Đó là nhận định của TS Trần Đình Bá – một nhà khoa học từng nghiên cứu thực tế tại Đại học bách khoa Riga và Đại học Hàng không Riga (Liên Xô cũ) - nơi đào tạo hàng trăm tiến sỹ, chuyên gia hàng không cho Việt Nam.
“ Bé cái nhầm… sân bay” chuyện cứ như đùa!
Ngày 19.6 hãng hàng không giá rẻ Vietjet đã có một sự cố vận chuyển nhầm khách hi hữu nhất trong lịch sử ngành hàng không. Theo lịch trình, chuyến bay Hà Nội - Đà Lạt có số hiệu VJ8861 xuất phát từ sân bay Nội Bài và đến Đà Lạt trong chiều ngày 19.6. Tuy nhiên, toàn bộ gần 200 hành khách đi chuyến bay VJ8861 đã được bay thẳng đến sân bay Cam Ranh - Nha Trang. Quan điểm của ông như thế nào trước sự cố vừa xảy ra này của hãng bay Vietjet? Theo ông, tại sao lại xảy ra sự cố này?
TS Trần Đình Bá: Vấn đề trên là cực kỳ nghiêm trọng tầm quốc gia – quốc tế, về tính mạng con người trên máy bay và dưới mặt đất, đe dọa an ninh, xâm phạm nghiêm trọng Luật HKDDVN.
“Nhầm sân bay” thực tế là máy bay mất kiểm soát không lưu, bay tự do từ hướng bay - cao độ …đều “ ngẫu hứng lý qua cầu". Nếu khi va chạm với những vật thể bay khác thì thảm họa sẽ khôn lường cho cả hai phía, nếu hạ cánh bất ngờ không chuẩn bị kịp, nếu gặp thời tiết xấu đâm vào đâu đó sẽ là khôn lường. Khi đó sẽ thành thảm họa.
Sự việc trên phải được các cơ quan bảo vệ luật pháp, chuyên gia kỹ thuật hàng không, thanh tra GTVT phân tích thật kỹ, thậm chí phải xử lý theo pháp luật mà không phải là chuyện “hành khách nói đùa có bom”.
Đánh giá nhìn nhận vấn đề không phải bằng cảm tính chủ quan mà phải dựa vào Luật để phán xét công bằng.
Sự cố này VJA mất uy tín rất lớn về thương hiệu và còn mất cả chi phí bay – hạ cánh sai vị trí, phải mất thêm một chuyến bay nữa về Đà Lạt rất tốn kém và hãng còn phải bồi thường thiệt hại kinh tế cho hành khách .
Trước đó, ngày 1.5, có 50 hành khách của hãng hàng không VietJet Air từ Nha Trang đi TP HCM cũng suýt bị bay nhầm đến Hà Nội do bộ phận đón khách ra máy bay có sự nhầm lẫn giữa 2 chuyến bay từ Cam Ranh đi Hà Nội và TP HCM. Thưa ông, những sự cố hạ cánh nhầm sân bay như vậy, đây có được coi là sự cố hy hữu không? Ông đã từng chứng kiến sự cố nào xảy ra trước đây không?
TS Trần Đình Bá : Sự cố ngày 1.5 đưa nhầm 50 hành khách là lỗi nội bộ thuộc về nhân viên điều hành dịch vụ mặt đất của JVA, chỉ có thể gây thiệt hại về kinh tế mà chưa đến mức nghiêm trọng đe dọa an toàn tính mạng con người và đe dọa quốc phòng - an ninh nên không cần đưa vào so sánh .
Còn sự cố hạ cánh nhầm sân bay không thể gọi là hy hữu được vì nó là kết tinh của một chuỗi sai lầm từ cơ quan quản lý bay, điều hành không lưu cất hạ cánh, điều khiển hành trình bay.
Vietjet Air không nên đổ lỗi cho tự nhiên
|
VJA là một doanh nghiệp vận tải , hoạt động theo luật HK và luật DN. Theo luật HKDDVN 2006, VJA là doanh nghiệp khai thác tàu bay phải đáp ứng đủ điều kiện khai thác an toàn đối với loại tàu bay và loại hình khai thác quy định, có tổ chức bộ máy khai thác, phương thức điều hành và giám sát khai thác tàu bay phù hợp, nhân viên được đào tạo có giấy phép, chứng chỉ phù hợp, được huấn luyện nghiệp vụ, chương trình bảo dưỡng tàu bay phù hợp với tính chất và quy mô khai thác.
Có tàu bay, trang bị, thiết bị bảo đảm khai thác an toàn, có đầy đủ tài liệu hướng dẫn khai thác, được cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay và có nộp lệ phí hoạt động dưới sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về không lưu . Giả sử máy bay VJA có cố tình bay sai đường bay cũng không thể qua mặt nổi cơ quan không lưu .
Không thể đổ hết lỗi cho các doanh nghiệp hàng không
Trong khi xảy ra sự cố đưa hành khách đi nhầm chuyến như vậy mà đại diện hãng bay Vietjet lại lên tiếng cho rằng do thời tiết ở Đà Lạt xấu nên phải hạ cánh ở Nha Trang. Quan điểm của ông ra sao trước sự khước từ trách nhiệm này của hãng bay Vietjet? Theo ông, với những sự cố như vậy, Vietjet cần làm gì?
TS Trần Đình Bá: Sự cố 19.6 “phát lộ" mà hàng không xoa dịu công luận bằng các “lý gio to hơn lý trấu" song càng thanh minh càng mẫu thuẩn tích tụ như quả bóng "xì" ra dẫn đến cao trào mà công luận đều biết ngay giữa kỳ họp QH.
Thông tin ban đầu hạ cánh vì thời tiết làm công luận buồn cười, sau đó lại phải đính chính là VJA thay đổi kế hoạch bay nhưng điều phối viên không thông báo tới phi công, điều này lại càng buồn cười hơn vì chỉ huy bay không nắm để cho bay bừa.
Theo luật HKDDVN doanh nghiệp bay không có quyền điều hành cất hạ cánh tới mức “bé cái nhầm" sân bay to đùng giữa thanh thiên bạch nhật như thế. Máy bay của VJA dù ở dưới mặt đất hay trên trời đều chịu sự chỉ huy của người điều hành không lưu của cục HKVN.
Tại sao do thời tiết mà hành khách không biết mình đang được đưa đi đâu. Theo quan điểm của ông, sự cố này là lỗi do đâu, tại sao quy trình lại sai như vậy?
TS Trần Đình Bá: Đó là sự yếu kém của hàng không từ những năm 2005. Nhớ lại, máy bay 777 - 200 của VNA từ Hà Nội - Moscow ngày 12.7.2005 đã bị phía Nga coi là "xâm phạm không phận" do không đăng ký vào lịch trình tới mức Trung tâm điều hành không phận (PVO) của Nga đã đánh tín hiệu "Rezim" bắt máy bay dáp xuống sân bay gần nhất.
Theo đại diện quân sự của EC ORVD: "Trong trường hợp nếu thấy có khả năng xuất hiện nguy cơ khủng bố thì phía Nga có quyền sử dụng máy bay phản lực để giải quyết tình huống có thể vụ việc sẽ trở nên tồi tệ …như những gì đã diễn ra vào năm 1983 trên vùng biển Okhotsy".
Không chỉ có Vietjet mà đến hãng bay VNA thời gian gần đây cũng gặp không ít sự cố, trong thời gian tới, để đảm bảo uy tín cũng như tăng niềm tin của hành khách đối với hàng không, ông nghĩ VNA cũng như Vietjet cần phải làm gì để khắc phục, cũng như lấy lại hình ảnh của mình, thưa ông?
TS Trần Đình Bá: Nói chính xác không chỉ VNA, JVA mà còn có JPA và VASCO nữa chứ. Theo tổng kết trung thực của cục HKVN thì chỉ sáu tháng đầu năm 2012 đã xảy ra tới 500 vụ mất an toàn hàng không với những phi vụ nghiêm trọng, từ đó đến nay sự việc ngày càng nghiêm trọng hơn tôi xin miễn kể ra vì ai cũng biết .
Theo luật HKDDVN 2006, Cục HKVN là cơ quan “độc quyền cung cấp khai thác đường hàng không” thì phải có trách nhiệm trong điều hành không lưu . Hệ thống Kiểm soát không lưu ( air traffic control gọt tắt là ATC) chịu trách nhiệm chỉ huy tàu bay từ khi tàu bay nổ máy tại sân đỗ cho đến khi tàu bay hạ cánh, lăn vào vị trí đỗ.
Họ phải đảm bảo an toàn khi lưu thông, ngăn ngừa va chạm giữa các tàu bay, giữa các tàu bay với các chướng ngại vật trên khu hoạt động tại sân bay thì làm sao có chuyện nhầm sân bay do JVA được .
Xâu chuỗi các sự kiện ra lệnh hạ cánh nhầm đường băng, hạ cánh nhầm sân bay , máy bay suýt đâm nhau …các sự cố kỹ thuật khác, theo tôi nguyên nhân xẩy ra vụ việc này là do lỗi cả hệ thống quản lý.
Chuỗi sự cố nghiêm trọng phản ánh toàn bộ bức tranh yếu kém của cục HKVN trong quản lý an toàn bay và điều hành không lưu .
Sự bất lực dẫn đến thất bại thảm hại của Cục Đường sắt VN, Cục Hàng Hải đã cảnh báo trước và nay là Cục Hàng không VN đều có chung sai lầm thất bại vì mất khả năng quản lý. Đã đến lúc cần đại phẫu “ Bộ Hàng không" giống như Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đang làm với “Bộ đường sắt “để cứu lấy sự nghiệp Hàng không Việt Nam.
Cảm ơn ông đã có cuộc trao đổi này !
(Theo Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.