Việt Nam đủ sức xuất khẩu 7 triệu tấn gạo

Thứ sáu, ngày 12/11/2010 16:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Càng về cuối năm, các thông tin về xuất khẩu gạo đã liên tục được đưa ra với sản lượng khác nhau. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia uy tín, với đà như hiện nay, VN hoàn toàn có thể xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo.
Bình luận 0
img
Bốc xếp gạo xuất khẩu ở Cần Thơ. Ảnh: Quang Nhật

Đủ gạo cho tiêu dùng trong nước

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong tháng 10-2010, xuất khẩu gạo đạt 444.215 tấn, trị giá 191,985 triệu USD. Như vậy, lũy kế xuất khẩu gạo trong 10 tháng đầu năm đạt 5,837 triệu tấn, trị giá 2,471 tỷ USD.

Các chuyên gia ngành hàng lúa gạo dự báo, do hạn chế về nguồn cung, nên gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng thêm từ 20-30 USD/ tấn trong thời gian tới. Giá gạo toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 11, khi các nước nhập khẩu bắt đầu quay trở lại để tìm kiếm thị trường gạo cho năm sau. Hiện, gạo Thái Lan được xuất với giá 500 USD/tấn, gạo Việt Nam đạt 475 USD/tấn (gạo phẩm chất cao).

VFA cho biết, tính đến thời điểm này, hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký đạt mức 7 triệu tấn, trong đó, các hợp đồng ký về thời điểm cuối năm được giá cao. Nếu không có thay đổi, việc xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm sẽ là mức kỷ lục kể từ khi Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu gạo đến nay.

Hiện, các tỉnh thành ĐBSCL thu hoạch vụ hè thu cơ bản đã xong. Giá lúa thường ở ĐBSCL dao động 5.550-5.700 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.700 - 5.950 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 9.000-9.200 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.650- 8.800 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.200- 8.400 đồng/kg tùy chất lượng và xuất xứ địa phương. Mức giá này được nhận định là cao nhất kể từ đầu năm tới nay.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, năm 2010, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn chồng chất vì hạn hán nghiêm trọng, sâu bệnh tấn công. Cụ thể, các tỉnh miền Bắc trong năm 2010 đã bị thiệt hại 300.000 tấn lúa. Nhưng thay vào đó, khoảng giữa năm 2010, khi nhu cầu lúa gạo trên thị trường thế giới có dấu hiệu tăng mạnh, nông dân các tỉnh ĐBSCL đã mở rộng diện tích, tăng sản lượng lên 1,3 triệu tấn so với năm 2009.

Tổng sản lượng lương thực năm 2010 ước đạt 39,9 triệu tấn, vượt năm 2009 là 1 triệu tấn. “Bởi vậy, lượng gạo dành cho xuất khẩu trong năm ở mức 6,5-7 triệu tấn là hoàn toàn đảm bảo về nguồn cung, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước” - ông Ngọc nhấn mạnh. Ngoài ra, tại các tỉnh ĐBSCL, sản xuất lúa gạo đã mang tính hàng hóa, bởi vậy, tháng nào cũng có lúa thu hoạch gối nhau.

Nhu cầu gạo thế giới tăng

Theo ông Ngọc, về cuối năm, nhu cầu gạo trên thế giới tăng rất mạnh, bởi vậy, các nhà ký kết hợp đồng xuất khẩu cần chớp thời cơ để ký những hợp đồng giá cao, mang lại lợi ích cho người nông dân trồng lúa. Về cuối năm, hạn hán, thiên tai liên tiếp đã khiến nhiều nước tăng nhu cầu nhập khẩu gạo.

Lũ lụt tại Thái Lan và Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua đã tàn phá nặng nề các cánh đồng. Đặc biệt, Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới được dự báo sản lượng lương thực sẽ bị sụt giảm 20%, tổng sản lượng cả năm, chỉ còn 20 triệu tấn, so với mức 23,3 triệu tấn năm 2009. Siêu bão Megi vào hồi cuối tháng 10 đổ bộ vào Philippines ước tính gây thiệt hại khoảng 500.000 tấn gạo. Động đất, sóng thần ở Indonesia cũng gây thiệt hại không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của nước này.

Gạo xuất khẩu Việt Nam vào hồi đầu tháng 10 cũng đã được VFA điều chỉnh tăng giá sàn xuất khẩu lên mức 445 USD/tấn. Khi nguồn cung trong nước được đảm bảo, nhu cầu thị trường có xu hướng tăng, các chuyên gia nhận định, điều quan trọng là sự điều tiết linh hoạt, nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để ký được những hợp đồng giá cao cho những tháng đầu năm 2011.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong nước và thế giới cũng đưa ra cảnh báo, về việc giá gạo hoàn toàn có thể giảm trở lại vào những tháng đầu năm 2011

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem