Sẽ giàu có nhờ xuất khẩu điện
Theo tờ Vientiane Times, Lào hiện có 53 nhà máy thủy điện với tổng công suất 7.082 MW, có thể tạo ra 37.028 triệu kWh điện mỗi năm. Chính phủ nước này lên kế hoạch tăng công suất gần gấp đôi lên 13.062 MW trong năm 2020, hướng đến xuất khẩu cho các quốc gia Đông Nam Á.
Giới chức Lào tin rằng đất nước nhỏ bé này sẽ nhanh chóng trở nên giàu có nếu biến mình thành "viên pin của châu Á", sử dụng những sườn núi dốc, những hang động lớn và hệ thống sông ngòi phong phú để chạy các nhà máy thủy điện, sản xuất đủ lượng điện để Lào có thể xuất khẩu sang các nước láng giềng.
Vụ vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy được xếp vào mức thảm họa kinh hoàng. Ảnh: IT
"Nếu tất cả các nguồn năng lượng có thể được phát triển, Lào có thể trở thành viên pin của Đông Nam Á", CS Monitor dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Lào Nam Viyaketh cho hay, "Chúng tôi có thể bán năng lượng của mình cho các nước láng giềng. Lào có thể trở nên giàu có".
Chính vì thế, các quan chức cấp cao Lào gần đây tăng cường chuyến thăm đến những quốc gia trong khu vực, đề xuất ký kết thỏa thuận mua bán điện. Chính phủ Lào đã ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khả năng mua bán điện với Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
“Có 47 đập thủy điện đang hoặc sắp được xây dựng và tất cả dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020 và 2021. Khi đó, chúng tôi có tổng cộng 100 nhà máy thủy điện, tổng công suất 13.062 MW, có thể sản xuất 66.944 triệu kWh điện hằng năm và 85% trong số này sẽ được xuất khẩu”, tờ Vientiane Times dẫn lời ông Khammany Inthirath, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào, tuyên bố hồi cuối tháng 3.
|
Chẳng hạn ở Myanmar, nhu cầu sử dụng điện tăng 13% hằng năm, ước tính cần công suất 4.500 MW vào 2020 và đến 2030 là 13.410 MW. Năm ngoái, Lào tuyên bố lên kế hoạch xuất khẩu 200 MW điện cho Myanmar vào năm 2020 và hơn thế nữa trong tương lai. Nước này cũng đã đạt thỏa thuận bán 100 MW điện cho Malaysia thông qua Thái Lan. Để thực hiện kế hoạch này, chính phủ Lào phải tăng cường các nhà máy thủy điện.
Bên cạnh đó, thủy điện giúp Lào trở thành địa điểm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ năm 1986, Lào mở cửa đón nhà đầu tư nước ngoài và đã thu hút được khoảng 6,6 tỉ USD (150.262 tỉ đồng) rót vào các dự án xây nhà máy thủy điện. Con số này chiếm 33,4% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Lào.
Lào vốn đã xuất khẩu 2/3 lượng điện sản sinh từ các hệ thống thủy điện. Điện năng đóng góp gần 30% trong số hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Những lo ngại đang thành hiện thực
Bên cạnh những tương lai tươi sáng được Lào kỳ vọng thì không ít chỉ trích cho rằng các dự án thuỷ điện này sẽ gây ra những thiệt hại về môi trường cũng như cuộc sống của người dân.
Hàng nghìn người dân Lào lâm vào cảnh mất nhà cửa. Ảnh: IT
Tổ chức liên chính phủ Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) nhiều lần cảnh báo những đập thủy điện sắp xây dựng sẽ đe dọa an ninh lương thực và sản lượng nông nghiệp, đe dọa đời sống của 60 triệu người dân ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Báo cáo của MRC công bố ngày 6.4 mô tả chi tiết tác động của 12 đập thủy điện trên Mê Kông cùng 120 đập được lên kế hoạch trong vòng 20 năm tới.
Theo đó, 12 dự án đập thuỷ điện sẽ ngăn chặn 55% dòng chảy tự do, ảnh hưởng đến 40 chi lưu và là ổ chứa cho các loại cá da trơn. Báo cáo cho thấy các đập Pak Chom và Ban Koum ở biên giới Thái – Lào sẽ ảnh hưởng đến 588.189 người sống xung quanh đó.
Nhiều người dân Thái Lan lẫn Lào đã phản đối mạnh mẽ các dự án trên khiến cho nhiều dự án phải tạm ngưng. Trong báo cáo 3.600 trang, MRC đưa ra nhiều bằng chứng cụ thể và ước tính sản lượng thủy sản sẽ giảm 30 - 40% vào năm 2040.
Ikuko Matsumoto, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức phi lợi nhuận Những dòng sông quốc tế (International Rivers), lo lắng những người bị dự án NT2 ảnh hưởng có thể sẽ không còn sinh sống nhờ vào các khu rừng và dòng sông.
Khoảnh khắc ghi lại được cảnh nước từ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy vỡ. Ảnh: IT
Bà Ikuko Matsumoto nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng nhất cho người dân là an ninh lương thực. Cuộc sống hàng ngày của họ dựa vào bắt cá, trồng lúa và thu lượm nguyên liệu rừng. Làm thế nào để các doanh nghiệp và chính phủ có thể giúp họ khôi phục trở lại cuộc sống như trên? Đó là thách thức lớn nhất và tôi thực sự không nhìn thấy thành công đáng kể”.
Ngay khi Lào khởi động kế hoạch xây dựng đập thủy điện Pak Lay, ngay phía dưới hạ lưu công trình đập Xayaburi sắp hoàn thành, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện bình luận: Vậy là thêm một domino lại đổ trên sông Mê Kông. Đối với ĐBSCL, thêm một con đập chặn dòng đồng nghĩa với việc phù sa và cát bị chặn lại nhiều hơn. Mất cát, phù sa sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng. Vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL đang ngày càng bức xúc.
Theo ông Thiện, quyết định này là điều rất khó hiểu của cả Chính phủ Lào lẫn các nhà đầu tư. Tháng 2.2018, Thái Lan đã tạm dừng hợp đồng mua điện từ đập Pak Beng, không có đầu ra “số phận” của con đập này chưa biết sẽ ra sao. Nay Lào lại muốn xây đập Pak Lay, thị trường tiêu thụ chính được nhắm tới vẫn là Thái Lan. Nhưng với sự phản ứng quyết liệt của người dân Thái Lan, dự báo đầu ra của dự án mới này có thể rơi vào hoàn cảnh khó khăn tương tự đập Pak Beng.
Bất chấp những chỉ trích, Lào vẫn đẩy mạnh kế hoạch xây thêm đập thủy điện. Các quan chức Lào từng tuyên bố MRC không thể ngăn chặn nước này thực hiện quyền đối với dự án thủy điện và rằng chính phủ sẽ giải quyết một số mối lo ngại về môi trường. Và vụ vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy là lời cảnh báo đầu tiên?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.