Viện trưởng Viện kiểm sát quận nói gì về tọa đàm viết hoa hay không viết hoa sau dấu (:)
Tọa đàm viết hoa hay không viết hoa sau dấu (:) nhằm thống nhất tránh tùy nghi trong văn bản ngành kiểm sát
Đình Thiên
Thứ năm, ngày 05/10/2023 19:02 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của ông Lê Văn Khương - Viện trưởng Viện KSND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) khi trao đổi với PV Dân Việt về mục đích buổi tọa đàm có đề tài "Viết hoa hay không viết hoa sau dấu (:)" vào chiều nay (5/10).
Sau khi buổi tọa đàm do Viện kiểm sát nhân dân (KSND) quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức về việc viết hoa hay không viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất sau dấu hai chấm (:), dư luận đã có nhiều thông tin trái chiều.
Để làm rõ hơn về sự việc này, chiều nay (5/10), PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Khương - Viện trưởng Viện KSND quận Thanh Khê.
Theo ông Khương, hàng năm Viện KSND thành phố nói riêng và ngành Kiểm sát nói chung đều giao Kiểm sát viên và lao động trong ngành có các đề tài sáng kiến. Năm 2023, Viện KSND quận Thanh Khê có 3 đề tài sáng kiến.
"Tại buổi tọa đàm vừa diễn ra, có 2 đề tài sáng kiến được đưa ra thảo luận gồm đề tài "Viết hoa hay không viết hoa sau dấu 2 chấm (:)" và đề tài "Những khó khăn vướng mắc trong quá trình định giá tài sản trong tố tụng"", ông Khương nói.
Việc đề tài viết hoa hay không viết hoa được đưa ra tọa đàm bởi trong quá trình nghiên cứu và soạn thảo văn bản, Viện KSND quận Thanh Khê nhận thấy có sự không thống nhất trong quy định về việc viết hoa hay không viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất sau dấu hai chấm (:) giữa quyết định 393 quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trong ngành kiểm sát nhân dân ngày 1/7/2016 của Viện KSND Tối cao và nghị định 30 về công tác văn thư do Chính phủ ban hành ngày 5/3/2020. Đồng thời, tại Quy định số 4148 của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 27/9/2019 cũng quy định phải viết hoa chữ cái đầu âm tiết sau dấu hai chấm (:).
Viện KSND Quận Thanh Khê cho biết, qua nghiên cứu, thảo luận có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất: Sau dấu hai chấm (:) người viết có thể tự lựa chọn cách viết hoa hay thường theo nhu cầu và từng trường hợp cụ thể phù hợp phục lục 2 ban hành kèm theo nghị định 30. Quan điểm thứ hai: Để thống nhất trong trình bày văn bản trong ngành kiểm sát thì sau dấu hai chấm nên viết hoa chữ cái đầu âm tiết theo quyết định 393.
Qua 9 tham luận tại buổi tọa đàm đều thống nhất chọn quan điểm hai: Sau dấu hai chấm người viết nên viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất nhằm thể hiện nét đẹp trong trình bày văn bản, sự trân trọng giải thích cụm từ trước dấu hai chấm, giúp hình thức trình bày văn bản đẹp hơn, thuận mắt hơn và mang tính thống nhất cao dễ thực hiện tránh tùy nghi.
Tại buổi tọa đàm, Viện KSND quận Thanh Khê đề nghị tọa đàm thống nhất nội dung để đề xuất Viện KSND TP. Đà Nẵng có văn bản đề nghị Viện KSND Tối cao ban hành kiến nghị đề nghị Chính Phủ thay đổi Nghị định Nghị định 30/2020/NĐ-CPngày 5/3/2020 để thể hiện sự thống nhất, phù hợp với các quy định của Đảng.
Đồng thời đề nghị, Viện KSND Tối cao cần điều chỉnh, thay đổi Quyết định 393/QĐ-VKSTC ngày 01/7/2016 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quy định cụ thể, chi tiết hơn việc soạn thảo và trình bày văn bản trong ngành Kiểm sát nhân dân tránh trường hợp áp dụng pháp luật tùy nghi, không thống nhất trong việc ban hành các văn bản của ngành.
"Các đề tài đưa ra tại buổi tọa đàm nhằm đóng góp ý kiến vào việc thực hiện công vụ của các đơn vị được chuẩn xác hơn, có giá trị pháp lý cao, góp phần đảm bảo cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của đơn vị đạt hiệu quả tốt hơn...", ông Lê Văn Khương khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.