng có thể phát triển độc lập được mà cả cộng đồng, ví như doanh nghiệp điện lực, nước phải chuyển đổi rất nhanh, hay camera an ninh… những mảng miếng này sẽ tạo ra dư địa, không gian mới cho thị trường di động.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03 phát hành ngày 26-01-2023.

Viễn thông di động năm 2023: Trông chờ vào dịch vụ số - Ảnh 2.

Thủy Diệu (Theo vneconomy)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem