Khởi sắc từng ngày
Vĩnh Viễn có mạng lưới giao thông nông thôn khá đồng bộ với 16km đường nhựa, gần 58km đường bê tông, đá cấp phối và 67 cây cầu bê tông, bảo đảm tốt nhu cầu đi lại bằng xe hai bánh về đến các xóm, ấp. Hiện xã đang tập trung cải tạo, gia cố, nâng cấp hệ thống đê bao khép kín, các tuyến kênh thủy lợi nội đồng, các tuyến kênh chính để dẫn ngọt, rửa phèn, phục vụ tưới tiêu... với tổng mức kinh phí khoảng 98 tỷ đồng.
|
Chuyển đổi mô hình sản xuất, cuộc sống người dân Vĩnh Viễn đã khá lên. |
Chợ xã Vĩnh Viễn đã trở thành khu chợ khá sầm uất, tập trung nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, may mặc, điện gia dụng... của hàng trăm tiểu thương, người dân trong và ngoài xã. Ngoài ra, khu dân cư thương mại Vĩnh Viễn với diện tích 0,4ha, gồm 50 căn hộ khang trang, đã góp phần làm thay đổi diện mạo cho trung tâm xã.
Ông Phạm Văn Chinh ở ấp 3, phấn khởi: "Bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi, nổi bật nhất là đường giao thông. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, nên ai nấy đều rất đồng tình và quyết tâm cùng xây dựng nông thôn mới".
Chuyển đổi mô hình phù hợp
Từ vùng đất sản xuất một vụ lúa/năm, năng suất trung bình 3 - 4 tấn/ha, đến nay phần lớn diện tích đất trồng lúa trong xã đã canh tác được cả 3 vụ lúa, năng suất bình quân 6 tấn/ha.
Ngoài ra, nhiều người dân Vĩnh Viễn còn dựa vào điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, chuyển sang làm ăn hợp tác, mạnh dạn chọn lựa và nhân rộng mô hình canh tác cây trồng, vật nuôi phù hợp có lợi nhuận kinh tế cao, thay vì độc canh cây lúa.
Đáng kể nhất là phong trào nuôi trồng thủy sản, với những loại thủy sản đặc trưng của vùng đất Hậu Giang như cá rô đầu vuông, cá thác lác... có thể thu được lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cây lúa trên cùng diện tích canh tác. Hiện nay, xã có gần 1.500 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có nhiều mô hình làm ăn đạt hiệu quả cao, cho thu nhập 50 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Những năm gần đây, đời sống người dân Vĩnh Viễn không ngừng nâng lên, nhiều hộ dân nghèo đã có mức thu nhập khá lên nhờ biết chuyển đổi mô hình làm ăn. Nếu mức thu nhập bình quân đầu người vào năm 2005 khoảng 5,5 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên 12,8 triệu đồng/ người/năm.
Nhờ chuyển đổi mô hình làm ăn từ làm ruộng sang nuôi cá, chỉ sau 3 năm áp dụng, cuộc sống của gia đình ông Lê Văn Ba (ấp 1) càng khấm khá. Từ ngày được xã tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá và ông bắt đầu thả nuôi. Ông đã mạnh dạn mua cặp cá rô đầu vuông bố mẹ với giá 300.000 đồng để nhân giống. Với diện tích thả nuôi gần 1.500m2 mặt nước, sau 3 vụ, ông thu lời hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ninh - Trưởng ban nhân dân ấp 2 bày tỏ: "Chủ trương xây dựng xã NTM là thiết thực, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của toàn dân. Nhờ đó, đã làm thay đổi bộ mặt của xã nông thôn nghèo khó".
Bà Hồ Thị Mỹ Thôn- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn chia sẻ: "Để hoàn thành 19 tiêu chí, từ nay đến 2015 Vĩnh Viễn cũng gặp một số khó khăn, thách thức lớn, nhất là cả xã còn 6 tuyến đường giao thông huyết mạch, có tổng chiều dài khoảng 25km chưa đạt theo chuẩn".
Phương Nghi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.