Việt Nam, Hà Lan ký kết 18 thỏa thuận thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững khu vực ĐBSCL
Việt Nam, Hà Lan ký kết 18 thỏa thuận thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững khu vực ĐBSCL
Thiên Hương
Thứ năm, ngày 21/03/2024 15:10 PM (GMT+7)
Sáng nay 21/3, tại TPHCM đã diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Các doanh nghiệp hai nước đã ký kết 18 thỏa thuận thuộc nhiều lĩnh vực, với mục tiêu phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tham dự diễn đàn sáng nay có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng; lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL; đại diện các bộ ngành Việt Nam.
Về phía Hà Lan, có bà Christianne van der Wal - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên và Chất lượng Thực phẩm; ông Mark Harbes, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước; Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar cùng 140 thành viên của phái đoàn doanh nghiệp đến từ Hà Lan và nhiều doanh nghiệp đối tác Việt Nam.
Diễn đàn bắt đầu bằng việc ký kết 18 thỏa thuận giữa doanh nghiệp 2 nước thuộc nhiều lĩnh vực, với mục tiêu phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tại đây, các doanh nghiệp đã tham gia thảo luận nhóm về 3 chủ đề liên quan trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ĐBSCL: Tìm giải pháp ngọt hóa trước thực trạng xâm nhập mặn; Hợp tác kỹ thuật số; Kết nối vùng đồng bằng.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam: Chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng các loại trái cây của cả nước; đóng góp đến 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, đây là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu.
Trong những năm gần đây, xâm nhập mặn vào vùng ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phần lớn diện tích trong vùng, gây thiệt hại nặng nề cho hàng triệu ha đất canh tác và sinh kế của hàng ngàn hộ gia đình.
Đứng trước các cơ hội và thách thức đan xen, Thứ trưởng Nam cho biết Bộ NNPTNT đã thống nhất quan điểm chỉ đạo, cùng với các địa phương, các đối tác phát triển tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đó là: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển thuận thiên, bền vững, an toàn, trên cơ sở phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, phát triển các sản phẩm chủ lực, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả trong liên kết vùng và thích ứng với việc xâm nhập mặn/biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu của chuỗi sản xuất, đảm bảo đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến đào tạo, tập huấn, nâng cao hiệu quả và giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Phát triển các trung tâm logistic, trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, dịch vụ tiêu thụ nông sản của cả vùng và cả nước. Thúc đẩy số hóa/chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp từ đất, nước, giống tới các ngành liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Xây dựng nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, đảm bảo giảm phát thải như cam kết của Việt Nam tại COP26/28 để sớm đưa Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải 0% vào năm 2050.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, mô hình phát triển nông nghiệp của Hà Lan rất phù hợp với Việt Nam trong điều kiện đất chật, người đông và chịu nhiều sức ép từ biến đổi khí hậu.
"Do đó, chúng tôi hi vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ Hà Lan và chung tay đồng hành từ các doanh nghiệp đầu tư của cả 2 nước để cùng khai thác các thế mạnh của vùng ĐBSCL, hướng đến xây dựng nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững, đa giá trị và xứng đáng không những là trung tâm nông nghiệp quan trọng hàng đầu của Việt Nam mà còn là điểm kết nối với Hà Lan cho EU và châu Á" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan khu vực ĐBSCL là một phần trong chuỗi các hoạt động của Đoàn hợp tác kinh tế, thương mại từ Hà Lan gồm 70 công ty và tổ chức đến Việt Nam. Các lĩnh vực trọng tâm của đoàn là công nghệ về nước và quản lý nước, nông nghiệp thực phẩm canh tác, logistics xanh và thông minh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.