Việt Nam - Nhật Bản có triển vọng lớn về hợp tác tam nông

Thu Hà Thứ năm, ngày 06/09/2018 08:51 AM (GMT+7)
Trong 2 ngày 6 - 7.9, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức “Hội thảo kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn”. Phóng viên Báo NTNN đã phỏng vấn đồng chí Thào Xuân Sùng (ảnh) - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN về những nội dung của hội thảo.
Bình luận 0

- Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của “Hội thảo tập huấn kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn” do T.Ư Hội NDVN chủ trì tổ chức lần này?

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề luôn được quan tâm ở tất cả các quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, Nhật Bản là nước có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, diện tích nhỏ, dân số lớn, nhưng đã phát triển thành công. Từ một nước kiệt quệ sau chiến tranh đã trở thành nước có nền kinh tế xếp thứ 3 thế giới.

Nền nông nghiệp Nhật Bản đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn lại đặt ra những vấn đề mới, phức tạp nhưng đã được Chính phủ Nhật Bản giải quyết khá thành công. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, những vấn đề đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện nay cũng là những vấn đề Nhật Bản đã giải quyết thành công trong quá khứ và hiện tại.

Nhận thức rõ điều này, trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, tôi cùng các thành viên đoàn công tác T.Ư Hội NDVN đã thảo luận với các đối tác Nhật Bản về việc tổ chức “Hội thảo kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn” tại Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn cung cấp cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Hội NDVN, các bộ, ban, ngành liên quan những thông tin, kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; định hướng các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trong thời gian tới; thực trạng và những định hướng lớn về phát triển tam nông tại Việt Nam; vai trò của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Kết quả hội thảo sẽ là cơ sở đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách, cũng như các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội NDVN trong thời gian tới.

img

  Chủ tịch Thào Xuân Sùng (giữa) tìm hiểu kỹ thuật nhân giống trong phòng bảo ôn và ánh sáng nhân tạo tại mô hình công nghệ cao của Công ty Sunfarmers (Nhật Bản), tháng 4.2018.  ảnh: Nguyễn Xuân Định

- Được biết, hồi tháng 4.2018, đoàn công tác T.Ư Hội NDVN do Chủ tịch dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Ông có thể chia sẻ một số thu nhận sau chuyến đi?

Tại Nhật Bản, đoàn đã thăm, làm việc với Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản, Viện Nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm quốc gia; Viện Kỹ nghệ nông thôn; Viện Rau hoa và làm vườn; Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản; thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao và gặp gỡ nông dân tỉnh Shizuoka…

Đoàn đã tập trung tìm hiểu tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển, các bài học kinh nghiệm... Đoàn cũng được tìm hiểu các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực…

Ngay từ giai đoạn đầu phát triển nông nghiệp, Nhật Bản đã quan tâm cử chuyên gia, nông dân đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở các nước có nền nông nghiệp phát triển. Các trưởng thôn, trưởng làng hầu hết đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học, do dân bầu lên và phần lớn họ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Đáng chú ý, Nhật Bản đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu, phát triển, đẩy nhanh việc chuyển giao, ứng dụng về giống, sản phẩm, công nghệ mới. Nhật Bản tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất để tăng cường cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa nông nghiệp…

Nhật Bản cũng có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất hướng tới xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài sau đó đưa sản phẩm về nước hoặc xuất sang nước thứ ba. Điều khác biệt, doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp phải hợp tác với một tổ chức nông dân để thành lập công ty nhằm tránh tình trạng công ty bỏ nông nghiệp khi kinh doanh khó khăn. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều được giao cho doanh nghiệp xây dựng...

- Về hình thức tập hợp nông dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả cũng như hình thức tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, nông thôn của Nhật Bản có gì đáng chú ý, thưa ông?

Tại Nhật Bản, hầu hết nông dân tham gia hợp tác xã (HTX). Về vấn đề tiêu thụ nông sản, hàng hóa nông nghiệp, Nhật Bản đều tập trung đầu tư phát triển các chợ bán buôn, chợ đấu giá nông sản để rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Các chợ bán buôn, chợ đấu giá do doanh nghiệp nhà nước đứng ra quản lý. Chất lượng sản phẩm được kiểm soát nghiêm ngặt ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nông dân được tư vấn, hỗ trợ các thông tin về giá cả thị trường, phương án sản xuất kinh doanh miễn phí; được hỗ trợ 90% kinh phí để ghi hình, quảng bá sản phẩm của mình…

- Theo đánh giá của ông, Việt Nam và Nhật Bản có thể học tập, hợp tác như thế nào trong lĩnh vực tam nông?

Những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Với sự giúp đỡ và hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản, năm 2017 nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển quan trọng. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD, nông sản Việt Nam xuất sang hơn 100 nước trong đó có Nhật Bản. Nhưng nhìn chung, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam còn thấp.

Nhật Bản có 51 triệu hộ, trong đó có 1,9 triệu hộ nông dân với bình quân diện tích đất lúa 1,5ha/người. Nhật Bản đang gặp khó khăn về lao động nông nghiệp nên có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động dồi dào, đất sản xuất lúa có tới 3,8 triệu ha. Nhật Bản và Việt Nam có thể bổ sung cho nhau về vấn đề này.

Nhật Bản có vốn, có công nghệ, Việt Nam có đất đai, lao động, nên hợp tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giữa Việt Nam và Nhật Bản rất có triển vọng và tất yếu. Hội thảo lần này với gần 400 đại biểu tham dự là lãnh đạo Hội NDVN, các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, nông dân Việt Nam và đại diện Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chắc chắn sẽ đem lại kết quả hợp tác tốt đẹp, lâu dài...

Xin cảm ơn Chủ tịch! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem