18 hộ dân nói trên kiện UBND huyện Nam Trà My vì không ra quyết định thu hồi đất đối với từng hộ dân và áp dụng mức giá bồi thường quá thấp.
Cũng theo ông Tiến, ngay sau khi thụ lý đơn của 18 hộ dân này, lãnh đạo TAND huyện Nam Trà My đã báo cáo toàn bộ sự việc với lãnh đạo TADN tỉnh Quảng Nam. TAND tỉnh cho rằng trình tự vụ kiện của dân là đúng luật.
|
18 hộ dân thôn 6 xã Trà Dơn họp bàn kiện UBND huyện Nam Trà My và EVN. |
UBND huyện làm sai luật
Về việc UBND huyện Nam Trà My không ban hành quyết định thu hồi đất cho từng hộ dân, ông Tiến cho biết thêm, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành một quyết định thu hồi đất chung cho toàn bộ dự án Thủy điện Sông Tranh 2.
Đây chỉ là quyết định chung cho cả dự án. Nhưng khi áp dụng vào thực tế cho từng hộ dân để địa phương có cơ sở kiểm kê tài sản, thu hồi đất của người dân thì UBND huyện Nam Trà My cần phải ban hành từng quyết định thu hồi đất của mỗi hộ dân riêng lẻ. Nếu lấy quyết định thu hồi đất chung của UBND tỉnh Quảng Nam để áp dụng thu hồi đất của từng hộ dân là sai luật. Đánh đồng chung như vậy, người dân chịu thiệt mà thôi.
Về việc EVN - chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước lòng hồ khi mà 18 hộ dân chưa di dời đi, ông Lữ Đình Tiến tỏ ra rất bức xúc: Đất đai, nhà cửa là tài sản mà người dân tạo lập nên, việc EVN tích nước gây ngập lụt toàn bộ tài sản của họ chưa di dời là không đúng với quy định pháp luật. Ở đây, EVN và UBND huyện Nam Trà My chưa thực hiện đầy đủ việc không được xâm hại đến quyền lợi, tài sản hợp pháp của người dân khi chưa tìm ra tiếng nói chung với họ. Việc làm đó là vô cảm với người dân.
Hỗ trợ quá thấp
Ngày 27.10, những người vừa gửi đơn kiện EVN tại Nam Trà My cho rằng, theo quyết định của tỉnh, toàn bộ tiền bồi thường và hỗ trợ cho dân bị ảnh hưởng trong công trình thủy điện là do EVN lo. Về đền bù thì huyện áp giá theo quyết định của tỉnh, còn hỗ trợ là tùy ở EVN. Thực tế cho thấy, phần hỗ trợ của EVN cho các hộ dân cũng không đáng kể, thể hiện sự thiếu quan tâm đến quyền lợi người dân.
Nguyên nhân để 18 hộ dân kiện UBND huyện Nam Trà My ra tòa ngoài việc áp giá bồi thường, hỗ trợ quá thấp, còn vì UBND huyện này không ra quyết định thu hồi đất từng hộ dân mà lấy quyết định thu hồi chung cho cả dự án Thủy điện Sông Tranh 2 của UBND tỉnh Quảng Nam để thu hồi đất của người dân.
Ông Phan Văn Bửu dẫn chứng: “Tôi bị mất đi 400m2 đất ở, 109m2 đất vườn, 4.644m2 đất trồng cây hàng năm, 634m2 đất vườn đào ao nuôi cá; mất nhà cửa, mồ mả, hoa màu cây cối vậy mà tổng mức đền bù và hỗ trợ của EVN chỉ là 446 triệu đồng. Chừng đó tiền làm sao tôi làm nhà, tạo dựng đất đai, ao vườn để tiếp tục cuộc sống?”.
Hàng xóm của ông Bửu là ông Rân cho biết, ông mất đến 18.000m2 đất các loại, rồi nhà ở, vật kiến trúc, cây cối hoa màu... nhưng EVN chỉ bồi thường và hỗ trợ 532 triệu đồng. Theo ông Rân, gia đình có 7 khẩu nhưng chỉ được bồi thường, hỗ trợ như vậy, trong khi toàn bộ diện tích đất vườn bị thu hồi hết, liệu có đủ mua một mảnh đất làm nhà ở không, chưa nói đến lấy đất đai đâu canh tác sinh sống.
“Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải tính toán hợp tình hợp lý khi áp giá bồi thường, hỗ trợ để người dân đi đến nơi ở mới ngoài ổn định đời sống còn phải yên tâm canh tác” - ông Rân bức xúc.
Thu Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.