Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an LHQ đã tạo giá trị và uy tín lâu dài

Mỹ Hằng Thứ ba, ngày 18/01/2022 08:00 AM (GMT+7)
Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an LHQ đã thúc đẩy sự tin cậy của cộng đồng quốc tế và các đối tác, từ đó xuất nhập khẩu, đầu tư vào Việt Nam đều tăng trong bối cảnh Covide-19, và Việt Nam duy trì được môi trường hoà bình ổn định để phát triển giữa xung đột lợi ích của các quốc gia.
Bình luận 0

 Định vị Việt Nam

Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021 đã tạo ra những dấu ấn riêng biệt – Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết tại cuộc họp báo quốc tế chiều 17/1.

Bộ trưởng nêu lên những dấu ấn Việt Nam tại HĐBA, trong đó điều ông tâm đắc nhất là việc thể hiện rõ nét bản sắc riêng Việt Nam khi tham gia HĐBA: "Đó là là sự định vị Việt Nam trong các cuộc thảo luận, tạo giá trị và uy tín lâu dài cho Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu, không chỉ giới hạn trong 2 nhiệm kỳ tham gia HĐBA 2008 – 2009 và 2020 - 2021. Bản sắc đó thể hiện trong logo ngay từ đầu Việt Nam tham gia HĐBA nhiệm kỳ 2: Đối tác vì một nền hoà bình bền vững".

Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an LHQ đã tạo giá trị và uy tín lâu dài - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Các giải pháp Việt Nam tiếp cận đều dựa trên luật pháp quốc tế, đặt người dân vào sinh kế. Ảnh: TTXVN.

Về tổng thể sự tham gia của Việt Nam  truyền tải thông điệp Việt Nam đổi mới, năng động, nhân ái, nhân văn, yêu chuộng hoà bình, sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng quốc tế.

Về tầm nhìn: Việt Nam đề cao cách tiếp cận toàn diện trong các vấn đề. Các giải pháp Việt Nam tiếp cận đều dựa trên luật pháp quốc tế, đặt người dân vào sinh kế, lấy người dân làm trung tâm, chú trọng mọi khâu của hoà bình, từ ngăn ngừa xung đột, giải quyết xung đột, giả quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột.

Về cách làm, Việt Nam luôn hướng tới đối thoại, giảm đối đầu. Trong bối cảnh căng thẳng những năm qua,Việt Nam tham gia mọi vấn đề với tinh thần tích cực, chú trọng quan điểm của các nước liên quan, đặc biệt liên quan trực tiếp, luôn lắng nghe tìm điểm đồng, giải quyết thoả đáng lợi ích của các nước liên quan.

Tham vấn các thành viên HĐBA và đối tác xung đột

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh xung đột lợi ích các nước và đại dịch Covid-19, sự khác biệt giữa thành viên, đặc biệt các nước uỷ viên thường trực HĐBA gây ra thách thức không nhỏ trong việc tìm kiếm đồng thuận.

Trước những thách thức đó, cách tiếp cận của Việt Nam là nhất quán: Luôn xuất phát từ lợi ích chung, dựa trên nền tảng cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc - tôn trọng toàn vẹn độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, không can thiệp nội bộ, không sử dụng vũ lực, luôn đề cao bảo vệ thường dân, đề cao các vấn đề nhân đạo.

Việt Nam coi trọng cách tiếp cận cân bằng, có tham vấn các thành viên HĐBA và các đối tác xung đột, chú ý nghe ý kiến thành viên HĐBA và các nước liên quan trực tiếp, trong đó có các tổ chức khu vực, từ đó thúc đẩy đối thoại, thu hẹp khác biệt, hướng tới điểm đồng, dù là điểm đồng nhỏ nhất cũng phải thúc đẩy để đề xuất giải pháp thích đáng với sự quan tâm của quốc tế, thúc đẩy quan tâm chung.

Bộ trưởng lấy ví dụ khi HĐBA thảo luận về Myanmar, Việt Nam nhấn mạnh việc tôn trọng độc lập chủ quyền, kêu gọi chấm dứt vũ lực vì lợi ích chung của người dân Myanmar. Việt Nam là cầu nối trao đổi giữa LHQ với tổ chức khu vực là ASEAN - tổ chức có vai trò trung tâm, tạo điều kiện để HĐBA hiểu tình hình và quan tâm chung của các nước khu vực, qua đó thúc đẩy đồng thuận về Myanmar.

