Nhà lưới mới được đầu tư giúp năng suất rau ổn định hơn.
Thời gian còn sinh sống ở TP Quy Nhơn, anh chị luôn ưu tiên nguồn thực phẩm sạch. Anh chị thường tìm mua qua mối bán hàng tin cậy của người quen, hoặc rau chứng nhận VietGAP tại siêu thị.
Chị Thủy chia sẻ, sau 10 năm công tác tại viện, đến năm 2016, ông xã chủ động bàn với vợ kế hoạch nghỉ việc tại cơ quan nhà nước, về quê mở trang trại trồng rau. Như vậy, sẽ có nguồn thực phẩm tươi sạch đảm bảo cho sức khỏe gia đình, đồng thời thỏa mãn niềm đam mê trồng trọt của anh.
Ban đầu, chị Thủy chưa đồng ý, bởi vẫn muốn tiếp tục cống hiến cho viện nghiên cứu. Chị đề nghị hai vợ chồng cùng sắp xếp trồng rau, làm vườn ngay ở TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, anh Quả quyết tâm nghỉ hẳn để về quê chuyên tâm trồng trọt. Được chồng thuyết phục, chị cũng đồng ý đưa 2 con về cùng ông xã.
"Chúng tôi quyết định nghỉ việc khá nhanh, chuyển về quê làm trang trại cũng gấp rút. Sau khi bán nhà tại Quy Nhơn hồi tháng 6/2016, vợ chồng và hai con nhỏ về Quảng Bình. Gom góp được 600 triệu đồng, chúng tôi bỏ ra 580 triệu đồng để mua 2,8ha đất, lại vay mượn thêm ngân hàng, huy động người thân, bạn bè hỗ trợn để có tiền san ủi làm đất trồng rau. Gia đình cũng cất ngôi nhà nhỏ để sinh sống, quyết tâm gắn bó với nghề nông", chị Thủy kể.
Anh Quả quê gốc ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), nhưng lại chọn Quảng Bình quê vợ để lập nghiệp. Anh chị đồng lòng về đây, bởi giá đất Quảng Bình hợp túi tiền, lại có tiềm năng thị trường. Muốn làm trang trại rộng cả hecta với vốn eo hẹp, thì Quảng Bình là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.
Khí hậu khắc nghiệt ở Quảng Bình là rào cản lớn đối với nghề trồng rau. Nhiều người từng làm nhưng chưa thành công, khiến thị trường rau sạch khan hiếm. Biến thách thức thành cơ hội, đôi vợ chồng càng có thêm động lực, quyết tâm theo đuổi con đường trồng rau sạch.
Vườn rau được trồng xen canh và bao quanh bởi cánh rừng.
Để chủ động đầu ra cho rau, ngay từ khi chưa bắt tay xuống giống, chị đã tới các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn và vùng lân cận đặt vấn đề cung ứng rau sạch cho bếp ăn. Kế hoạch đó nhanh chóng được lãnh đạo các trường chấp thuận.
Muốn rau an toàn, không nhiễm bẩn và độc hại, anh chị cẩn trọng từ quy trình làm đất, xuống giống tới tưới nước, bón phân, thu hoạch. Mặc dù có nhiều năm nghiên cứu nông nghiệp, nhưng khi bắt tay vào làm nông, vợ chồng chị Thủy vẫn đối mặt với không ít khó khăn.
Thời tiết, gió Lào, mưa bão… ảnh hưởng nhiều tới quá trình chăm sóc và năng suất. Trong khi chi phí cho thuốc trừ sâu thảo mộc, bẫy sinh học, nhà lưới... cao hơn nhiều so với phương thức trồng rau thông thường.
Cận Tết 2016, chị Thủy mở cửa hàng phân phối rau tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch. Nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, hoạt động khá trì trệ. Đến tháng 9/2017, anh chị quyết định chuyển cửa hàng vào TP Đồng Hới, dân cư tập trung đông đúc, thu nhập và nhu cầu tiêu thụ rau sạch cao hơn nhiều, sản lượng ổn định hơn. Sau 3 tháng, khách hàng đông dần.
Sản phẩm rau sạch được anh chị đặt tên thương hiệu An Nông và có chứng nhận VietGap. Rau củ hiện không chỉ cung cấp cho trường học, mà còn nhiều quán ăn trong huyện Bố Trạch. Nông trại trồng rau mùa nào thức nấy, chủ yếu gồm rau ăn lá, rau thơm, xà lách, cà chua, bầu, bí, dưa chuột…
"Làm rau hữu cơ không thể thu lợi nhuận nhanh. Do vậy với nhiều người trẻ, kỹ thuật chăm sóc và tìm kiếm thị trường tiêu thụ là rào cản lớn. Tuy nhiên, nếu tập trung sản xuất ra rau củ chất lượng, dần tạo lập niềm tin với khách hàng, thì trở ngại sẽ qua đi nhanh. Vợ chồng tôi tâm niệm, làm nông nghiệp hữu cơ để thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng rau sạch của người dân", chị Thủy chia sẻ.
Phong Vân (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.