Với "3 không", condotel đang dần biến mất khỏi thị trường một cách "đau đớn"

Minh Khôi Thứ năm, ngày 02/09/2021 08:23 AM (GMT+7)
Chịu ảnh hưởng kép từ đà suy giảm từ cuối năm 2020 và dịch bệnh Covid-19, thị trường căn hộ khách sạn (condotel) đối mặt với "3 không": Không có dự án mới, không có giao dịch mua bán, không có khách thuê.
Bình luận 0

Nguồn cung condotel dần biến mất

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường bất động sản nói chung rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều chủ đầu tư dự án condotel phải khóa giỏ hàng, điều chỉnh chính sách bán hàng cho phù hợp khiến nguồn cung mới khan hiếm.

Cụ thể, trong tháng 7/2021, DKRA cho hay, Đà Nẵng không có sản phẩm mới tại phân khúc condotel. Sản phẩm chủ yếu trên thị trường đến từ các dự án đã mở bán trong giai đoạn trước năm 2019 với số lượng còn khá khiêm tốn, sức tiêu thụ chung ở mức rất thấp. Phân khúc condotel gần như chững lại trong thời gian vừa qua do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng cho biết đã không còn cấp phép loại hình condotel. Việc triển khai các giải pháp quản lý và kiểm soát loại hình condotel trên địa bàn được thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Với "3 không", condotel đang dần biến mất khỏi thị trường - Ảnh 1.

Nguồn cung và căn hộ condotel ở Đà Nẵng biến mất khỏi thị trường.

Còn ở Quảng Nam, phân khúc condotel không ghi nhận dự án mới và tiếp tục rơi vào giai đoạn trầm lắng trong 7 tháng vừa qua. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động. Sức tiêu thụ chung toàn thị trường ở mức rất thấp, thị trường gần như ngủ đông trong thời gian vừa qua do tác động dịch bệnh Covid-19.

Cũng trao đổi với PV Dân Việt, chủ đầu tư dự án condotel tại Quảng Ninh chia sẻ: "Do không có khách hàng thuê condotel để nghỉ dưỡng, nên doanh nghiệp không có doanh thu, mức lợi nhuận cam kết lúc này chỉ có thể đưa về mức zero. Bên cạnh đó, do liên tục thực hiện giãn cách nên tiến độ thực hiện các dự án nghỉ dưỡng, condotel trễ hơn so với dự kiến.

Chúng tôi cũng nhận thấy, hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để mở bán các dự án mới. Chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động đầu tư sôi động trở lại mới là lúc mở bán tốt nhất".

Nhà đầu tư tháo chạy, bán cắt lỗ ồ ạt condotel

Cùng với thiếu nguồn cung, thị trường condotel chứng kiến hàng loạt động thái đua bán cắt lỗ từ nhà đầu tư thứ cấp.

Liên hệ với anh Trần Văn Hùng, chủ một tin rao bán cắt lỗ căn condotel tại Bình Định thì được biết, đã hơn một năm rồi, căn hộ của anh để trống vì không có khách du lịch. Nhận thấy tình hình dịch bệnh còn kéo dài sẽ khó tìm được khách trong thời gian tới, thậm chí có thể hết năm nay, nên anh rao bán để thu lại vốn đầu tư sản phẩm khác.

So với mức giá anh Hùng mua cách đây 2 năm thì giá rao bán căn condotel này đang là 1,6 tỷ với diện tích 50m2, thấp hơn khoảng 100 triệu đồng so với trước đây.

Với "3 không", condotel đang dần biến mất khỏi thị trường - Ảnh 3.

Căn condotel của anh Hùng đang rao bán cắt lỗ. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, chị Lê Linh, chủ nhân căn hộ condotel tại Quảng Ninh cho biết, năm 2018, gia đình chị đã bỏ ra hơn 4 tỷ đồng để đầu tư 2 căn hộ condotel. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, 2 năm qua căn hộ đã phải bỏ trống vì không có khách thuê.

"Tôi đang vay ngân hàng 2 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm. Gia đình không có nguồn thu để trả lãi vay ngân hàng do đó phải bán 2 căn hộ này đi. Tuy nhiên, đến nay dù cắt lỗ vẫn không có khách hỏi mua, dù chấp nhận cắt lỗ 400 triệu/căn".

Với "3 không", condotel đang dần biến mất khỏi thị trường - Ảnh 4.

Thông tin chị Linh Lê rao bán căn condotel FLC Hạ Long. Ảnh: Chụp màn hình

Chia sẻ về câu chuyện cắt lỗ condotel trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam thừa nhận: "Trong các đợt bùng phát dịch lần thứ 2, thứ 3 đã xuất hiện hiện tượng cắt lỗ condotel. 

Tuy nhiên đợt dịch lần thứ 4 với mức độ tàn phá nặng nề hơn các đợt dịch trước cộng lại nên dự báo tình trạng cắt lỗ sẽ còn lan rộng hơn nữa. Nếu dịch kéo dài từ nay đến hết năm, các nhà đầu tư thứ cấp dễ rơi vào trạng thái chán nản và chấp nhận cắt lỗ sâu thêm, ồ ạt hơn nữa".

Còn theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam, hiện nay, một số chủ đầu tư và khách hàng vẫn có thể gồng mình được. Nhưng nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2021, việc các doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tuyên bố đóng cửa sẽ không còn là chuyện lạ. Theo ông Hoàng, cần mở rộng pháp lý cho loại hình condotel, cũng như hạn chế cấp phép ồ ạt như trước để tránh dư thừa nguồn cung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem