Vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang nhờ nâng điểm, khiển trách có thỏa đáng?

Bảo Yến Thứ bảy, ngày 26/10/2019 13:26 PM (GMT+7)
Theo luật sư, bà Nga – chuyên viên Sở Tài chính - vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang và những người nhờ nâng điểm cho con em phải là người đồng phạm với người trực tiếp thực hiện hành vi.
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, chiều ngày 23/10, Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Hà Giang đã ra quyết định kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách đối với bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Sở Tài chính - vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn do nhắn tin nhờ nâng điểm cho cháu.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ án nâng điểm thi THPT ở Hà Giang, HĐXX đã công bố rất nhiều tin nhắn từ phụ huynh, người nhà thí sinh gửi đến máy điện thoại bà Triệu Thị Chính  - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nhờ giúp đỡ.

img

Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Sở Tài chính - vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã nhắn tin cho bị cáo Triệu Thị Chính.

Trong đó có tên Nga làm việc ở  Sở Tài chính Hà Giang đã nhiều lần gửi tin nhắn. Trong tin nhắn, bà Nga gửi tên, số báo danh, phòng thi, môn thi, số chứng minh thư... của thí sinh.

Các tin nhắn này được cung cấp bởi Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) và được giám định bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thể hiện rõ là “nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm”.

Tại tòa, đại diện VKSND tỉnh Hà Giang cho biết, bà Nga là người đầu tiên và cũng là người nhắn tin nhiều nhất đến số điện thoại của bị cáo Chính nhờ giúp.

Việc bà Nga nhận hình thức kỷ luật là khiển trách liệu có thỏa đáng?

Trao đổi với Dân Việt về sự việc trên, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Quan điểm của tôi là những người nhờ nâng điểm cho con em phải là người đồng phạm với bà Chính”.

Luật sư phân tích: CQĐT sẽ phải chứng minh được rằng những người nhờ nâng điểm đó có đưa cho bà Chính một lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất nào đấy để nhờ bà Chính nâng điểm cho con sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự những người này ví dụ như vợ ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang với tội danh là đưa hối lộ, còn bà Chính sẽ chịu tội nhận hối lộ.

Trong trường hợp không chứng minh được việc các bên có hứa hẹn quyền lợi về vật chất, phi vật chất với nhau cũng cần phải xem xét góc độ đồng phạm của những người nhờ nâng điểm cho con. Tức là, họ là quan chức hay công dân cũng phải nhận thức rằng việc nâng điểm cho người khác trong 1 kỳ thi là hành vi vi phạm pháp luật. Song, họ mong muốn điều đấy xảy ra, sau đó, họ tác động đối với người có thẩm quyền là bà Chính để bà nâng điểm cho con.

“Điều này chứng minh rằng họ cùng với bà Chính nhằm thực hiện một tội phạm là lợi dụng chức vụ quyền hạn. Vậy nên phải xem xét vợ của Chủ tịch tỉnh Hà Giang phải là đồng phạm với bà Chính và phải chịu trách nhiệm hình sự trong việc thực hiện tội phạm đấy chứ không phải chỉ chịu trách nhiệm về mặt kỷ luật Đảng.

Ở đây, việc kỷ luật vợ ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang về mặt Đảng với hình thức khiển trách không làm mất đi tính chịu trách nhiệm hình sự”- luật sư Tuấn Anh cho hay.

Với quan điểm pháp lý luật sư cho rằng, nếu chỉ kỷ luật bà Nga bằng hình thức khiển trách mà không xử lý hình sự đồng phạm với bà Chính thì đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem