Vinh danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Thứ sáu, ngày 07/12/2012 10:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 18 giờ 10 phút ngày 6.12 (giờ VN), tại Paris Pháp, UNESCO đã chính thức ghi nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bình luận 0

Nhẹ cả nỗi lòng...

Chiều 6.12, chia sẻ với phóng viên NTNN, GS-TS Ngô Đức Thịnh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á, người tham gia viết và phản biện hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đệ trình UNESCO cho biết: “Tôi thực sự rất lo lắng về bộ hồ sơ đệ trình UNESCO lần này.

Không phải vì chúng ta chuẩn bị chưa kỹ càng mà lo vì nếu chẳng may không được thông qua, hàng chục triệu trái tim người Việt sẽ bị tổn thương. Mang cả tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của mình “đi thi” đâu phải là điều đơn giản. Rất mừng vì bộ hồ sơ của chúng ta đã thuyết phục được Hội đồng với số phiếu cao, điều đó chứng tỏ, truyền thống tín ngưỡng hướng về cội nguồn của người Việt đã được thế giới đánh giá xứng đáng”.

img
Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, trên thế giới, tục thờ cúng tổ tiên không phải dân tộc nào cũng có, ngoài Việt Nam và Hàn Quốc, chưa có quốc gia nào có hình thức thờ Quốc tổ - như trường hợp của tín ngưỡng Hùng Vương. Tín ngưỡng này không có từ thời Vua Hùng mà đến thời Lý-Trần mới có, do các nhà lãnh đạo quân sự xác định phải xây dựng một ý thức hệ cho toàn dân tộc trước nạn ngoại xâm.

Ý thức hệ này đã kết tinh sức mạnh của cả một dân tộc, giúp chiến thắng mọi kẻ thù và giữ vững nền độc lập. Tín ngưỡng Hùng Vương đã trở thành một kết nối lịch sử, vượt lên trên mọi thời đại và triều đại, cho đến hôm nay, đó chính là giá trị văn hóa chính trị đích thực, rất đáng tự hào, cần được gìn giữ và tôn vinh.

Bộ hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam và tỉnh Phú Thọ phối hợp xây dựng từ đầu năm 2010. Các nhà nghiên cứu đã có 2 đợt tổng kiểm kê tư liệu tại hơn 200 di tích quanh khu vực đền Hùng, cùng nhiều đợt điều tra thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng độc đáo này. Theo thống kê, hiện nay trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương.

Học tập, làm theo và gìn giữ

Là người Việt Nam, ai không có những phút giây ngập tràn cảm xúc kiêu hãnh khi đọc đôi câu đối trước cổng đền Hùng: "Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn quy bản tích - Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn" (Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối; Lên cao nhìn khắp, trập trùng đồi núi cháu con đông).

Từ nhiều thế kỷ trước, người Việt đã xem việc thờ cúng tổ tiên là một cái lễ lớn trong trời đất, nước có Quốc giỗ, rồi các dòng họ, các gia đình trông vào đó mà làm theo để thể hiện lòng biết ơn với các bậc tiền nhân. Trải qua nhiều triều đại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho đến ngày hôm nay vẫn được các con cháu Vua Hùng xem như một tập tục tốt đẹp của cả dân tộc.

Vừa để giáo dục cháu con phải biết “con người có tổ có tông”, vừa để cho các quốc gia lân cận biết rằng đất nước được các Vua Hùng tạo dựng từ thuở xa xưa vẫn luôn luôn được các thế hệ con cháu gìn giữ trong một khối thống nhất vẹn toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem