Vĩnh Phúc: Nâng cao tuyên truyền an toàn giao thông cho người dân khu vực nông thôn
Vĩnh Phúc: Nâng cao tuyên truyền an toàn giao thông cho người dân khu vực nông thôn
PV
Thứ bảy, ngày 20/11/2021 17:18 PM (GMT+7)
Tình trạng tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn có xu hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng việc một bộ phận người dân nông thôn còn xem nhẹ việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ dẫn đến việc tai nạn giao thông gia tăng.
Để nâng cao ý thức cho người dân ở khu vực nông thôn khi tham gia giao thông, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
Dọc các tuyến đường khu vực nông thôn, chúng ta có thể dễ bắt gặp hàng chục trường hợp người dân lái xe máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Nhiều trường hợp thanh thiếu niên còn phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên đường. Thậm chí, có trường hợp người dân sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện, chở số người vượt quá quy định và không chấp hành các tín hiệu giao thông, vượt đèn đỏ, không xi nhan khi chuyển hướng, sang đường; hay như có những trường hợp chị em khi tham gia giao thông còn giữ thói quen đội nón, mũ thời trang khi điều khiển xe máy trên đường…
"Vào mỗi ngày tôi đều đạp xe đến trường đón cháu đi học về. Lúc này phương tiện tham gia giao thông tăng cao, thế nhưng vẫn có một bộ phận các thanh thiếu niên thiếu ý thức phóng nhanh vượt ẩu, khiến người tham gia giao thông gặp nạn. Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông do những thanh niên thiếu ý thức nói trên gây ra. Có thể kể đến vụ tai nạn giao thông vào đầu năm. Vào khoảng 17h khi các cháu học sinh cấp 1 tan học, xe cộ tràn ra đường thì xuất hiện 3 thanh niên điều khiển 2 xe máy lạng lách, đua nhau trên đường. Những thanh niên này đã quệt vào 1 cháu nhỏ học lớp 2 khi đang điều khiển xe đạp. Vụ tai nạn làm cháu nhỏ bị ngất phải nhập viện cấp cứu.
Vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã xử phạt 3 thanh niên các lỗi không có bằng lái xe nhưng vẫn tham gia giao thông, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện xe máy…", ông Duy người dân huyện Vĩnh Tường nói.
Cũng theo những người dân khu vực huyện Vĩnh Tường, vào những ngày mùa ở khu vực đường nông thôn vẫn còn tình trạng người dân lấn chiếm đường xá để phơi rơm, phơi lúa. Nhiều người còn dùng các vật dụng để rào, chắn đường để phơi phóng, những hành động này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí. Toàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 11 người chết, 12 người bị thương (giảm 1 vụ, giảm 3 người chết, giảm 6 người bị thương). Tuy nhiên, tình trạng các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga... còn gia tăng ở nhiều địa bàn; tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến. Do đó, thời gian tới, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm tăng cường tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tập trung cao điểm xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, tải trọng, không đội mũ bảo hiểm, đua xe, lạng lách, đánh võng...
Theo ghi nhận của PV, tại các huyện Yên Lạc, Vĩnh Yên… từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã kiểm tra, xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, chủ yếu các lỗi như: sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, không chấp hành tín hiệu giao thông.
Được biết, khi lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý, nhiều người dân đã tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ; tuy nhiên, khi lực lượng chức năng vắng mặt, tình trạng vi phạm an toàn giao thông tiếp tục tái diễn. Trong khi đó, Công an xã là lực lượng trực tiếp giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở các vùng nông thôn nhưng chưa phát huy được vai trò kiểm soát, giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại cơ sở.
Để từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, nhất người dân ở khu vực nông thôn khi tham gia giao thông, ngoài duy trì, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý răn đe của các cơ quan, lực lượng chức năng, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông với nhiều hình thức phong phú, sinh động, dễ hiểu để nâng cao tính tự giác của người dân khi tham gia giao thông.
Tin cùng chủ đề: Tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống tác hại rượu bia 2021
Vui lòng nhập nội dung bình luận.