Vinasun kiện Grab: Chờ phán quyết cuối cùng

Phương Thảo Thứ ba, ngày 23/10/2018 15:07 PM (GMT+7)
Sau 4 ngày xét xử (từ ngày 17.10 trừ 2 ngày nghỉ cuối tuần), chiều 23.10, TAND TP.HCM sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về việc nguyên đơn Vinasun kiện bị đơn Grab trong vụ "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng".
Bình luận 0

Vinasun đề nghị chấm dứt thí điểm theo Quyết định 24

Như Danviet đã đưa tin, theo đơn khởi kiện của Vinasun cũng như những cáo buộc của nguyên đơn tại tòa án, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, Vinasun khẳng định trên thực tế, Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun thông qua hàng loạt hoạt động như: Grab tự quyết định giá cước vận chuyển; các chương trình khuyến mại về giá cước vận chuyển; nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grab; có chế độ thưởng, phạt tài xế, kiểm soát hành vi, thái độ của tài xế với khách hàng đi taxi; mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi Grab.

img

4 ngày xét xử căng thẳng vụ Vinasun khời kiện Grab

Theo Vinasun, điều này là không công bằng và vi phạm các quy định về kinh doanh theo pháp luật Việt Nam. Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho VinasunVinasun dẫn chứng từ 2015 đến giữa 2017, đơn vị này giảm 10.000 nhân viên (trước là 17.000); cổ phiếu liên tục giảm; số lượng xe nằm bãi và phải thanh lý rất nhiều… Từ đó, Vinasun khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng. Đồng thời, Vinasun còn đưa ra đề nghị chấm dứt thí điểm theo Quyết định 24 của bộ GTVT.

Hơn thế, Vinasun còn khẳng định Hoạt động kinh doanh taxi trái pháp luật của Grab ảnh hưởng rất xấu tới môi trường kinh doanh taxi tại Việt Nam, làm lũng đoạn thị trường, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, có dấu hiệu trốn thuế. Vinasun dẫn chứng số liệu các khoản lỗ mà Grab báo cáo từ năm 2014 - 2017 là khoảng 1.700 tỷ đồng thì tiền đâu mà doanh nghiệp này đóng thuế…

Đại diện Vinasun cũng cho biết thêm, Vinasun đã sử dụng phần mềm như Grab từ 2015. Vinasun App cũng tương tự như phần mềm của Grab: biết trước giá cước, thông tin tài xế, thời gian đến đón…, có SMS thông báo số lái xe, số điện thoại lái xe, thời gian đến đón… Các chương trình khuyến mại của Vinasun đều được đăng ký với Bộ công thương theo quy định của pháp luật.

img

Đại diện Vinasun đề nghị chấm dứt việc thực hiện thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT

Grab sẵn sàng chi tạm ứng tiền tỉ để trưng cầu giám định lại

Đại diện bị đơn Grab khẳng định hoạt động kinh doanh của GrabTaxi là hoạt động cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ có tham khảo ý kiến của các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông dựa trên đề án thí điểm được GrabTaxi trình lên. 

Đại diện Grab cho rằng Vinasun nên tự nhìn lại lý do khách hàng rời bỏ Vinasun là vì chất lượng dịch vụ thay vì kiện Grab – đối thủ cạnh tranh của Vinasun ra tòa.

Grab cho rằng Vinasun đang lợi dụng hệ thống tư pháp nhằm giành thế chiến thắng trên thị trường; Vinasun "tố" Grab vi phạm đề án 24 nhưng Vinasun cũng không có hợp đồng điện tử, không có hợp đồng giấy, vi phạm đề án 24,vi phạm về khuyến mãi và một số quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Ông  Jerry Lim, đại diện Grab khẳng định Grab luôn cố gắng làm tốt nhất và hiệu quả nhất để phục vụ hơn 96 triệu người Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội làm ăn cho người Việt Nam, tạo ra tiêu chuẩn sống tốt hơn, kiên định với sứ mệnh của Grab tại Việt Nam để tồn tại. Mục đích cuối cùng là đem lại dịch vụ hoàn hảo, giá cả cạnh tranh cho người Việt.

Tại tòa, VinaSun chưa cung cấp được quyết định của Bộ GTVT về hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi đối với GrabTaxi. Đồng thời Bộ GTVT đã hai lần xem xét và kết luận hoạt động theo Đề án thí điểm của bị đơn không phải là hoạt động kinh doanh vận tải...

Phía Grab cũng khẳng định không có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh nên không thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại như nguyên đơn yêu cầu. Đồng thời, Grab nêu quan điểm: Nếu nguyên đơn cho rằng hoạt động kinh doanh theo Quyết định 24 gây thiệt hại cho mình thì nguyên đơn phải kiện Bộ GTVT theo thủ tục tố tụng hành chính chứ không phải kiện Grab.

img

Đại diện Grab không chấp nhận bản trưng cầu giám định thiệt hại và đề nghị giám định lại

Tại phiên xét hỏi ngày 22.10, trước sau như một, Grab cũng đồng thời không chấp nhận bản Giám định thiệt hại do công ty Cửu Long đưa ra. Vị đại diện cũng như Luật sư bảo vệ cho Grab khẳng định việc giám định thiếu  tính khách quan, không đúng, chưa đầy đủ, công ty giám định không đủ khả năng, trình độ để giám định cho đúng… Grab đề nghị trưng cầu giám định lại bởi một công ty có tầm cỡ quốc tế, đủ uy tín, năng lực.

Đề nghị này của bị đơn đã không nhận được sự đồng ý của Vinasun. Bởi Vinasun cho rằng công ty giám định Cửu Long là được tòa án chỉ định, mang tính khách quan, đã có kết quả rồi thì không phải giám định lại.

Xem xét ý kiến của hai bên, HĐXX cho biết sau khi hội ý, nếu đồng ý trưng cầu giám định lại theo đề nghị của Grab thì toàn bộ chi phí tạm ứng giám định sẽ do Grab chịu trách nhiệm (giám định do công ty Cửu Long thực hiện, số tiền tạm ứng giám định gần 3 tỷ là do Vinasun chi tạm ứng). Số tiền tạm ứng giám định sẽ được tính sau khi có phán quyết của tòa án. Ông  Jerry Lim, đại diện Grab khẳng định chấp nhận chi tạm ứng giám định lại.

Chiều ngày 23.10, TAND TP.HCM sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện được cho là hy hữu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải từ trước tới nay ở Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem