Chọn chi tiết “đắt”
Lấy tên theo một câu thơ trong bài “Một con người” mà Tố Hữu viết tiễn biệt Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vở “Sáng trong như ngọc một con người” do NSƯT Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương Việt Nam) đạo diễn là vở diễn đầu tiên về “Đại tướng nông dân”.
|
Một cảnh trong vở diễn “Sáng trong như ngọc một con người” |
Ông có biệt danh này bởi xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Mới 14 tuổi, mất cha, ông đành bỏ học để làm tá điền. Và năm 1961, ông làm nên những kỳ tích của nông nghiệp miền Bắc khi lãnh đạo nông dân làm kinh tế. Vở diễn đã ra mắt tối 12.5 tại TP. Huế và tối 22.5 tại TP.Tam Kỳ. Thời gian tới, Nhà hát Ca kịch Huế sẽ đem vở này diễn tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 46 năm Ngày mất Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6.7.1967).
Tác giả kịch bản - nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Vinh đã dành 1 năm nghiên cứu tư liệu về Tướng Thanh, một nhân cách lớn mà anh hết sức tôn quý. “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhiều công trạng mà mất sớm, ít tư liệu và bị cách quãng lâu và chưa có tác phẩm nghệ thuật nào về Đại tướng, đây là thiếu sót không thể kéo dài” - ông nói.
Vở ca kịch này đã nhận giải Tác phẩm xuất sắc về đề tài cách mạng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Tác giả- nhà văn Nguyễn Quang Vinh, chuyển thể ca kịch và chỉ đạo nghệ thuật-NSND Nguyễn Ngọc Bình (Giám đốc Nhà hát Ca kịch Huế), âm nhạc- nhạc sĩ Việt Đức (giám đốc Học viện Âm nhạc Huế), họa sĩ- Đỗ Doãn Bằng. Diễn viên Trần Tuấn Lin (SN 1982) nhận Huy chương Vàng cho vai diễn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh bàn bạc với NSND Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Nhà hát Ca kịch Huế. Giám đốc Bình tâm đắc và đặt nhà văn viết ngay, đích thân ông triển khai chuyển thể sang ca kịch và chỉ đạo nghệ thuật bằng sự thôi thúc, vì 2 lẽ: Tướng Nguyễn Chí Thanh người Huế và chưa từng có vở diễn nào từ nguyên mẫu ông.
Tham khảo “Chuyện tình yêu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” của Nguyệt Tú - Nguyệt Tĩnh, phần dữ liệu cuộc sống về ông vẫn ít. Nguyễn Quang Vinh gặp bà Nguyễn Thanh Hà - con gái cả của Đại tướng, được bà cung cấp thêm tư liệu. Một nhân vật lịch sử thành nhân vật kịch, tạo được sự hấp dẫn trong 2 tiếng là rất khó.
Thức trắng nhiều đêm, Nguyễn Quang Vinh tìm ra chìa khóa sáng tạo: “Đã có phim, kịch “cúng cụ”, những mô típ tôn sùng, thần tượng toàn bích, quen quá hóa... nhàm nên vở này phải khác. Chìa khóa đó là: Không cố gắng ca ngợi, chọn lọc chi tiết đắt về cuộc đời hoạt động của Đại tướng, cách kể lạ”.
Con người nhân hậu
Vở thông thường kinh phí được duyệt 198 triệu, vở này được tỉnh đầu tư 630 triệu đồng. Quy mô lớn, khó, song toàn bộ nhà hát lao động hăng say suốt 2,5 tháng, 105 diễn viên nỗ lực, hào hứng với niềm tự hào về Đại tướng. Vở kịch xây dựng nhân vật Đại tướng bao dung nhân hậu, thậm chí còn xách nước tắm cho lính. Hiếm vị tướng nào đối với lính như ông.
Ở Điện Biên, ông khích lệ đoàn văn công của Hoàng Cầm hát quan họ sau chiến thắng, trong khi có sĩ quan chỉ huy cho đó là ủy mị. Từ 1961, do yêu cầu hợp tác hóa và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Nguyễn Chí Thanh là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, tạo kỳ tích thi đua. Ông nghiên cứu Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình), nhân rộng điển hình “Gió Đại Phong”, cờ “Ba Nhất” (phong trào quần chúng), toàn miền Bắc là hậu phương lớn cho miền Nam, từ lương thực đến sức người sức của.
Về một tỉnh có hiện tượng cán bộ ăn cắp gạo cứu đói, ông phát biểu quyết liệt: “Đảng viên gì? Cán bộ gì? Nhà nước gửi gạo về, 3 ông chi ủy dấm dúi chia nhau mỗi người mấy chục cân, thì không bằng... con chó. Không thể nào để lại trong Đảng ta những con người thoái hóa đến như vậy”.
Cuộc gặp Bác Hồ chiều 5.7.1967, không ngờ là bữa cơm cuối của Đại tướng. Nguyễn Chí Thanh từ miền Nam ra báo cáo tình hình chiến trận và đến ăn cơm chia tay Bác để hôm sau vào chiến trường chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân thì đêm đó ông mất. Kịch bản chân thực không đao to búa lớn, các tuyến nhân vật - kể cả rất phụ cũng có hồn. “Bởi ông Thanh không phải con người của khẩu hiệu. Ông vĩ đại mà giản dị” - tác giả kịch bản nhấn mạnh.
Bị cuốn hút từ đầu đến cuối, khán giả khóc khi vị tướng và vợ hiền đau khổ. Không ai cầm được nước mắt khi xem cảnh con trai đầu lòng Trường Sơn của Tướng Thanh chết khi rất nhỏ và cảnh lúc ông qua đời. Nguyễn Quang Vinh xử lý cái kết đầy cảm động. Nguyễn Chí Thanh ngồi đọc tài liệu thanh thản và ra đi. Hồn ông về quê trong điệu múa nón lá, hò mái nhì. Và chú bé con trai ông xuất hiện ở cảnh kết, mặc quần áo bộ đội, quá bé bỏng trước mất mát lớn, biết cha mất mà vẫn chào kiểu lính: “Con chào ba!”.
Tư chất, ý chí của con trai vị tướng, vượt trước tuổi của thế hệ mình, chào như lời hứa thiêng liêng nhất định tiếp nối theo con đường của ba, kế thừa dòng máu anh hùng một cách xứng đáng (chú bé con trai út của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nay là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).
Nhà hát Ca kịch Huế tha thiết mong được diễn vở này tại Nhà hát Lớn Hà Nội dịp kỷ niệm 46 năm Ngày mất Đại tướng và phục vụ các đơn vị trong quân đội, bởi Tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương lớn, mẫu mực, một nhân chứng đỉnh cao của thời đại Hồ Chí Minh.
Vi Thùy Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.