Năm 1992, ông Peter MacDonald, một nhà quân sự và một nhà
nghiên cứu, đã xuất bản tác phẩm “Võ Nguyên Giáp – Một sự đánh giá” (Giap, an
assessmen) bằng tiếng Anh (bản dịch tiếng Pháp là: Giáp – Hai cuộc chiến tranh
Đông Dương). Ông đã sang Việt Nam và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp chuyện.
Xin trích giới thiệu vài đoạn trong chương cuối.
"Võ Nguyên Giáp đã chứng minh rằng ông có những đức tính ngoài
tầm cỡ bình thường trên mọi lĩnh vực lớn của cuộc chiến tranh"
Người Việt Nam, bất kể là ai, đều là những nhân tố thật sự kiến
tạo nên thắng lợi: Họ đã tỏ ra cương quyết, hết lòng, kỷ luật, dũng cảm và nhiệt tình. Họ đã có một vị Tổng
tư lệnh phi thường, đó là Hồ Chí Minh, người cầm lái; Võ Nguyên Giáp, người chỉ
huy các lực lượng vũ trang (….).
Võ Nguyên Giáp có thể tự hào là đã chiến thắng trong hai cuộc
chiến tranh lớn, đã đẩy lùi được lực lượng xâm lược Trung Quốc và góp công sức
vào việc kiến tạo nền độc lập và thống nhất của đất nước ông. Những chiến thắng
của ông đã khiến ông trở thành thông soái vĩ đại của các thời đại.
Võ Nguyên Giáp trong 30 năm liền vẫn là Tổng tư lệnh các lực
lượng vũ trang và trong gần 50 năm, vẫn tham dự những hội nghị chính trị ở cấp
cao nhất của đất nước. Đó là hai sự kiện vô song trong lịch sử. Chúng ta khó mà
so sánh ông với các tướng lĩnh khác về sự điều hành ở tầm cao của cuộc chiến
tranh du kích và ở các cuộc hành binh lớn nói trên.
Võ Nguyên Giáp đã chứng minh rằng ông có những đức tính ngoài
tầm cỡ bình thường trên mọi lĩnh vực lớn của cuộc chiến tranh (…).
Về chiến lược, ông có tầm nhìn xa về những diễn biến của các
sự kiện và biết cách chọn lọc những vấn đề then chốt. Ông đã phá vỡ sự ổn định
của đối phương bằng cách bố trí một cách khoa học, hợp lý các lực lượng của
mình ở nhiều nơi: Lào, Campuchia, đồng bằng sông Mê Kông, các cao nguyên, các đồng
bằng ven biển, các vùng ven khu phi quân sự,.v.v
Về chiến thuật, Võ Nguyên Giáp tỏ ra là bậc thầy của chiến
tranh du kích. Trên lĩnh vực chiến thuật, ông tỏ ra là một tổng chỉ huy xuất sắc
qua các giai đoạn.
Trong lĩnh vực điều hành chiến tranh quy mô lớn, ông có những
sáng tạo. Chẳng hạn ở Điện Biên Phủ, ông biết áp dụng cách đánh lấn: Với những
đường hầm, ông đã phá hủy lần lượt các vị trí phòng thủ của đối phương để cuối cùng, các
đơn vị của ông chiếm lĩnh các vị trí còn lại của quân Pháp.
Hơn ai hết, ông đã đả thông tư tưởng cho các chiến sĩ về sự cần
thiết và hiệu quả của yếu tố bất ngờ, của công tác ngụy tranh, công tác nghi
binh.
Trên lĩnh vực phép biện chứng, Võ Nguyên Giáp đã tỏ ra xuất
chúng trong suốt cả cuộc chiến tranh Đông Dương. Nếu không ở tầm cỡ làm chủ được
cách suy nghĩ biện chứng thì Võ Nguyên Giáp không thể thắng nổi trận Điện Biên
Phủ (…).
Khi tôi hỏi, tướng Marcel Bigéard (một tướng quân trong quân
đội Pháp, từng tham chiến trong Thế chiến thứ hai, có mặt tại chiến trường Đông
Dương, Angieri. Ông từng có mặt tại Điện Biên Phủ và là một trong các tướng chỉ
huy quân Pháp tại đây) cho biết những nhận xét, đánh giá của ông về trình độ chỉ
huy của Võ Nguyên Giáp, ông tỏ thái độ rất thán phục.
Chẳng hạn, ông nói: “Võ
Nguyên Giáp đã rút ra được những bài học về sự thất bại và không để cho chúng lặp lại”. Hoặc: “Võ
Nguyên Giáp đã chỉ huy và chiến thắng qua một thời gian khá dài, đạt được kết
quả ấy trong thời gian suốt 30 năm, thật là một chiến tích kỳ diệu!”.
Tướng Bigéard còn bộc lộ một sự kính trọng lớn đối với người
Việt Nam: “Họ là những con người gan dạ, thẳng thắn, thông minh và chăm chỉ”.
Tướng Westmoreland (là tướng “4 sao” của Hoa Kỳ, ông từng giữ
chức Tư lệnh bộ chỉ huy, cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam từ 1964 đến
1968, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ từ 1968-1972) nhận xét rằng: “Võ Nguyên
Giáp là một con người cương nghị, một vị tướng vĩ đại”. Tướng Westmoreland tìm
thấy ở Võ Nguyên Giáp một con người đầy nghị lực. Ông nói: “Những vị tướng chỉ
huy quân sự ở cấp cao buộc phải có những đức tính này, nếu không, họ sẽ không tồn
tại lâu được”.
Về vấn đề đời sống chính trị của Võ Nguyên Giáp được kéo dài,
tướng Westmoreland đã trả lời một cách rắn rỏi: “Với một vị tướng, điều ấy tùy
thuộc vào sự tín nhiệm của quần chúng”.
“…Bề ngoài lạnh lùng của ông che đậy một khí chất dữ dội khiến
người Pháp mô tả ông là một ngọn núi lửa phủ tuyết”.
“…Ông không chỉ trở thanh một huyền thoại mà có lẽ còn trở
thành một thiên tài quân sự lớn nhất duy nhất của thể kỷ XX và một trong những
một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại”.
“Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại
tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn
tài chính, dù thời gian đầu, trong tay chưa có quân nhưng vẫn liên tiếp đánh bại
tàn quân của đế quốc Nhật, quân đội Pháp (đế quốc thực dân số hai) và Mỹ (một
trong hai siêu cường thế giới) mặc dù Mỹ đã ném vào cuộc chiến tranh những nguồn
sức người, sức của và kỹ thuật to lớn trong một thời gian dài”.
“Ông là động lực đằng sau mọi thắng lợi. Thành tích của ông
là có một không hai và kết quả ông thu được là phi thường. Đó chính là thiên
tài quân sự”.
“…Những thách thức mà Võ Nguyên Giáp vấp phải đã khiến ông trở
thành người thầy của chiến thuật, chiến lược và hậu cần. Ông phát minh ra một
kiểu tác chiến chiến thuật mà cả Mỹ lẫn Pháp đều “không thể thắng được”.
“Một nhà chiến thuật bậc thầy có thể là người đã tỏ rõ được
khả năng đánh thắng nhiều kẻ thù siêu việt hơn. Võ Nguyên Giáp đã làm được như
vậy (…). Ông đã chuẩn bị một cuộc chiến tranh lâu dài, đã chiến đấu phòng ngự
cho đến khi đạt được thế cân bằng nhiều mặt và điều chỉnh cách giải quyết của
mình theo nhu cầu để rồi đánh thắng các đội quân lớn của địch.
Một nhà chiến lược bậc thầy có thể khắc phục được những thảm họa
tương lai và rút ra bài học từ thất bại. Võ Nguyên Giáp đã làm được điều đó. Những
chiến dịch chống Pháp không may mắn ban đầu đã dạy ông cách chỉ huy và điều
hành một quân đội. Những tiếp xúc ban đầu của ông với các đơn vị Mỹ đã khiến ông
có ý tưởng để đi đến chiến thuật “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”, đó cũng là
phương thức tối đa hóa quân lực của ông và tối thiểu hóa sức mạnh của Mỹ. Giáp
cũng có những thất bại như Điện Biên Phủ khi các đơn vị của ông bị tiêu hao nặng
và suýt nữa nổi loạn và như trong những ngày đen tối khi vũ khí công nghệ cao của
Mỹ dường như thắng thế.
Một nhà chiến lược bậc thầy có thể hiểu biết về địch, lợi dụng
những điểm yếu của chúng và nắm được toàn bộ cuộc xung đột. Võ Nguyên Giáp đã
làm được như vậy. Ông hiểu việc nắm được nhân dân chủ yếu về mặt xã hội và
chính trị có tầm quan trong lớn lao đối với kết quả cuối cùng.
Những người dân
này đã trở thành các chiến binh thầm lặng. Họ làm cho quân thù mòn mỏi, mất
thăng bằng và chi viện cho các đơn vị chủ lực của ông trong những trận quyết định
(…). Những thành công cũng như vậy là yếu tố xác nhận phẩm chất của một nhà chiến
lược bậc thầy. Võ Nguyên Giáp đã tránh được việc chủ yếu tập trung về quân sự
trong trận chiến đấu chống hai kẻ thù chính của mình. Nếu Clausewits (là nhà
chiến lược bậc thầy của nước Phổ) còn sống, chắc hẳn ông cũng phải kính cẩn cúi
chào vị Đại tướng này”.
“Cùng với tháng năm trôi qua và cùng với thắng lợi ngày càng
nhiều, Võ Nguyên Giáp đã tỏ ra nắm chắc được chiến lược. Do giàu óc tưởng tượng;
do nắm chắc những nguyên tắc chiến tranh và những điều cơ bản của chiến lược
cho nên trong tư duy, ông thường đi trước những đối thủ được đào tạo cơ bản
hơn, mặc dù không phải lúc nào ông cũng đánh thắng họ. Ông linh hoạt, ngoan cường
và kiên trì.
Do có thể chịu được thất bại, ông có tìm cách rút ra bài học từ những
thất bại và chuyển sang một trận đánh khác được chuẩn bị tốt hơn. Là một người
thầy và một người huấn luyện, ông cổ vũ các chiến sĩ nông dân tin tưởng nhiều
hơn vào sự lãnh đạo của ông, thổi vào họ tinh thần dũng cảm chiến đấu, mặc dù
có những lúc ông phải khắc phục sự bất hòa, đồng thời, truyền vào họ tinh thần
sẵn sàng hy sinh thân mình cho sự nghiệp của Tổ quốc. Về nhiều mặt, ông là người
tổ chức hàng đầu của toàn thể dân tộc.
Võ Nguyên Giáp là bậc thầy trong việc vận dụng tính né tránh
của người châu Á và trong việc hiểu rõ cách dùng các yếu tố thời gian và không
gian để đối phó với phản ứng mạnh mẽ và công nghệ tiên tiến của phương Tây. Ông
đã thắng. Trong lịch sử, ít người có những thành tựu quân sự sánh kịp ông”.
Trích trong "Ở với Người-Ở với Đời" - NXB Thời Đạ (Trích trong "Ở với Người-Ở với Đời" - NXB Thời Đạ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.