Lòng tin của cộng đồng quốc tế và đối tác

Tại HĐBA, Việt Nam đã tham gia xử lý các vấn đề thách thức chung, tạo sự ủng hộ tin cậy của bạn bè quốc tế cũng sự tin cậy từ góc độ song phương, từ các nước đối tác. Một trong những kết quả cụ thể là năm 2021 mặc dù rất khó khăn khi thế giới đối phó với Covid-19, tăng trưởng thương mại của Việt Nam vẫn đạt gần 20%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 680 tỉ USD. Trong quý 3 tình hình rất khó khăn, nhất là các tỉnh trọng điểm phía nam, nhưng nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng hơn 10% so với năm ngoái.

Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an LHQ đã tạo giá trị và uy tín lâu dài - Ảnh 2.

Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý tại một phiên họp của HĐBA. Ảnh: TTXVN.

"Ở đây có sự gắn bó hữu cơ tác động qua lại, khi Việt Nam được tin cậy, bạn bè quốc tế ủng hộ cũng tạo ra sự tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài" – Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

"Lớn hơn là sự tham gia của Việt Nam vào việc đóng góp cho hoà bình an ninh quốc tế, trực tiếp góp phần tạo dựng môi trường hoà bình an ninh ổn định ở Việt Nam, là cơ sở quyết định để các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam".

Nâng tầm đối ngoại đa phương

Bộ trưởng cho biết, dự định sắp tới của Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng, đồng thời nâng tầm đối ngoại đa phương, tính đến kế hoạch tham gia đóng góp hơn nữa vào hoạt động chung vào duy trìn hoà bình ổn định thịnh vượng của thế giới, cũng là của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam sẽ thúc đẩy các nghị quyết, sáng kiến mà Việt Nam đã đề xuất: Hậu quả bom mìn, phụ nữ với hoà bình và an ninh, sự hiện diện của ASEAN tại LHQ và HĐBA, cũng như vấn đề bao trùm là tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

"Một trong những dấu ấn mà Việt Nam thúc đẩy là sự gắn kết của HĐBA với các tổ chức khu vực trong đó có ASEAN, tạo ra cơ chế để 2 bên trao đổi ngay cả khi Việt Nam, hoặc thành viên khác của ASEAN là thành viên HĐBA hoặc khi không thành viên ASEAN nào tham gia HĐBA thì vẫn có cơ chế để hai bên tương tác thảo luận" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.

Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy Nhóm bạn bè của Công ước Luật Biển mà các nước rất ủng hộ - hiện nhóm này đã có hơn 100 thành viên.

Việt Nam thúc đẩy việc kỷ niệm ngày Dịch bệnh Quốc tế 27/12 mà Việt Nam đã đề xuất, vì dịch Covid-19 còn kéo dài, sau đó có thể còn dịch bệnh khác khác, chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết một thách thức lớn.

Việt Nam sẽ thúc đẩy cam kết giải quyết biến đổi khí hậu, đặc biệt tại COP26 Thủ tướng Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2031. Cách đây vài ngày ban chỉ đạo thực hiện cam kết này bắt đầu hoạt động. Việt nam mong muốn bạn bè các nước hỗ trợ cả về tri thức, vốn, công nghệ.

Việt Nam còn tăng cường tham gia đóng góp gìn giữ hoà bình LHQ. Với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã nâng cao khả năng tham gia gìn giữ hoà bình, trước mắt cử đại đội công binh đến Abyei, biên giới giữa Sudan và Nam Sudan

Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào diễn đàn khác, trong đó ứng cử vào các cơ quan khác của LHQ: Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023- 25, Uỷ ban ranh giới thềm lục địa nhiệm kỳ 2023- 2028, Uỷ ban pháp lý về đáy đại dương…

Việt Nam cũng tich cực tham gia các vấn đề an ninh phi truyền thông, như an ninh biển, an ninh mạng, trong đó Việt Nam đã đưa ra các thông điệp cụ thể: Những vấn đề an ninh toàn cầu thì phải có sự hợp tác toàn cầu, chung tay cùng giải quyết, với phương châm chủ động, tích cực, có trách nhiệm tham gia các vấn đề chung của thế giới.

"Chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành nhiệm kỳ Uỷ viên Không thường trực HĐBA LHQ. Na Uy cũng là thành viên không thường trực vừa qua nên chúng tôi đã theo dõi và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Hai nước có chung những ưu tiên tại HĐBA: ngăn ngừa xung đột và bảo vệ an ninh, bảo vệ dân thường, biến đổi khí hậu… Tôi mong chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi các vấn đề này.

Rất thú vị khi Việt Nam đề xuất HĐBA có thể hợp tác với ASEAN và ASEAN có thể hợp tác với HĐBA. HĐBA có thể ủng hộ ASEAN theo cách tốt nhất để giải quyết những như vấn đề Myanmar. Một lần nữa xin chúc mừng Việt Nam" - Đại sứ Na Uy Grete Lochen.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem