Việt Nam trồng lúa giảm phát thải CO2e đầu tiên trên thế giới: Doanh nghiệp lớn đồng hành (Bài 3)
Việt Nam trồng lúa giảm phát thải CO2e đầu tiên trên thế giới: Có doanh nghiệp sẵn sàng tham gia làm 200.000ha (Bài 3)
Huỳnh Xây
Thứ sáu, ngày 21/04/2023 12:12 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp cho rằng, sẵn sàng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Bởi họ rất tâm đắc và tin tưởng rằng, Việt Nam trồng lúa giảm phát thải CO2e đầu tiên trên thế giới có thể làm thay đổi được diện mạo của ngành lúa gạo trong thời gian tới.
Doanh nghiệp rất tâm đắc, cho rằng phải làm cho bằng được
Liên quan đến Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) sắp triển khai, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) cho biết, thời gian qua, phần lớn các cuộc họp đóng góp ý kiến cho đề án đều có ông tham dự. Và công ty của ông sẵn sàng đăng ký tham gia theo lộ trình từ nay đến năm 2030 là 100.000ha.
Theo ông Bình, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL là đề án mà Việt Nam thực hiện đầu tiên trên thế giới và hơn nữa đây là ngành hàng tương đối lớn, rộng, nhiều và đông. Mấy chục năm qua, ngành hàng này liên tục đứng top đầu trên thế giới về sản lượng gạo, đóng góp rất quan trọng vào vấn đề an ninh lương thực của thế giới, chứ không đơn giản.
Ngoài ra, đề án nói trên ảnh hưởng đến hơn 1 triệu hộ dân làm nghề trồng lúa ở ĐBSCL nói riêng và người dân trồng lúa của cả nước nói chung, cùng các ngành nghề khác liên quan. Do đó, phải làm cho bằng được, không còn con đường nào khác.
Tổng giám đốc Công ty Trung An nhấn mạnh, hiện nay, giá trị lúa gạo ở Việt Nam chưa cao, tính bền vững chưa có. Chính vì thế, đề án này ông rất tâm đắc, mong nó có thể làm thay đổi được diện mạo ngành lúa gạo Việt Nam.
"Theo tôi, đề án này bao quát và hoàn thiện hơn cánh đồng mẫu lớn mà ĐBSCL triển khai trong nhiều năm qua. Sở dĩ mô hình cánh đồng mẫu lớn không phát triển được nữa, hiện chỉ còn vài doanh nghiệp làm vì không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, không có vốn để trả tiền lúa cho nông dân kịp thời lúc thu hoạch, không vận chuyển đi sấy kịp dẫn đến chất lượng hạt gạo không đảm bảo. Riêng doanh nghiệp tôi làm rất thành công trong 10 năm qua vì nguồn vốn luôn có sẵn" - ông Bình nói.
Ông Bình nói thêm, ở Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ĐBSCL, cần tránh "vết xe đổ" của cánh đồng mẫu lớn như ông đã nói ở trên bằng cách cho ngân hàng tham gia và có trách nhiệm trong việc cho các bên vay vốn. Ngoài ra, đề án cần đưa vào chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Bình nhiều lần cho rằng, trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ĐBSCL, vai trò của hợp tác xã (HTX) rất quan trọng, bởi trong liên kết sản xuất, doanh nghiệp chỉ có thể làm việc với HTX, chứ không thể làm riêng lẻ với nông dân. Do đó, cần tập trung ưu tiên hỗ trợ HTX phát triển.
"Vai trò HTX rất quan trọng, các nước tiên tiến người ta làm HTX rất mạnh. HTX yếu thì nâng cấp từ từ, nếu chỗ nào chưa có thì phát triển hợp tác sau đó thành lập lên HTX" - ông Bình nêu quan điểm.
Về phía nông dân, theo ông Bình, thời gian qua, nông dân đã được đào tạo tốt nên rất rành về quy trình canh tác sản xuất lúa, rất thuận lợi khi triển khai đề án.
Tránh rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi"
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) cũng rất mong muốn tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Theo ông, trong năm 2024, Tập đoàn Lộc Trời sẽ tham gia ở An Giang 100.000ha, ở Kiên Giang 100.00 ha. "Diện tích này nằm trong khả năng mà chúng tôi làm được trong năm 2024" - ông Thòn nói.
Theo ông Thòn, người dân ĐBSCL rất phấn khởi khi bởi khi Bộ NNPTNT triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vì cái người dân muốn làm được Nhà nước chính thức quy hoạch về pháp lý và có đầu tư. Từ đó, người dân sẽ nhận được nhiều lợi ích.
Với tư cách là doanh nghiệp tham gia thực hiện, Tập đoàn Lộc Trời mong muốn trong quá trình triển khai thực hiện đề án, các chính sách, chủ trương có cơ chế vận hành cùng các giải pháp cụ thể, chứ không rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi".
Ông Thòn dẫn chứng, thời gian qua đã có tình trạng, các ngân hàng có vốn luôn muốn cho vay, nhưng luôn luôn người đi vay không có khả năng tiếp cận vốn. Ông Thòn nhấn mạnh: "Cái này là do cơ chế, kiểm tra giám sát chưa được thường xuyên. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề rất lớn ngoài những yêu cầu mà đề án đưa ra".
Cùng nhận định với ông Bình của Công ty Trung An, về vấn đề HTX, theo ông Thòn, không có HTX thì chắc chắn sẽ không có những thay đổi gì lớn hơn so với thời gian vừa qua. Cụ thể, thời gian qua, chúng ta tổ chức sản xuất lớn, cho tới đưa khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng lúa gạo, xây dựng thương hiệu,...đều loay hoay ở chỗ doanh nghiệp không tổ chức được liên kết với HTX.
Ông Thòn chia sẻ: "Chúng ta nói nói HTX là mấu chốt, là mắc xích quan trọng để tổ chức đề án nhưng là bài toán giải khó nhất. Do đó, trong đề án, làm sao xây dựng được HTX. Liên quan đến vấn đề này, hệ thống chính trị các địa phương, cụ thể nhất là ở dưới ấp, xã phải mạnh, vào cuộc tổ chức HTX tốt".
Về vấn đề biến đổi khí hậu, người đứng đầu Tập đoàn Lộc Trời cũng cho là vấn đề rất quan trọng, cần đưa vào đề án. "Để đề án có hiệu quả, vấn đề cuối cùng là phải quyết tâm thực hiện, quyết tâm này với giải pháp cụ thể, với tầm nhìn hiện nay và khát vọng của chúng ta, tôi nghĩ rằng đề án thực hiện sớm hơn kế hoạch đề ra" - ông Thòn nói thêm.
Liên quan đến Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, Kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cho biết, đề án gắn với tăng trưởng xanh là cái mới. Đây là chủ trương rất phù hợp, tạo một vị thế mới cho Việt Nam trên thương trường quốc tế. Do đó, trong đề án, cần nhấn mạnh hơn việc áp dụng thành tựu về công nghệ sinh học trong sản xuất lúa. Theo ông Cua, hiện nay, gạo chất lượng cao Việt Nam đã chiếm tỷ lệ áp đảo trên thị trường. Đó là một thành tựu rất lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đề án tạo sự quan tâm của rất nhiều giới từ nông dân, HTX, doanh nghiệp đến các nhà khoa học, giới truyền thông, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, đề án cần có sự khác biệt so với các mô hình mà địa phương triển khai trong nhiều năm qua. Ông Thư cho rằng, đề án không có sự khác biệt, doanh nghiệp và những người tâm huyết sẽ không tham gia. "Quyết tâm thôi chưa đủ mà phải cụ thể hóa ra bằng những cơ chế, chính sách cụ thể và thực thi nó" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.