Việt Nam là đối tác then chốt trong chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU
Việt Nam là đối tác then chốt trong chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU
V.N
Thứ ba, ngày 28/05/2024 19:09 PM (GMT+7)
Quan chức EU sẽ gặp lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo các bộ ngành để thảo luận về thúc đẩy hợp tác trong chiến lược "Cửa ngõ Toàn cầu" của EU về chuyển đổi năng lượng xanh, sạch ở Việt Nam. Bà cũng lưu ý hai bên cần đảm bảo thời hạn ký kết các hợp đồng vay vốn để triển khai dự án.
Bà Myriam Ferran – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác Quốc tế của Ủy ban châu Âu về chính sách phát triển quốc tế đang ở thăm Việt Nam và sẽ có các chuyến đi thực địa để đánh giá việc hợp tác giữa EU và Việt Nam trong việc triển khai chiến lược "Cửa ngõ Toàn cầu" (Global Gateway) của EU.
Chiến lược "Cửa ngõ toàn cầu" của EU tạo điều kiện cho đầu tư để xử lý thách thức toàn cầu trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, ứng phó với BĐKH, chuyển đổi số, giao thông bền vững, xây dựng nguồn nhân lực trong giáo dục, y tế; và trong quá trình chuyển đổi đó phải đảm bảo tính công bằng và mang lại lợi ích cho mọi người dân.
Trong khuôn khổ chiến lược này, EU và các đối tác G7 đang hỗ trợ triển khai Dự án Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JEPT) để Việt Nam thực hiện mục tiêu net zero và chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng.
Gặp gỡ báo chí Việt Nam hôm nay 28/5 tại Hà Nội, bà Ferran cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng, then chốt của EU trong khu vực để thực hiện chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu.
Tháng 10/2023, hai bên đã ký thỏa thuận cấp vốn tương đương 500 triệu euro thông qua các đối tác là ngân hàng AFD của Pháp, KfW của Đức cùng các định chế tài chính của các quốc gia thành viên để đảm bảo cấp vốn thực hiện JETP và các nội dung hợp tác khác của EU với Việt Nam.
Một dự án tiêu biểu giữa hai bên trong triển khai JETP là Nhà máy thủy điện Bác Ái công suất 1,2 gigawatt ở Ninh Thuận.
"Chúng tôi muốn coi đây là dẫn chứng về đóng góp cụ thể mà EU cùng với các thành viên và định chế tài chính tạo ra để thực hiện JETP tại Việt Nam" – bà Ferran cho biết. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, bà sẽ tới thăm dự án Thủy điện Bác Ái. "Hợp tác với Ninh Thuận là minh chứng EU có thể đóng góp như thế nào trên cơ chế quốc gia của Việt Nam. Chhúng tôi mong có thể các dự án khác ở cấp quốc gia.
Ngoài ra, trong thỏa thuận cấp vốn nói trên, Đức hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nghề, hỗ trợ các thế hệ tương lai trong các kỹ năng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh Dự án đào tạo nghề có vốn tài trợ 54 triệu euro, thực hiện tại 30 địa phương, hợp tác với Bộ LĐTBXH để triển khai. Bên cạnh đó, là dự án do Pháp cấp vốn để nâng cao khả năng thích ứng và chống chọi tốt trong biến đổi khí hậu.
Nhận xét Việt Nam là đối tác quan trọng của EU trong Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu, bà Ferran nói: "Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh, nếu không nói là nhanh nhất thế giới. Do đó nhu cầu năng lượng tăng nhanh tương ứng, phát thải trên đầu người gia tăng nhanh chóng" – bà Myriam nói. "Hai bên có lợi ích chung là thúc đẩy lợi ích cho tất cả người dân trong tăng trưởng nhưng cũng hạn chế phát thải. EU
luôn hợp tác với các bộ ngành của Việt Nam khi triển khai chiến lược để phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam".
Bà Ferran lưu ý, trong việc triển khai chiến lược, các bước về thủ tục hành chính và kỹ thuật cần được đáp ứng. Phái đoàn EU tại Hà Nội đang thảo luận với Việt Nam để ký kết các hợp đồng tài chính, trong đó 2 hợp đồng cần được ký trước cuối năm nay, 2 hợp đồng trước cuối năm 2025, nếu không kịp sẽ mất nguồn vốn tài trợ. "Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội và các cơ quan liên quan, làm sao đặt được mốc thời gian để ký kết các hiệp định tài chính này và mang lại lợi ích cho người dân".
Trong một góc nhìn rộng hơn về quan hệ EU – ASEAN, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại ASEAN Sujiro Seam khẳng định: Việt Nam có những đóng góp cụ thể cho quan hệ EU – ASEAN. Trong vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ các nguyên tắc pháp quyền, trật tự dựa trên luật lệ bao gồm cả Hiến chương LHQ. Trong hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, Việt Nam là một trong 2 quốc gia ASEAN có FTA với EU. Kim ngạch thương mại 300 tỉ USD giữa EU và ASEAN đến từ nhiều doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam và dựa trên câu chuyện FTA được triển khai thành công giữa EU với Việt Nam và Singapore.
"Tôi mong Việt Nam có thể kể câu chuyện thành công của mình với EU, trong đó có việc triển khai thành công chiến lược Cửa ngõ toàn cầu với Việt Nam" – Đại sứ Seam nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.