Thưa ông, ở khu vực Tây Nguyên đang xảy ra tình trạng nhiều hộ dân gặp khó khăn vì hạt sachi không tiêu thụ được, giá rớt thê thảm. Vì sao Cục không kịp thời cảnh báo, để nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn này?
- Thực tế là ở vài địa phương, người dân đang phát triển mạnh diện tích một số cây trồng mới như sachi, macca, cà chua thân gỗ… Đây là những giống được du nhập vào Việt Nam từ vài năm trước, lúc đó tuy cơ quan chức năng chưa có đánh giá rõ ràng về tính thích nghi, hiệu quả kinh tế, nhưng lại được một số doanh nghiệp, cá nhân tuyên truyền, quảng cáo rất ghê gớm về hiệu quả, nào là “vua các loại hạt”, “cây tiền tỷ”, “nữ hoàng cây tỷ đô”…
Trong khi người dân lại thiếu thông tin, luôn mong muốn có thu nhập cao trên mảnh đất của mình nên đã mạnh dạn bỏ tiền mua giống về trồng. Hệ quả là sản phẩm làm ra không bán được, giá rớt thê thảm.
Chỉ sau 1 năm, vườn cây sachi kỳ vọng cho "bạc tỷ" bị chính chủ vườn chặt bỏ vì giá thấp, không ai mua. Ảnh: T.H
"Việc đưa vào cây trồng mới, đem lại hiệu quả kinh tế chúng ta luôn khuyến khích, nhưng không phải vì lợi ích của một cá nhân, hay một doanh nghiệp mà “thổi phồng” về hiệu quả của cây đó, bất chấp rủi ro”.
Ông Nguyễn Như Cường
|
Trong khi đó, về phía cơ quan nhà nước, khi người dân trồng tự phát một loại cây với diện tích nhỏ, rất khó để nắm được thông tin nếu như chính quyền địa phương cũng không biết, không có báo cáo lên cấp cơ quan quản lý cấp trên.
Ở đây, cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn ở địa phương trước hết phải là nơi nắm được thông tin về loại cây đó đang được phát triển rầm rộ ở địa phương mình, tìm hiểu xem giống cây trồng này đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép trồng hay chưa; có phù hợp với khí hậu, đất đai địa phương hay không? Thị trường của cây trồng mới này thế nào?
Điều đáng lưu ý, là với diện tích trồng quy mô nhỏ, từ vài trăm ha thì chắc chắn chuyện xây nhà máy chế biến là chưa có.
Về phía Cục Trồng trọt, không riêng gì cây sachi mà các loại cây khác như cam, bưởi, mít Thái..., chúng tôi đều có văn bản chỉ đạo các địa phương phải khuyến cáo người dân thận trọng không trồng ồ ạt; phát triển phải căn cứ vào thị trường, đảm bảo khoa học kỹ thuật, hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên chúng tôi chỉ có thể đưa ra khuyến cáo, cảnh báo chứ không cấm được người dân trồng cây gì…
Được biết, đến nay Bộ NNPTNT mới công nhận đặc cách cây sachi ở miền Bắc, chưa cho phép sản xuất cây sachi ở Tây Nguyên, có phải vì tính kinh tế của giống cây trồng này chưa rõ rệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thưa ông?
- Theo Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004, đây không phải là cây trồng chính, muốn được công nhận sản xuất ở vùng nào thì cơ quan chức năng phải có khảo nghiệm, đánh giá ở vùng đó về các tiêu chí thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu, sâu bệnh, chứ chưa nói tới các đánh giá về thị trường, hiệu quả kinh tế.
Vườn sachi bị phá bỏ, chết dần... Ảnh: T.H
Cây sachi được công nhận đặc cách ở miền Bắc là do đã được khảo nghiệm và phát triển ở một diện tích nhất định. Tuy nhiên, về diện tích cụ thể, cho đến nay Cục cũng chưa có con số chính xác vì như tôi đã nói, đây là cây trồng mới, không phải là cây trồng chính. Sachi có nhiều giống khác nhau, nhưng ở Việt Nam hiện nay mới chỉ công nhận giống sachi S18.
Một số doanh nghiệp, cá nhân liên tục có văn bản, kiến nghị Cục cho phép thử nghiệm, đưa vào sản xuất cây sachi ở Tây Nguyên, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết chưa cho phép để có những điều tra, đánh giá cụ thể, chính xác hơn.
Chúng tôi đã nhiều lần chỉ đạo cơ quan chuyên môn, ngành nông nghiệp địa phương kịp thời có hướng dẫn, cảnh báo bà con không mở rộng trồng cây sachi, nhưng vì lợi nhuận trước mắt mà nông dân vẫn lao vào trồng.
Thực tế diện tích cây sachi hiện nay chưa nhiều, còn đối với những loại cây có diện tích hàng chục ngàn ha hay vài trăm ngàn ha như mít Thái, bưởi, cam..., chúng tôi liên tục có văn bản chỉ đạo, khuyến cáo phát triển theo quy hoạch, phù hợp để đảm bảo hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Từ câu chuyện cây sachi hiện nay, cần rút ra bài học gì đối với những giống cây trồng mới nói riêng, sản xuất nông sản nói chung?
- Đối với những cây trồng mới thực sự thuận lợi, có lợi thế ở Việt Nam thì Bộ NNPTNT luôn khuyến khích, tạo điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu, thử nghiệm, nhưng việc đưa vào sản xuất như thế nào, thì cần có cân nhắc kỹ. Cụ thể, cần có đánh giá về sự phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu, đất đai; thị trường, khảo sát xem có bán được ở nội địa hay không? Vì với diện tích không lớn, thị trường nội địa vẫn phải được ưu tiên, sau đó mới tính tới xuất khẩu.
Đặc biệt, phát triển cây trồng mới phải hết sức cân nhắc, gắn với thị trường và phải có liên kết với doanh nghiệp. Người dân sản xuất dựa trên cơ sở ký hợp đồng với doanh nghiệp, có cam kết về giá cả, đề phòng rủi ro…
Trong trường hợp này, chúng ta phải hết sức thận trọng, làm ăn có lương tâm, không nên “thổi phồng” quá mức về một vài loại cây trồng mới trong khi chưa có đánh giá cụ thể để nhằm mục đích bán cây giống, lợi dụng lòng tin của nông dân.
Xin cảm ơn ông!
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.