Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Việt Nam là nước duy nhất có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước lớn

Lương Kết- Xuân Huy (thực hiện) Thứ tư, ngày 13/09/2023 07:17 AM (GMT+7)
"Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có mối quan hệ cao nhất với 3 nước là Trung Quốc, Nga, Mỹ. Điều đó thể hiện chính sách ngoại giao của Việt Nam độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa là đúng đắn", Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói với Dân Việt.
Bình luận 0

Đánh giá về những kết quả đạt được giữa 2 nước Việt Nam – Mỹ, sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, PV Dân Việt có trao đổi với ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Việt Nam là nước duy nhất có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước lớn - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh TTXVN

Thưa Đại sứ, 10 năm trước giữa Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2013), trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo hai nước đã tuyên bố thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện, nâng lên 2 bậc, ông có đánh giá gì?

- Với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo 2 nước đã quyết định nâng quan hệ giữa 2 quốc gia lên tầm cao mới đó là Đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Tôi nghĩ là bước phát triển lớn, logic trong quan hệ giữa 2 quốc gia Việt Nam – Mỹ kể từ khi chúng ta bình thường hóa quan hệ, rồi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa 2 quốc gia. Đây là bước phát triển lớn về chất, tuy nhiên, cũng là bước phát triển logic.

Khi 2 quốc gia thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện, điều này có ý nghĩa như nào thưa ông?

- Với Việt Nam khi thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với quốc gia nào đó thì trong đối ngoại được xếp ở mức cao nhất. Chúng ta thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với một số nước khác như với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và nay là với Mỹ. Đây là những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong chính sách đối ngoại và trong chính sách kinh tế giữa Việt Nam với các nước. Việc thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ là rất xứng tầm, lãnh đạo nước ta cũng nhiều lần khẳng định Mỹ là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Việt Nam là nước duy nhất có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước lớn - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp và hội kiến với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/9. Ảnh TTXVN

Việt Nam là quốc gia có vị trí địa chiến lược rất quan trọng trong khu vực châu Á –Thái Bình Dương, việc chúng ta thiết lập Đối tác chiến lược với nhiều nước lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, nay là Mỹ, điều này không chỉ là cơ hội để phát triển đất nước mà điều quan trọng nữa là góp phần vào gìn giữ hòa bình, ổn định, cùng phát triển trong khu vực, thưa ông?

- Việt Nam là nước khá đặc biệt. Hiện nay chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia, các cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, đặc biệt với cả 5 nước trong Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó với 3 nước Trung Quốc, Nga, Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện. Có lẽ, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có mối quan hệ cao nhất với 3 nước là Trung Quốc, Nga, Mỹ. Điều đó càng thể hiện chính sách ngoại giao của Việt Nam độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa là đúng đắn. Các nước cũng tôn trọng chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ của Việt Nam. Bằng chứng là họ cũng mong muốn tăng cường hơn nữa, phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Việt Nam là nước duy nhất có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước lớn - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/9. Ảnh Q.V

Tôi rất chú ý khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, ông có nhắc tới vai trò rất quan trọng của nước ta trong khu vực và trên thế giới. Trở lại với kết quả đạt được trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, với tên gọi Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển, tôi nghĩ rằng nó đã bao hàm ý nghĩa lớn, không chỉ là quan hệ song phương giữa 2 nước. Từ hệ song phương này, đối tác chiến lược toàn diện này với mục tiêu là hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững không có nghĩa chỉ cho Việt Nam và Mỹ mà bao hàm ý nghĩa cho cả khu vực và trên thế giới. Quan hệ này sẽ đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của Việt Nam – Mỹ, của khu vực và của cả thế giới.

Trong Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, ông thấy ấn tượng với những điểm nhấn nào?

- Điểm nhấn thứ nhất là nâng cấp quan hệ, tên gọi của mối quan hệ là quan trọng nhất và bản thân điều đó đã nói lên tất cả. Việt Nam và Mỹ xác lập Đối tác chiến lược toàn diện, với mục tiêu phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển của cả 2 nước và cả thế giới.

Thứ hai, trong nội dung hợp tác cụ thể giữa 2 quốc gia, có việc tái khẳng định lại các nguyên tắc mà được đánh giá là nền tảng trong quan hệ giữa 2 nước. Đó là nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Nội dung hợp tác lần này nhấn mạnh trên cơ sở những nội dung hợp tác đã được 2 bên xác định khi chúng ta thiết lập Đối tác toàn diện cách đây 10 năm, nhưng nội dung hợp tác rất cụ thể, ở tầm cao mới. Tôi nói đơn cử như hợp tác về chính trị, 2 nước đã bàn đến việc nâng cấp các đối thoại chính trị từ cấp Thứ trưởng ngoại giao, lên đối thoại thường niên giữa Bộ trưởng ngoại giao 2 nước.

Về kinh tế, điểm nhấn lần này rất rõ là việc nhấn mạnh hợp tác thương mại đầu tư sẽ là then chốt, là động lực cho quan hệ 2 nước nói chung.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Việt Nam là nước duy nhất có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước lớn - Ảnh 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh QH

Tiếp nữa, những hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, thì nêu lên những vấn đề rất cụ thể như vấn đề 2 nước cố gắng phấn đấu để trao đổi, bàn bạc, để mở cửa thị trường hàng hóa của nhau, tháo dỡ những rào cản thương mại. Lần này Mỹ cũng có những cam kết khẩn trương xem xét đề nghị của Việt Nam là Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường giữa Việt Nam (theo luật của Mỹ). Nếu điều này được thực hiện sẽ là bước tiến rất lớn trong quan hệ 2 nước về kinh tế, thương mại việc đầu tư hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam khi vào Mỹ sẽ bớt rào cản thương mại hơn.

Đặc biệt điểm nhấn nữa là lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, trong đó có những cam kết cụ thể của Mỹ với Việt Nam trong vấn đề sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, hỗ trợ chúng ta sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Đây là những cam kết rất cụ thể, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam tham gia, đặc biệt Mỹ muốn Việt Nam tham gia với vai trò quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là cơ sở để đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số sẽ là đột phá mới trong quan hệ 2 nước thời gian tới. Tôi muốn nhấn mạnh kinh tế số và chuyển đổi số và sự hợp tác 2 nước trong lĩnh vực này. Khi đó, có việc Việt Nam sẽ tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có việc tạo hệ sinh thái, nơi cung ứng chất bán dẫn.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Việt Nam là nước duy nhất có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước lớn - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Ảnh Đ.P

Cách đây gần 80 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, mong muốn có quan hệ hợp tác đầy đủ với Mỹ, nhưng diễn biến lịch sử và phải trải qua thời gian rất dài đến nay hai nước Việt Nam – Mỹ đã bước vào chương mới của giai đoạn lịch sử mới, ông nghĩ sao?

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất là quan tâm với việc phát triển quan hệ với Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ 9/1945-2/1946, trong khoảng 6 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có khoảng 10 bức thư gửi cho Tổng thống Mỹ cũng như Ngoại trưởng Mỹ lúc đó, để đề nghị Mỹ công nhận nền độc lập của Việt Nam, đồng thời bày tỏ Việt Nam mong muốn có quan hệ hợp tác đầy đủ với Mỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những đề nghị rất cụ thể về hợp tác kinh tế, giáo dục, về văn hóa…Ví dụ, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngày 1/11/1945 cho Ngoại trưởng Mỹ, trong đó nêu bày tỏ mong muốn cử 50 thanh niên trí thức Việt Nam sang để học tập, trao đổi văn hóa, trao đổi giáo dục với phía Mỹ. Tiếc rằng những đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó không được chính quyền Mỹ lúc đó quan tâm và đáp ứng. Nếu chính quyền Mỹ lúc đó quan tâm đề nghị này, có lẽ lịch sử 2 nước đã khác đi rất nhiều.

Lần này chính phía Mỹ chủ động nâng cấp quan hệ với Việt Nam, điều đó thể hiện thế và lực của Việt Nam ngày nay đã khác trước rất nhiều, điều đó thể hiện vị thế, vai trò, tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Xin cảm ơn ông (!)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem